Năm nay, nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện được phân bổ là hơn 29,7 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng hơn 10,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng 4,1 tỷ đồng... Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, cận nghèo.
Gia đình anh Nguyễn Chí Thuận, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, vừa thoát khỏi diện hộ nghèo, xuống hộ cận nghèo, theo kết quả điều tra, rà soát mới nhất. Gia đình người đàn ông đã mất khả năng lao động này được Nhà nước hỗ trợ đất ở, căn nhà kiên cố gia đình anh đang sống là món quà của các nhà hảo tâm. Nay, đời sống gia đình từng bước ổn định. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng anh tin sẽ thoát nghèo bền vững.
Thôn Tân Lợi nơi anh Thuận sinh sống hiện chỉ còn một hộ nghèo, sẽ được thôn ưu tiên, tập trung các nguồn lực hỗ trợ để họ thêm động lực thoát nghèo trong năm tới. Năm 2024, ngoài gia đình anh Thuận, xã Đắk Gằn có thêm 7 hộ thoát nghèo, kéo giảm số hộ nghèo còn lại của xã về 45 hộ. Nhiều thôn trong xã không còn hộ nghèo.
Lãnh đạo UBND xã Đắk Gằn cho biết giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Cùng với nguồn lực từ Nhà nước, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Gần đây, bà con tập trung phát triển diện tích cây ăn quả, đặc biệt là xoài và mít, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, cải thiện đời sống người dân.
Tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, năm nay có ít nhất 4 thôn, bon xóa được hộ nghèo. Như vậy, đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng 50% thôn, bon còn hộ nghèo. Lãnh đạo xã đánh giá kết quả này một phần nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách, thực sự là "điểm tựa" tiếp sức để người dân đầu tư sản xuất, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Hiện hơn 1.500 hộ trong tổng số hơn 4.000 hộ dân trong xã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ 60 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo.
Tại xã này, công tác rà soát được thực hiện chặt chẽ, nhằm nắm bắt nhu cầu của người dân nghèo, cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Địa phương tăng cường tuyên truyền, khích lệ hộ nghèo gạt bỏ tư tưởng trông chờ, mạnh dạn quyết tâm vươn lên.
Tại huyện Đắk Mil, các chương trình MTQG đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo, cận nghèo xây nhà ở, thực hiện mô hình chăn nuôi, tạo sinh kế. Đặc biệt, chương trình giảm nghèo được thiết kế phù hợp với điều kiện địa phương đã tạo điều kiện tốt hơn để người dân thoát nghèo bền vững, đa chiều.
Từ thực tế số lượng lao động nông thôn có tay nghề, trình độ chuyên môn còn hạn chế, huyện Đắk Mil đẩy mạnh đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tiễn, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động trong hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo hay thu nhập thấp. Địa phương dần giúp người dân hiểu kiến thức là nền tảng để có việc làm bền vững, có thu nhập ổn định đủ nuôi sống gia đình, bản thân.
Mới đây, báo cáo với Đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Nông kiểm tra Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil, huyện này cho biết trong năm 2024, từ nguồn vốn các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo, trung tâm tổ chức đào tạo 12 lớp nghề lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp (may mặc, nấu ăn...) với 420 học viên tham gia, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao.
Tổng kinh phí thực hiện gần 1,5 tỷ đồng được tổ chức cho 4 lớp sơ cấp nghề và 8 lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng. Trong số này, 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 245 học viên, 5 lớp phi nông nghiệp với 175 học viên.
Anh Lê Văn Minh, thôn 1, xã Đắk N’Drót là một trong những học viên tham gia lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngắn hạn. Kiến thức từ lớp học cho anh thấy lý do lâu nay việc phát triển vườn rẫy gia đình chưa đem lại năng suất, hiệu quả như kỳ vọng. Được đào tạo, anh tự tin có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch và phục hồi vườn cây sau thu hoạch.
Tại xã Đắk N'Drót của anh Minh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Mil tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 35 học viên là hội viên phụ nữ.
Lớp học được tổ chức miễn phí trong 3 tháng với phương châm đào tạo kết hợp lý thuyết với thực hành. Các chị em được hướng dẫn kỹ năng cắt, may và hoàn thành một sản phẩm. Nhiều người rất phấn khởi vì có thêm lối đi sinh kế giúp phát triển bản thân, kinh tế, tăng thu nhập, làm chủ cuộc sống. Chị H'Linh, bon Đắk Me, xã Đắk N'Drót, chia sẻ sau khi được cấp chứng chỉ học may công nghiệp, chị sẽ xin đi làm công nhân may.
Theo đánh giá, lao động nông thôn tại huyện Đắk Mil sau khi được đào tạo đã mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.