Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Buồn vui bên dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp của tác giả Hồ Thị Linh Xuân.

Chỉ một khúc sông mà hàng bao câu chuyện được kể theo nhịp chèo khua nước đi. Lặng lẽ, dòng sông ôm hết những phận người. 

Nếu định tuổi cho những con sông thì dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp chỉ là một đứa trẻ. Là một trong những kênh đào phục vụ cho việc cai quản vùng đất mới của thực dân Pháp trong kế hoạch khai thác thuộc địa Đông Dương từ năm 1900 đến 1924, so với bề dày trầm tích của hơn 2.000 sông lớn nhỏ chảy trên đất Việt, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp có lịch sử ngắn ngủi, ít được nhắc tên. 

Có lẽ bởi ký ức còn thiếu thâm sâu nên không nhiều người biết tới. Nhưng đối với những người sinh ra và lớn lên nơi đôi bờ dòng chảy thì chẳng có con sông nào vô danh. Sông chảy đến đâu thì cũng nhận tên vùng đất ấy làm tên. Cũng như dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp đoạn chảy qua thị xã quê ngoại tôi – thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) cũng nghiễm nhiên được gọi là sông Ngã Năm, mặc cho đó là dòng chảy tự nhiên hay nhân tạo. 

01.Hothilinhxuan.jpg
Kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua thị xã Ngã Năm. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Mênh mông nhưng không gọi là sông

Những năm đầu thế kỉ XX, nhận thấy vùng đất nằm giữa Cần Thơ và Rạch Giá hết sức trù phú và giàu tiềm năng, Pháp đã cho đào những con kênh liên kết giao thông để dễ bề kiểm soát và quản lý. Khởi từ Ngã Bảy - Phụng Hiệp, kênh Mương Lộ (sông Maspero) được khai thác nối Hậu Giang và Sóc Trăng. Sau đó tiếp tục đào kênh Xẻo Vông đi Ba Láng (Cần Thơ), kênh Xẻo Môn, kênh Mang Cá thông những rạch lớn nằm sâu bên trong trước khi mở kênh Cái Côn nối liền sông Hậu. Từ đây, tàu ghe có thể qua ngả Trà Ôn (Vĩnh Long) thẳng lên Sài Gòn.

Khi đào tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, nơi điểm đầu các kênh giao cắt trở thành ngã sáu; đến khi kênh Lái Hiếu nối hai vùng nội tỉnh Hậu Giang hoàn tất đã tạo hình bảy ngã sông như ngày nay.

Ban đầu kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp được đào thủ công từ Ngã Bảy đến Phố Dương. Sau đó tiếp tục được nạo vét bằng xáng từ Hậu Giang lần lượt đi qua các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng chiều dài 121km.

Không mang đậm dấu ấn kinh tế như kênh xáng Xà No, “con đường lúa gạo” từng đưa Cần Thơ thành tỉnh xuất khẩu gạo đứng nhất Nam Kỳ thời bấy giờ; với chiều rộng trung bình 60-70 mét, sâu 3 mét, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp có ý nghĩa về mặt thủy lợi, giao thông và trong tính toán xa sẽ cung cấp nước ngọt cho bán đảo Cà Mau. Là thủy lộ của tuyến tàu khách lớn Sài Gòn – Cà Mau – Nam Vang xưa, tuy nhiên, dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp vẫn không được gọi là sông suốt hơn một thế kỷ tồn tại.

02.Hothilinhxuan.jpg
Bên sông là tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm. Ảnh: Tác giả

Chứng nhân thầm lặng

Trước khi đi tìm ký ức dòng sông, có một mảnh ký ức ghim chặt vào lòng tôi qua lời kể của má và dì trong suốt nhiều năm: Sông Ngã Năm, một đoạn của kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp từng cứu mạng ông ngoại tôi.

Đó là một ngày mùa hè năm 1974. Xóm nhỏ quê ngoại tôi đì đoàng tiếng súng. Sau trận biệt kích, địch bắt ông ngoại tôi lấy ghe đưa thương binh của họ về thị xã Ngã Năm. Khi đến nơi, nghi ngờ ông giúp sức cách mạng, chúng định thủ tiêu. Linh cảm thấy điều chẳng lành sắp đến với mình, ông ngoại tôi phóng ùm xuống nước. Cả đêm ông đằm mình dưới sông, nhờ những đám lá và rong rêu chở che. Để buổi sáng hôm sau về được tới nhà mới hay hai người con trai của ông, cậu hai và cậu năm tôi, đã bị địch bắn chết.

