- Quỳnh Trâm - cô gái khiếm thị gây xúc động trong Thần tượng Bolero vừa qua đã có những phút giây trải lòng cùng VietNamNet về cuộc sống và công việc hiện tại của mình.

Clip chia sẻ của cô gái khiếm thị Quỳnh Trâm

Là một nhân tố khá đặc biệt của mùa thi Thần tượng Bolero năm nay, cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Quỳnh Trâm nhận được nhiều sự chú ý từ khán giả không chỉ bởi giọng hát tình cảm, mà còn là câu chuyện đầy nghị lực của mình.

Nhanh chóng trở thành gương mặt "hot" chỉ sau một đêm, tuy nhiên sau khi phần thi của mình được phát sóng, Quỳnh Trâm đã nhanh chóng trở lại cuộc sống đời thường.

Những ngày qua, cô gái trẻ tiếp tục công việc phụ giúp gia đình, bên cạnh việc trở lại luyện tập cho mùa giải thi đấu thể thao sắp tới.

{keywords}
Quỳnh Trâm.

Gia đình Quỳnh Trâm có 7 thành viên, gồm bố, mẹ và 5 chị em cô, sống tại quận Tân Phú (TP.HCM). Hoàn cảnh gia đình của Quỳnh Trâm không mấy khá giả. Mẹ cô hiện đang làm giúp việc nhà thời vụ, bố cô là tài xế chuyên chở khách trên các tuyến đường dài về miền Tây. 

Quỳnh Trâm sinh năm 1995, cô chia sẻ do bị sinh ra thiếu tháng khiến cơ thể suy nhược, dẫn đến thị lực gần như mất hoàn toàn. Không chỉ riêng Quỳnh Trâm, người em song sinh của cô cũng mắc phải trường hợp tương tự, thậm chí còn nặng hơn cả chị gái mình.

Quỳnh Trâm ngậm ngùi nhớ lại ngày biết bệnh tình của hai chị em, gia đình cô gần như chết lặng. Bố mẹ đưa hai chị em Quỳnh Trâm đi chạy chữa khắp nơi với hy vọng tìm lại ánh sáng cho con nhưng đến đâu họ cũng chỉ nhận được câu trả lời: "Không thể chữa trị được".

"Chị em tôi bị mất thị lực nhưng nhìn bề ngoài không ai biết. Do bố, mẹ đều đi làm xa nên đôi khi tôi và em cũng phải tự học cách chăm lo cho bản thân. Có những hôm mò mẫm đi chợ, đi xe buýt tôi không thấy đường nên va phải người khác. Người hiền lành thì không sao, nhưng có những người họ không biết cứ nghĩ mình cố tình trêu họ mà quay sang quát: - Bộ mày bị đui hả', Quỳnh Trâm kể.

Lớn lên với bóng tối, Quỳnh Trâm luôn tự nhủ bản thân phải không ngừng nỗ lực. Suốt 12 năm học phổ thông, thay vì học ở trường khiếm thị, cô chọn học chương trình đào tạo dành cho một người bình thường. Bằng cách này, cô gái 22 tuổi hy vọng nếu có cơ hội được bước ra xã hội cô sẽ tránh được ánh nhìn dè chừng từ mọi người.

{keywords}
Quỳnh Trâm trong lần lãnh bằng khen do chủ tịch UBND TPHCM trao tặng. Hy vọng lớn nhất của cô hiện tại là có đủ sức khỏe và phong độ để đến năm 2021 Việt Nam đăng cai SEA Games sẽ có cơ hội được tham gia. 

Khi còn nhỏ, Quỳnh Trâm ước một ngày mắt sẽ sáng lại còn hiện tại điều ước của cô chỉ đơn giản là có thể tự kiếm sống bằng đôi tay của mình. Quỳnh Trâm bắt đầu tham gia luyện tập và thi đấu điền kinh từ năm 12 tuổi. Tròn 10 năm gắn bó với nghề, với một người bình thường đã là chuyện không dễ dàng thì với một cô gái khuyết tật lại càng thêm áp lực.

Để thích nghi được với bộ môn đòi hỏi sức khỏe cao như điền kinh, cô đã dành hầu hết quỹ thời gian mỗi ngày cho việc luyện tập. Có những lúc chấn thương, hay chỉ vì đơn giản do mất thị lực nên Quỳnh Trâm thường xuyên té ngã do vấp rào, cô không ít lần nghĩ đến ý định từ bỏ.

{keywords}
Bộ sưu tập huân chương đáng nể của Quỳnh Trâm

Tuy nhiên, cô gái trẻ cho biết cô tham gia thể thao ngoài đam mê thì vẫn còn một lý do khác, đó là phụ giúp kinh tế cho gia đình. "Bản thân mình đã không may mắn như mọi người thì mình phải biết phấn đấu. Người bình thường họ có nhiều nghề để chọn lựa, còn mình nếu từ bỏ thì bản thân mình, gia đình mình ai sẽ lo? Tôi nghĩ thế nên bằng bất cứ giá nào cũng phải bám trụ với nghề", cô chia sẻ.

{keywords}
Tiết mục của Quỳnh Trâm trên sân khấu Thần tượng Bolero nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khán giả. Ngoài đời, