Nói đến Huế, người ta thường nghĩ ngay đến dòng Hương Giang chảy qua thành phố. Nhưng ít ai biết rằng Huế còn có một dòng sông chia đôi kinh thành Huế thành hai phần Nam - Bắc.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Ngự Hà - một dòng xanh của tác giả Nguyễn Ngọc Huy.
Ký ức về “dòng sông vua”
Trong ký ức của tôi những năm 1999 – 2000 khi đi qua con đường Triệu Quang Phục và đường Phùng Hưng của Huế là những căn nhà tạm bên mé một dòng sông được phủ đầy bởi rau muống, bèo tây và rác. Mỗi khi mùa lụt về, rác và rau bị nước đẩy từ dưới lòng sông kéo lên tập kết trên đường. Dòng sông có cái tên thật đẹp và sang: Ngự Hà – dòng sông Vua, nhưng thực tế thời ấy là một dòng sông không chảy.
Không biết từ khi nào, những căn nhà tạm ven sông đã tồn tại ở đó, nơi có đầy đủ bức tranh sinh động về cuộc sống, sinh hoạt của những gia đình tạm cư trên mé sông. Có những đêm đi làm về khuya, tôi dừng lại ở đầu cống Hắc Báo chỉ để được nghe tiếng đàn tranh của ai đó vang lên bên trong căn nhà tạm bợ bên mép sông. Không ai nhớ những người tạm cư ấy đã sinh sống bên ven bờ sông Ngự Hà từ khi nào nhưng họ thật sự là một phần của lịch sử của dòng sông này.
Sau này, rất nhiều chương trình và dự án tái định cư cho người dân ven sông, ven tường thành của thành phố Huế được thực hiện nhằm trả lại không gian cho các di tích và di sản cố đô, trong đó có sông Ngự Hà. Những căn nhà tạm bợ khi xưa được thay thế bởi những hàng cây, bờ kè bằng đá giống nguyên gốc mà những vị vua khi xưa từng xây dựng.
Sông Ngự Hà là một con sông đào phía sau kinh thành Huế với đa mục đích gồm: vận chuyển lương thực, cung cấp nước sinh hoạt, thoát nước trong mùa mưa lũ cho kinh thành Huế. Con sông này được đào lần đầu tiên dưới triều vua Gia Long vào khoảng năm 1805, bắt đầu từ sông Đông Ba đến Võ Khố, lúc đầu được đặt tên là Thanh Câu.
Đến đời vua Minh Mạng, dòng sông tiếp tục được đào vào năm 1825 kết nối với sông Đông Ba và sông Kẻ Vạn ở các hướng Đông và Tây của kinh thành. Cái tên Ngự Hà cũng được đặt từ đó như một phần trong bộ sưu tập “Ngự” vốn dĩ là những tài sản, vật dụng gắn liền với kinh thành, chốn Hoàng cung của Vương triều Nguyễn.
Dù được đặt tên là Ngự, nhưng từ khi được đào cho đến khi đưa vào sử dụng, con sông này vốn dĩ không chỉ dành cho vua. Theo thông tin từ một bài văn bia trên cầu Khánh Ninh ghi lại, vua Minh Mạng đã nói đến hai chức năng của Ngự Hà. Đó là “rất tiện lợi cho mọi người trong đi lại” và nước sông có thể “cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”.
Cũng trong một bài văn bia khác nhan đề “Ngự chế dẫn thượng”, vua Minh Mạng lại bàn đến chức năng khác của sông Ngự Hà. Rằng: “dòng nước chẳng tiếp nối với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”.
Trong một tài liệu sử có chép lại các câu thơ của vua Thành Thái. Thơ rằng: “Trăng sáng treo lơ lửng giữa trời; Ngự Hà nước biếc cả dòng khơi; Nhẹ lay thuyền quế trôi theo sóng; Chợt vẫy chèo lan lướt giữa vời; Hoa cỏ trên bờ thơm bát ngát; Bóng trăng dưới nước rạng ngời ngời; Đêm xuân đáng giá vàng nghìn lượng; Mưu tạnh muôn lời cây cỏ tươi.”
Với những dữ kiện như vậy cho chúng ta thấy trong quá khứ Ngự Hà có đầy đủ các chức năng từ lưu thông dòng chảy từ hướng Tây (phía sông Kẻ Vạn) sang hướng Đông (sông Đông Ba), cung cấp nước cho dân và quân, thoát nước cho khu vực nội thành, vận chuyển hàng hoá, là nơi để các vị vua ngồi thuyền vãn cảnh, và cũng là nguồn cảm hứng cho văn thơ nghệ thuật.
Trong các năm 2020 - 2023, tôi có cơ hội nghiên cứu về các giải pháp chống ngập lụt đô thị ở Nội thành Huế. Thật thú vị khi khám phá ra các cống ngầm được xếp bằng đá hộc kết nối từ các hồ trong Đại Nội ra sông Ngự Hà. Như vậy, từ thời xưa, các vị vua đã rất chú trọng trong việc quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi kiên cố cho khu vực kinh thành.
Ngày nay, sông Ngự Hà đã được trả lại không gian và dòng chảy của nó như xưa kia. Nếu có dịp đi trên một con thuyền nhỏ từ cửa Đông Ba, đi vào Gia Hội rồi rẽ vào Ngự Hà. Chúng ta sẽ thấy một dòng sông êm đềm với dòng nước biếc xanh và cảnh vật ở hai bên bờ tuyệt đẹp.
Mặc dù vậy, sông Ngự Hà hiện nay vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng của nó.
Đánh thức một dòng sông
Hiện nay, các dịch vụ du lịch trên sông ở Huế mới chỉ có thuyền rồng và một đôi thuyền được thiết kế hiện đại. Hơn 170 thuyền rồng hoạt động trên sông Hương sẽ hết hạn được đăng kiểm vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025 do vượt quá 25 năm hoạt động.
Việc không được tiếp tục đăng kiểm sẽ khiến Huế thiếu đi một dịch vụ đặc trưng lâu nay đó là đi thuyền rồng nghe ca huế trên sông Hương. Những chủ thuyền vốn xưa kia là dân vạn đò, sống nhờ sông nước sẽ phải từ bỏ nghề sông nước của mình hoặc phải chi một khoản đầu tư lớn để đóng mới các con thuyền.
Số tiền đóng mới thuyền rồng hay thuyền kích thước lớn để khai thác dịch vụ trên sông Hương sẽ nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều chủ đầu tư nhỏ lẻ. Thay vào đó, họ có thể đóng những chiếc thuyền nhỏ hơn với mẫu mã được thiết kế riêng để khai thác dịch vụ du lịch trên sông Ngự Hà, vốn dĩ là dòng sông không sâu và không có sóng.
Một mô hình thuyền du lịch dựa vào cộng đồng trên sông Ngự Hà sẽ là một giải pháp hướng đến nhiều giá trị. Theo đó, mô hình thuyền du lịch dựa vào cộng đồng sẽ do một công ty quản lý về chất lượng dịch vụ, các tour, tuyến và điều phối hoạt động chạy thuyền. Các chủ thuyền sẽ là những người dân địa phương mà đa số họ là người đang muốn chuyển đổi từ thuyền rồng sang thuyền nhỏ hơn, và các doanh nghiệp mong muốn đầu tư kinh doanh góp “cổ đông” bằng chính những chiếc thuyền của họ được đóng theo mẫu quy định của cơ quan quản lý.
Mẫu thuyền được thiết kế có kích thước nhỏ, đủ vận chuyển từ 4 đến 10 khách mỗi thuyền và thuyền được chạy bằng động cơ điện có thể gắn năng lượng mặt trời, hoặc thuyền chèo kích thước nhỏ nhằm không tạo tiếng ồn và không phá vỡ không gian di tích.
Tuyến du lịch bằng thuyền trên sông kết nối các di sản nên được thiết kế khởi hành từ công viên Trịnh Công Sơn, đi qua cầu Gia Hội, rồi cầu Đông Ba, rẽ vào sông Ngự Hà sau đó đi sang sông Kẻ Vạn. Từ sông Kẻ Vạn đi ngược ra sông Hương và vòng trước Phu Vân Lâu đi về điểm xuất phát ở công viên Trịnh Công Sơn. Đó sẽ là một cung đường du lịch trên sông đặc sắc của Huế.
Mô hình thuyền du lịch trên sông Ngự Hà sẽ hướng đến các giá trị sau đây:
Giá trị thứ nhất: Tạo sinh kế cho những người lao động trong ngành du lịch mà đa số họ là những người đang sở hữu những con thuyền rồng sắp hết hạn hiện nay. Người dân sống dọc hai bờ sông Ngự Hà cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập với dịch vụ bán hàng, các sản vật địa phương ở các bến thuyền được thiết kế và quy hoạch như những trạm dừng cho du khách ở dọc hai bên bờ sông.
Giá trị thứ hai: Khôi phục và duy trì chức năng của dòng sông Ngự Hà để đảm bảo dòng sông không chỉ là một di tích lịch sử mà còn đóng góp vào việc tạo ra giá trị kinh tế cho người dân và chính quyền địa phương.
Giá trị thứ ba: Tạo cơ hội cho du khách được thưởng ngoạn cảnh vật thơ mộng về một dòng sông mà vốn dĩ xưa kia chỉ có vua quan mới có cơ hội thưởng ngoạn.
Giá trị thứ tư: Góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch xanh đúng nghĩa khi sử dụng năng lượng sạch giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào quá trình thực hiện mục tiêu Netzero của Việt Nam.
Giá trị thứ năm: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cư dân dọc hai bên bờ sông. Trước kia, khi con sông không được sử dụng làm mục đích du lịch nên người dân địa phương thường xả rác xuống sông. Khi hoạt động du lịch được triển khai, hai bên bờ sông sẽ là cảnh quan để du khách thưởng ngoạn, và do đó, người dân sống cạnh hai bên bờ sông sẽ không vứt rác xuống sông.
Một dòng sông chỉ sống được cuộc đời của nó khi nó là một dòng sông luôn chảy. Dòng chảy đó đồng hành cùng những cư dân sống ở ven sông qua bao đời và đóng góp giá trị cho cư dân thì dòng sông sẽ luôn được chăm chút và bảo vệ. Chúng ta cùng kỳ vọng một ngày thật gần sẽ là du khách được ngồi trên con thuyền nhỏ, lướt chầm chậm qua từng con sóng nhỏ lăn tăn như lướt qua từng thời kỳ lịch sử, để được chiêm nghiệm, được đóng góp sức mình gìn giữ mạch chảy liên hồi của một Ngự Hà “nước biếc cả dòng khơi”.
Nguyễn Ngọc Huy
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.