- Trẻ không những hào hứng làm tướng của “đạo quân tiền”, mà còn chi phối mạnh mẽ đến nhiều quyết định chi tiêu của cha mẹ. Dưới đây là chia sẻ của các “nội tướng” ở các quốc gia, các ngành nghề khác nhau, quanh chuyện Bé và “Thần Tài’.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Tôi cho rằng giáo dục và tiền là các nhân tố không tương hợp. Chỉ có thể dạy con dùng tiền nếu đã giải thích cho con thế nào là tiền, và làm việc để kiếm tiền là thế nào. Cần phải cho con tập mua hàng, như một cách phát triển tính tự lập cho con. Khi còn nhỏ, tôi không được thưởng tiền vì đã học tốt, và nay tôi cũng đã làm thế với con.

Như cha mẹ mình, tôi cũng “giúp” con kiếm tiền để tự mua một số thứ cháu cần. Từ 14 tuổi, vào kỳ nghỉ hè, vợ chồng tôi ký giấy đồng ý cho cháu đi làm thêm, chẳng hạn, đóng gói ở nhà máy bánh kẹo. Vì sau 13 tuổi khái niệm “tiền” đã được hình thành, vậy hãy để trẻ lao động, kiếm tiền mua các đồ mình cần.


Chơi đồ hàng. Tranh: Bùi Hà Phương (2002). (Ảnh minh họa)

Ở Nga hiện nay trẻ có thể làm tiếp thị, bán báo, dán quảng cáo, hoặc vệ sinh đường phố… Có thêm một tác dụng là chúng được “cột” vào một công việc mà chúng quan tâm về lợi ích, không lang thang vô hồn, vừa học lao động, vừa học cách làm ra tiền. Ngày trước tôi không bao giờ xin tiền cha mẹ, còn nếu được cho tiền, thì bao giờ cũng chi đúng mục tiêu. Nếu còn thừa, tôi mua đồ kỷ niệm, bưu thiếp… Trường là kiến thức, việc tiếp nhận kiến thức đã được “trả công” bằng điểm rồi, thế là đủ, tiền sẽ là thừa.

Chị Jane B., Mỹ

Mỹ là nơi cha mẹ giàu ứa nước mắt mừng, khi thấy con mang về vài đồng kiếm được nhờ bán báo dạo… Giáo dục trẻ dùng tiền quan trọng nhất là làm chúng biết cách trân trọng giá trị của mỗi đồng xu. Đạt được điều đó không hẳn là qua những bài diễn giải, mà hãy để cháu tự kiếm lấy những đồng tiền nhờ lao động của mình.

Ở Mỹ, theo thống kê, có quá bán số phụ huynh cho rằng nên giáo dục về tiền cho trẻ thông qua việc để chúng đi làm thêm, kể cả trong năm học. Các ngành nghề thường có trẻ con vào làm thêm (theo mức được chọn phổ biến) là: ăn uống công cộng, trông trẻ, giúp cha mẹ trong trang trại, trong các cơ sở chế biến thực phẩm, các siêu thị, trong ngành xây dựng… Có những em làm tới 40 giờ/ tuần, vẫn theo thống kê. Trên các phương tiện công cộng, trên đường, có thể gặp cả những thiếu niên đi làm sau 11h đêm…

Chị T. Vân, nhân viên ngân hàng

Tôi không thấy việc dùng tiền khuyến khích con học có gì xấu. Thà cứ thế còn hơn là đưa tiền tiêu vặt cho cháu. Cháu sẽ học được cách dành dụm tiền mua thứ mình cần, đồng thời còn cố học tốt thêm.

Chị Huyền N., Việt kiều Đông Âu

Thấy con học yếu một số môn cháu không ưa thích, tôi có hỏi ý kiến chuyên gia tâm lý làm cho Cty của chồng mình. Được khuyên nên trả cho cháu một khoản tiền về mỗi điểm số tốt trong học bạ (!) Số tiền chỉ mang ý nghĩa hình thức, vậy mà thấy rõ xuất hiện ngay trong cháu ý muốn học các môn từng là “chán” kia …

Rồi nghe thấy có phụ huynh (cũng gốc Việt) kể, cũng trả tiền cho con mình vì cháu học tốt, giúp đỡ bố mẹ việc nhà… Tôi phát lo, tình hình kinh tế thế này, nhỡ cha mẹ một ngày không còn làm ra tiền thì tính sao (nếu con cứ quen được khuyến khích trực tiếp thực hiện những gì thuộc về nghĩa vụ)?