Khi ngồi trên chiếc tam bản xuôi dòng Ngã Năm, qua nút giao thông là điểm giao nhau của ba con sông, người lái đò, bà Nguyễn Thị Kim Huê (Khóm 2, P1. TX. Ngã Năm) chỉ về đầu doi dưới chân cầu Đôi: “Bên kia là tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm”.

Là người nông dân chân đất, ít chữ, bà Huê đâu hiểu bao nhiêu ý nghĩa về mặt quân sự khi lần đầu tiên sau Đồng Khởi, tại chiến trường Tây Nam Bộ, bằng cách vượt sông đánh lấn, đánh tỉa ta đã lần hồi tiêu diệt một căn cứ vào hàng kiên cố của địch tại ĐBSCL. Ngoài 70 tuổi, trong ký ức của người phụ nữ sinh ra bên dòng Ngã Năm chỉ có những ngày đạn pháo dài dằng dặc. Tiếng bom dội suốt đêm. Những năm 1968, 1972, chẳng thể đếm xuể số người đã vĩnh viễn ngã xuống. Không biết bao nhiêu máu xương, da thịt bên này lẫn bên kia đã mãi hòa với nước sông.

Từng là trận địa ác liệt, bây giờ, người ta gieo những cánh đồng, trồng nhiều cam xoàn ngon ngọt dọc đôi bờ kênh. Quá khứ đã qua, dòng sông cũng miên man chảy về phía trước.

03.Hothilinhxuan.JPG
Chợ nổi Ngã Năm trước dịch Covid-19. Ảnh: Cao Xuân Lương

Đời sông, đời người

Sông mở đến đâu thì người cũng theo sông về lập ấp an cư đến đấy. Ngã Năm xưa vốn bịt bùng lau lách; năn, lác, lá nước ken dày. Khi kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua Ngã Năm, cùng với Kênh Xáng xẻ con rạch tự nhiên Xẻo Chích chia ba con sông thành năm ngả thì cũng tạo cho nơi này một khúc sông vui. Với vị trí giao điểm tẻ về các hướng, nối các vùng lân cận, một khu chợ nổi dần hình thành, mua bán trao đổi hàng hoá tấp nập, là địa danh quen thuộc của giới thương hồ Nam Kỳ lục tỉnh. 

Kể từ đó, ký ức về sông cũng là ký ức về chợ nổi. “Ngày trước ghe cộ nghẹt hết, chợ họp từ 3-4 giờ sáng đến tận khuya, đèn đuốc sáng trưng. Ngày thường cũng trăm ngoài hai trăm ghe. Tết nhứt gấp đôi. Có khi doi này muốn qua doi kia chỉ xin bước nhờ xuồng giăng ngang sông cũng tới bờ”, bà Nguyễn Thị Kim Huê nói.

Trong ký ức của bà Huê, chợ nổi Ngã Năm một thời nhộn nhịp sầm uất, hàng hóa đủ loại. Ngoài nông sản chủ lực như gạo, muối, rau củ, thịt cá, trái cây người tứ xứ cũng đến đây giao lưu quần áo, vải vóc, than đước… Như một cộng đồng sinh hoạt trên sóng nước nhiều dịch vụ đi kèm được sản sinh từ ẩm thực, trạm xăng dầu, tiệm tạp hóa, tiệm may đến quán nhậu trên sông. Người ta tiếp thị hàng bằng cách treo bẹo trên mui ghe. Bẹo gì thì bán nấy. 

Nghề đưa đò cũng theo nhịp sống đó ra đời, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con hai bên bờ sông. Khi còn tàu khách Sài Gòn - Cà Mau, những chiếc đò nhỏ này cũng đưa khách từ các rạch đồng sâu ra tàu lớn và ngược lại.

4Hothilinhxuan.JPG
Bà Nguyễn Thị Kim Huê chèo đò mưu sinh. Ảnh: Tác giả

Tình người trên những chuyến ghe

Khi tôi hỏi ông Hồ Văn Triệu (Thạnh Trị, Sóc Trăng) rằng đi hết dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp sẽ dẫn đến đâu, ông bảo: Ra sông Gành Hào.

