Chuyện chỉ được kể từ vụ kiện giữa Apple – Samsung

Tháng 2/2005, Steve Jobs, khi đó là Tổng giám đốc Apple, đưa cho kỹ sư phần mềm cấp cao Greg Christie một tối hậu thư. Suốt nhiều tháng, nhóm nghiên cứu của ông Christie gặp khó khăn trong việc nghiên cứu phần mềm cho iPhone. Steve Jobs cho nhóm thời hạn hai tuần để hoàn thành, nếu không ông sẽ giao dự án cho nhóm khác.

Ông Christie, người hiện nay vẫn đứng đầu đội nghiên cứu giao diện người dùng của Apple, nhớ lại: “Steve muốn có những ý tưởng lớn hơn và những mô hình tốt hơn”.

Nhóm của ông Christie có công phát triển nhiều tính năng iPhone, như vuốt để mở khóa điện thoại, thực hiện cuộc gọi từ danh bạ và trình nghe nhạc điều khiển bằng thao tác cảm ứng. iPhone đã loại bỏ bàn phím vật lý để sử dụng một màn hình chiếm toàn bộ bề mặt và chạy phần mềm giống các chương trình trên máy tính cá nhân hơn.

Ông Christie không bao giờ công khai kể lại những ngày đầu phát triển iPhone. Nhưng một đêm trước vụ kiện tranh chấp bằng sáng chế giữa Apple và Samsung, ông được giao nhiệm vụ trình bày trước tòa về cách iPhone đã ra đời.

Những ngày iPhone được “thai nghén” và ra đời

Năm 1996, ông Christie bắt đầu gia nhập Apple trong dự án phát triển thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số Newton. Tuy nhiên, dự án này thất bại do Newton quá cồng kềnh, đắt đỏ và phần mềm khó sử dụng. Mặc dù vậy, ông Christie vẫn thích thú với ý tưởng về một thiết bị vi tính bỏ túi.

Cuối năm 2004, ông Christie đang nghiên cứu phần mềm cho máy tính Macintosh thì Scott Forstall, một thành viên cấp cao phụ trách phần mềm của Apple, đi tới văn phòng của ông, đóng cửa và hỏi liệu ông có muốn tham gia một dự án bí mật có tên mã “purple”. Dự án này sẽ nghiên cứu một chiếc điện thoại tích hợp với máy nghe nhạc và dùng màn hình cảm ứng.

Vào thời điểm đó, Steve Jobs đang tập trung vào các sản phẩm chính, bao gồm iPod. Greg Joswiak, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị sản phẩm chạy iOS, được giao nhiệm vụ theo dõi các nhà sản xuất điện thoại khác, xem họ có phát triển điện thoại tích hợp máy nghe nhạc để cạnh tranh với iPod hay không.

Đội của ông Christie mải mê nghiên cứu những chi tiết như tốc độ duyệt nhanh các danh sách trên điện thoại, cảm giác bật trở lại một cách tự nhiên khi tới cuối một danh sách. Ông nói với đội của mình: Hãy vắt óc nghĩ cách thay đổi cách hiển thị tin nhắn văn bản, từ một danh sách các tin nhắn riêng được sắp xếp theo trình tự thời gian, thành một loạt các đoạn hội thoại tương tự như tin nhắn tức thời trên máy tính.

Ông Christie cho biết nhóm này có số lượng thành viên cực ít, mặc dù Apple từ chối tiết lộ con số cụ thể.

Trong nhiều tháng, cứ hai tháng ông Christie lại thuyết trình với Steve Jobs một lần trong một phòng họp không có cửa sổ ở tầng hai trụ sở Apple tại Cupertino, California (Mỹ). Rất ít nhân viên có quyền vào căn phòng này, ngay cả những người quét dọn cũng không được phép vào.

Sau khi gây ấn tượng với Steve Jobs về ý tưởng phần mềm iPhone, nhóm của ông Christie phải trình bày một lần nữa với Bill Campbell, một thành viên trong Ban Giám đốc Apple và là bạn thân thiết với Steve Jobs. Ông Christie nhớ lại, Campbell từng nói chiếc điện thoại này sẽ tuyệt hơn máy Mac thế hệ đầu.

Vài ngày sau đó, Steve Jobs đề nghị nhóm thuyết trình lần thứ ba, lần này là với Jony Ive, Giám đốc thiết kế của Apple. Đội của Jony Ive đang thiết kế phần kính cho iPhone. “Anh ấy (Jony Ive) tò mò về cách chúng tôi nghĩ ra được những thao tác điều khiển phần mềm đầy ma thuật”, Christie nói.

Sau mỗi lần nghe thuyết trình, Steve Jobs lại cảm thấy phấn khích hơn. Ông Jobs yêu cầu rất khắt khe về vấn đề bảo mật. Ông đề nghị khi nghiên cứu tại nhà, nhân viên phải làm việc trong một phòng tách biệt để tránh người khác tình cờ xem được thông tin. Ông cũng yêu cầu nhân viên phải mã hóa hình ảnh về iPhone lưu trên máy tính.

Đầu năm 2005, cuộc chạy “marathon dài 2 năm rưỡi” bắt đầu khi Apple phải nghiên cứu lại từng phần của điện thoại, từ cách kiểm tra hộp thư thoại cho tới cách hiển thị lịch. Steve Jobs thực sự bị những chi tiết ám ảnh.

6 tháng trước khi iPhone lên kệ vào tháng 6/2007, nhóm của ông Christie vẫn tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những thay đổi khác. Với sự thúc giục của Steve Jobs, họ đã loại bỏ chế độ xem chia màn hình email với thông tin về người gửi ở một bên, và nội dung email ở một bên. “Steve Jobs nghĩ thật ngu ngốc nếu màn hình nhỏ như vậy còn bị chia đôi”, ông Christie nhớ lại.

Gần 7 năm đã trôi qua, nhưng có một khoảng khắc vẫn in dấu trong trí nhớ của ông Christie. Vài ngày trước khi Steve Jobs lên sân khấu giới thiệu iPhone, ông Christie bước vào khán phòng qua cửa phụ, dùng tới hai chiếc phù hiệu bảo mật. Sau khi khép lại tấm màn sân khấu rất dày, ông nhìn thấy hình ảnh khổng lồ về màn hình chủ của iPhone được chiếu trên màn hình giữa căn phòng tối. Thời khắc đó, ông nhận ra rằng chiếc điện thoại này sẽ thành công lớn: “Nó được chiếc sáng trong không gian rộng lớn. Trái tim tôi ngừng đập trong phút chốc và tôi nghĩ, thực sự là như vậy”.

Nội dung đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 38 ra ngày 28/3/2014