Làng bắt hổ

Từ bao đời nay, người dân làng Thủy Ba Thượng và Thủy Ba Hạ (ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nổi danh khắp nơi với biệt tài bắt hổ. Trải qua hàng chục năm, những người cuối cùng trực tiếp bắt hổ đã qua đời, tất cả chỉ còn trong ký ức của những người chứng kiến.

{keywords}
Người dân làng Thủy Ba diễn tả lại cách dùng nạng để bắt hổ.

Chúng tôi tìm gặp cụ Trần Đức Thọ (91 tuổi, trú tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) để nghe về chuyện bắt hổ. Theo cụ Thọ, trước đây bố của cụ là ông Trần Đức Hạt giữ chức thủ bộ trong làng. Với chức việc này, ông Hạt thường xuyên kiểm tra, đôn đốc dân làng việc đan lưới cho đến bắt hổ.

Lúc ấy, cụ Thọ mới lên 10 tuổi, cụ thường đi theo bố đến nơi dân làng tụ tập đan lưới và chuẩn bị quân trang như: rựa, giáo, nạng để chuẩn bị cho việc vào rừng bắt hổ.

Cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe công cuộc dân làng đi bắt hổ.

{keywords}
Chiếc nạng bắt hổ.
{keywords}
Lưới dùng bắt cọp

Chuyện xưa kể rằng, hổ có tên gọi khác là cọp, hùm, beo, ông ba mươi. Khoảng năm 1931, vùng Thủy Ba là nơi rừng thiêng nước độc, rất hiểm nguy nên người dân thường sống rất xa các cánh rừng.

Đêm đến, những con cọp hung tợn gầm vang cả bầu trời, xé những cánh rừng già để tìm đến những nhà dân có trâu, bò, lợn cho đến gia súc để ăn thịt.

Những nơi hổ đi qua, cảnh quang hoang tàn vì hổ nơi đây rất to, có con đến 2,5-3 tạ. Người dân còn rỉ tai nhau về những con hổ ranh mãnh đến mức, chúng dùng đuôi của nó để gõ cửa nhà dân, khi người đến thì hổ vồ lấy tha xác vào rừng sâu.

Người dân ở nơi này chỉ dám tranh thủ cuốc đất, trồng trọt vào ban ngày. Đêm đến, nhà nhà đóng sập cửa lại, không ai dám ho he. Nhà sống cách nhà bằng những hàng rào tre cao đến 4m.

{keywords}
Bàn chông được người dân bẫy các loại thú rừng khi chúng về phá hoa màu của bà con.

Nhưng cứ dăm ba hôm, dân làng lại nghe tin có người bị hổ tha vào rừng mất xác, lại có người đi vệ sinh vào ban đêm nên bị hổ vồ mất một chân,...

Những người dân nghèo vốn vất vả, lam lũ nay lại bị hổ suốt ngày quấy phá khiến hộ rất căm phẫn nhưng đành phải chờ lệnh cấp trên ban xuống.

Công cuộc bắt hổ

Khi có lệnh ban, những người tài giỏi sẽ chủ trì việc bắt hổ. Lúc đó, người dân hai làng Thủy Ba Hạ và Thủy Ba Thượng cùng nhau tập hợp lại, tất cả hơn 100 người.

Trai tráng có sức khỏe thì cùng nhau lên rừng chặt dây cây sót rồi dùng chày gỗ đập nát, ngâm nước vôi rồi giặt sạch, bột gỗ trơ hết còn trơ lại sợi. Những sợi này được bện thành lưới.

Mỗi sợi to bằng ngón tay. Mắt lưới rộng 20cm. Mỗi tay lưới dài 8m, cao gần 4m. Một lần vào rừng, cần rất nhiều tay lưới như vậy. Đàn ông trai tráng vào rừng, phụ nữ thì lo việc cơm nước.

Cụ Thọ kể rằng, ngày xưa dân làng rất nghèo nên không có gạo, lúa. Người dân phải đến những nhà giàu trong làng để vay thóc, lúa, heo về nấu nướng cho cả đoàn bắt hổ. Việc nấu nướng diễn ra cho đến khi việc bắt hổ kết thúc.

Cụ Thọ vui cười nói rằng dân làng phải ăn no thì mới có thể bắt được cọp.

“Mọi việc diễn ra vô cùng nghiêm túc, bởi việc diệt trừ cọp đồng nghĩa với bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sự sống còn của chính mỗi người. Vì vậy, mọi người tập trung hoàn thành làm các công đoạn để vào rừng giết cọp”, cụ Thọ chia sẻ.

{keywords}
Bộ 3 vũ khí, công cụ săn hổ của dân làng Thủy Ba.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ vũ khí và quân bị bắt cọp, cả đoàn kéo nhau lên rừng, chia thành nhiều toán khác nhau. Có toán mang theo rựa, toán mang theo mác, nạng, chông. Một lần đi bắt cọp mang theo khoảng 30- 40 vũ khí các loại. Vũ khí nào cũng có cán dài 4m, để đảm bảo an toàn cho người cầm.

Khi toán cầm rựa phát quang các bụi cây rậm rạp sẽ để lộ ra nơi ở của hổ. Cây rừng được phát quang đến đâu lưới  bủa vây khép lại đến đó.

Nếu có hổ, toán cầm mác, nạng sẽ xông lên tấn công và đưa hổ vào những tay lưới khổng lồ đã được chuẩn bị sẵn. Lúc đó dân làng chỉ việc gánh hổ về làng. Khi hay tin dân làng Thủy Ba bắt được hổ, những làng ở lân cận kéo đến xem đông như trẩy hội. Nhiều người ủng hộ tiền, gạo cho đội quân bắt cọp dữ này. Các quan tỉnh, huyện còn miễn cho người dân làng Thủy Ba một số loại thuế.

Có lần ở phường Thiên Thọ, TP Huế hay tin, hạ lệnh cho 400 người dân làng Thủy Ba đi bắt hổ, sau khi bắt được hổ thì ban cho dân làng rất nhiều bổng lộc.

Cứ như thế cứ từ đời này sang đời khác người dân làng Thủy Ba đều có truyền thống bắt hổ.

Mãi đến năm 1953, con hổ cuối cùng bị dân làng sát hại, nạn cọp dữ chấm dứt.

“Đến nay, chúng tôi rất tự hào vì thời cha ông ở dân làng chúng tôi đã tham gia diệt trừ hổ dữ. Công lao của dân làng được cả nhà vua, các quan chức thời ấy và cả người dân các làng lân cận ghi nhận. Việc bắt cọp không chỉ cần có sức khỏe mà còn đòi hỏi sự khéo léo, tinh anh, đoàn kết, dũng cảm”, cụ Thọ bộc bạch.

Hương Lài

Chủ tịch xã tàng trữ, giết mổ hổ để nấu cao

Chủ tịch xã tàng trữ, giết mổ hổ để nấu cao

Một chủ tịch xã ở Thái Nguyên vừa bị tạm giữ hình sự, tạm đình chỉ công tác 15 ngày do có hành vi tàng trữ, giết mổ một con hổ để nấu cao.