Ông Triệu và vợ là bà Phạm Thị Định từng đi ghe hàng bông, nhiều năm gắn bó chợ nổi, thuộc làu từng ngóc ngách sông rạch từ Cái Côn, sông Hậu dài đến mũi Cà Mau. Gần 70 tuổi, mặc dù đã giải nghệ vì tuổi cao nhưng nhớ tới đoạn đời gạo chợ nước sông ông bà vẫn còn vẹn nguyên ký ức. Bà Định nói: “Nhờ chiếc ghe xuôi ngược buôn bán mà chúng tôi nuôi được bốn đứa con khôn lớn, dựng vợ gả chồng đàng hoàng”.

Không chỉ là nơi trung chuyển nông sản, trạm dừng chân sắm sanh đồ thiết yếu của ghe mua lúa gạo, chợ nổi còn là nơi tiểu thương bổ hàng về bán lẻ tận vùng hẻo lánh, xa xôi. Ông Triệu không thể nào quên những chuyến ghe luồn sâu vào những con rạch nhỏ xíu heo hút vài ba nóc nhà xập xệ. Ở đó người ta cần người như ông biết mấy. Là đạo đi buôn nhưng rồi không đơn thuần chỉ để kiếm lời.

Cũng như những bạn đò ở sông Ngã Năm, là mưu sinh nhưng lại nhường cho bà Nguyễn Thị Kim Huê được đưa rước nhiều chuyến hơn. Hỏi ra mới biết hoàn cảnh éo le của bà Huê: Hơn hai mươi năm phải chèo đò nuôi cháu khi người con trai sống chung không may bị tai nạn chấn thương sọ não. Riêng mình từng bị ung thư vú, gia cảnh khánh kiệt phải sống trọ, bà vẫn bám sông neo sông tìm kế sinh nhai. Với bà, dòng sông là môi trường mưu sinh không phân biệt trình độ hay tuổi tác. 

5Hothilinhxuan.JPG
Sông Ngã Năm lúc sáng sớm. Ảnh: Tác giả

“Tang điền biến vi thương hải”

Từng là chốn giao lưu thương mại, thúc đẩy sự chuyển động kinh tế của vùng đất lại là điểm tham quan du lịch thể hiện tập quán sinh hoạt trên sông nước của người xứ Cửu Long; tuy nhiên, trước xu thế mới cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là tác động từ Covid-19, chợ nổi dần thưa, hoạt động trên bến dưới thuyền lần hồi mai một.

Bà Trịnh Thị Kim, một người chèo đò có thâm niên trên sông Ngã Năm hồi tưởng về thời huy hoàng của khúc sông không khỏi ngậm ngùi. “Hồi đó vui dữ lắm, ghe lớn ghe nhỏ như mắc cửi, kẻ ngược người xuôi. Khách du lịch cũng tìm tới đông, đi đò dập dìu. Bây giờ ế ẩm, năm khi mười họa mới có vài ba khách nhưng không còn gì để coi ngắm nữa”, bà Kim nói.

Không chỉ chợ nổi biến mất, mặt sông thưa vắng, lần gần nhất tôi trở lại giữa lúc hạn mặn ĐBSCL gay gắt nhất, dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp chia đôi bờ trong đục, nước mặn xâm lấn khiến nhiều bà con không thể xuống giống vụ hè thu. Vậy thì song song với ước vọng phục dựng chợ nổi khá nhọc nhằn để tạo công ăn việc làm cho những người trọn đời bám sông như bà Kim là vấn đề nan giải về mặt thuỷ lợi.

Dự án bảo tồn văn hóa chợ nổi có thể là kịch bản có hậu thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, cần phải giải được bài toán tổng hòa về hạ tầng giao thông thủy bộ, cảng hàng, cảnh quan, môi trường, kiến tạo sản phẩm du lịch, liên kết vùng, dịch vụ đi kèm, cơ sở lưu trú, ẩm thực, nguồn nhân lực…

Về quy hoạch thuỷ lợi, với trục kênh dài như Quản Lộ - Phụng Hiệp, thiết nghĩ cần có vài công trình phụ điều tiết mặn ngọt kể như các cống đóng mở chủ động ở đầu và cuối kênh. Thực hiện chức năng tiêu thoát, ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước mà giao thông vẫn được đảm bảo. Mở kênh dẫn ngọt chạy song song kênh chính cũng là phương án có thể được xem xét. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là sự tính toán, nghiên cứu toàn diện, ưu tiên hạng mục đất đai công trình dành cho thuỷ lợi, biết nghĩ cho lâu dài.

Hồ Thị Linh Xuân

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg