Nguyễn Ngọc Hà là một cựu nhân viên của Viettel có cơ hội được tiếp xúc nhiều với những lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn này. Vào dịp kỷ niệm 30 năm Viettel, Hà bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tại đây: “Trong đầu tôi vẫn ghi nhớ âm thanh của một người cắt nghĩa về triết lý số 8 của Viettel - một con số đậm chất phương Đông: ‘Số 8 là con số thịnh vượng, nhưng chưa lên đến đỉnh. Đã lên đến đỉnh thì sẽ phải xuống. Viettel luôn coi mình chưa đến đích, để tiếp tục phát triển hơn nữa’”.

Và Ngọc Hà chia sẻ thêm: “Một con số đặc biệt khác trong tư tưởng của Viettel là con số 0. Thật kỳ lạ! Viettel có lẽ là Tập đoàn duy nhất ở Việt Nam đã đạt đến quy mô khổng lồ mà lúc nào vẫn coi mình là startup, là con số 0, để luôn khởi tạo những con đường mới mẻ. Số 0 lớn hơn số 1, số 0 chia hết cho tất cả số còn lại. Với số 0 - “không có gì” để mất - có nghĩa là người ta có mọi thứ để thắng”.

{keywords}
 

Chỉ làm việc ở Viettel hơn 1 năm nhưng Đào Mai Lan (một chuyên viên truyền thông từng có nhiều năm làm việc ở Ericsson) chia sẻ: “được học cách hiểu sâu sắc và tư duy mạch lạc khi đề xuất một ý tưởng” và “luôn nạp cho mình cảm hứng muốn nghĩ, muốn tìm tòi, muốn chinh phục”.

Cô gái này còn nhận xét trên trang cá nhân của mình: “Ở nơi ấy, luôn có một tinh thần làm việc đầy quyết tâm và một thái độ đón nhận việc mới, việc khó đầy ý chí. Ở Viettel có một kho thư viện khổng lồ về những câu chuyện người thật-việc thật thực sự truyền cảm hứng”.

Với Ông Ánh Nguyệt, một thành viên của Viettel từ những ngày đầu làm di động và gắn bó 8 năm (từ năm 2004), thương hiệu này như cách Nguyệt gọi là “mối tình đầu không phai”. Cô gái từng có ảnh trên trang bìa của tạp chí nội bộ “Tin tức Viettel” nói rằng: “Ở đó, chúng tôi có thể lớn lên, già đi nhưng nhất định không được chậm lại”.

{keywords}
 

“Viettel làm chúng tôi vô cùng tự hào và hãnh diện khi hàng năm được nhận thư cảm ơn, những món quà nhỏ gửi về từng gia đình của toàn thể cán bộ công nhân viên. Cách làm đậm chất lính đã khiến chúng tôi ‘nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua’”, cô gái hiện đang sống và làm việc tại Đức trải lòng trên trang cá nhân. 

Và đến giờ sau nhiều năm rời đi, Ánh Nguyệt vẫn nhớ một giá trị cốt lõi Viettel và lấy đó kim chỉ nan trong những giai đoạn khá đặc biệt của cuộc đời: “Thích ứng nhanh là sức mạnh của cạnh tranh”.

Còn với Đỗ Phương Trang, người đã rời Viettel cách đây vài năm để theo đuổi giấc mơ làm phim của mình thì: “‘Anh Viettel’ là chàng trai làm nghề kỹ thuật, mạnh mẽ và đầy nam tính, chàng trai mà năm 24 tuổi mình đã ngỡ là ý trung nhân của cuộc đời. Đối với mình, Viettel chính là định nghĩa của cái gọi là Lý Tưởng, trong định nghĩa đó có hào quang, sự vĩ đại, có cả những thất bại và hy sinh nhưng tuyệt nhiên không có sự đầu hàng, dù đó là đỉnh cao hay vực sâu, đích đến luôn ở phía trước. Mình tự hào vì đã được lựa chọn, và tự hào vì đã bước đi con đường của riêng mình, từ Viettel”.

Trong những dòng hồi tưởng về thời gian còn làm việc tại Viettel, Trang viết trên trang cá nhân: “Mình nói nghe dở hơi nhưng thật sự thì Viettel trong mình là những điều lãng mạn lắm luôn”.

“Bởi vì, câu chuyện về Viettel trong lòng mình từ lâu đã không còn là câu chuyện của tập đoàn nọ hay vấn đề nghe rất là chuyên môn kia. Mình được mắt thấy tai nghe, hoặc được biết đến trong câu chuyện thường ngày của những con người cụ thể, những con người rất yêu lao động và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Có những chuyện siêu to khổng lồ nghe giật cả mình nhưng cũng có những chuyện be bé mà chắc chẳng ai để ý, còn mình thì cứ xúc động mãi khi nhớ về”.

Có 16 năm gắn bó với ngành viễn thông, trải qua nhiều công ty lớn và chỉ làm việc tại Viettel có 1 năm nhưng ông Nguyễn Dương có những ấn tượng khó phai về Tập đoàn này. Nhận xét về Viettel, ông Dương viết: “Tư duy khác biệt và khát vọng cháy bỏng đã làm nên Viettel ngày hôm qua. Có lẽ, hai điều này vẫn còn nguyên giá trị để Viettel có thể khởi tạo thực tại mới thành công, dẫn dắt ngành viễn thông và CNTT phát triển. Ở điểm này không phải Viettel (hay Vingroup trong khu vực tư nhân) thì hẳn rất khó tìm ra một doanh nghiệp khác, có thể khiến người ta hào hứng hơn trong công cuộc Make in Vietnam”.

Nguyễn Anh