Một chuyên gia tâm lý nước ngoài

Nếu đã sợ hậu quả của việc khen thưởng trẻ bằng tiền, thì không nên làm. Sẽ nhận được chính cái mà mình lo sợ. Chính tôi đã từng cho con mình những món tiền nhỏ khi cháu vào lớp I. Ban đầu cháu mua các thứ vớ vẩn – tình trạng này thậm chí kéo dài gần 2 năm. Đến khi học lớp 3, khi cháu bắt đầu biết tích cóp tiền, tôi cho cháu 10 UAH (khoảng 1 USD) cho một điểm số tốt.

Quả thực là cháu học tốt hẳn lên. Sau đó tôi giảm tiền “thưởng” cho một điểm số tốt, rồi chấm dứt “thưởng” thường xuyên, chỉ thưởng khi cháu thi cử đạt kết quả tốt. Thí nghiệm này đưa lại kết quả tốt cả về học hành lẫn hạnh kiểm. Tôi rất vui, vì cháu đã tiêu toàn bộ số tiền dành dụm được vào quà tặng cho mẹ ngày sinh nhật…

Bà T. Nga, cán bộ giảng dạy về hưu

Khi trẻ còn tuổi teen, nói chung chúng không cần tiền, chỉ cần cha mẹ luôn chú ý mua cho con những thứ cháu thực sự cần, kể cả những món ăn ngon mà cháu thích (sô cô la…). Nhưng khi gần tới tuổi trưởng thành, cần phải thường xuyên đưa tiền tiêu vặt cho cháu. Quan trọng là trẻ nhất thiết phải hiểu rằng tiền không ở trên trời rơi xuống, rằng người lớn phải lao động mồ hôi nước mắt, mới có tiền. Hơn nữa, chúng phải hiểu: tiền dùng để làm gì. A. Duma Con từng nói: “tiền là những đầy tớ tốt, nhưng là những ông chủ xấu” (cười).

Nếu cứ cho con mình tiền mỗi bận có điểm số tốt, thì rồi chúng sẽ chỉ yêu tiền thôi, không còn tình cảm gì khác. Chúng sẽ không cần kiến thức, chỉ cần tiền, tệ hơn, sẽ chỉ cần điểm số cao, cần được đánh giá tốt, bằng mọi giá…

Chị B. Liên, phụ trách văn phòng công ty

Tôi không chủ trương dùng tiền khuyến khích trẻ. Đang lan truyền một quan điểm: học hành cũng là lao động, vậy phải có trả công lao động chứ. Tôi không tán thành. Học tập là quá trình trau dồi kiến thức cho chính mình, học cho mình hôm nay, cho tương lai mai sau, không phải là học cho cha mẹ. Cũng như thế, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… là để cho mình lối sống vệ sinh, sạch sẽ, khoẻ mạnh, để tập thói quen sống ngăn nắp, không đơn thuần là “giúp cha mẹ”. Tôi chủ trương thưởng cho con bằng “ấn tượng tốt”, không “quy ra thóc”, thành giá trị vật chất cụ thể. Nên thưởng bằng cách cho đi vườn thú, công viên nước, đi xi nê. Với cháu là con gái, việc khen thưởng còn phải tính đến các yếu tố, như giáo dục thị hiếu, nữ tính… “Con đã có một cái váy màu X., nay bố muốn tặng quà vì điểm thi của con tốt, mẹ con nên dùng mua một cái áo hợp với váy ấy...”.

Nhìn chung, dạy cách dùng tiền đúng có thể giúp trẻ hình thành các tính tốt như cần kiệm, chỉn chu, tươm tất…

Chị M. Hà, cựu biên tập viên nhà xuất bản

Tối quan trọng trong dạy con dùng tiền, và sử dụng các phương tiện vật chất nói chung, là cha/mẹ phải nhất quán với những nguyên tắc của mình. Không được đầu hàng trước sức ép của con.

Chẳng hạn,lúc con trai tôi 16 tuổi, cháu tình cờ biết rằng đã có một khoản tiền được dành ra để mua xe mô tô cho cháu. Vì nhiều bạn cùng lớp đã mua xe máy, cháu xuýt nữa thì tuyệt thực (cười buồn), đòi mua xe ngay. Nên tôi đã phải hết sức trụ lại với quy định pháp luật: “đủ 18 tuổi mới được đi xe”, suốt trong suốt hai năm liền, đủ để viết một cuốn sách (cười)…

  • Thành Lê (tổng hợp)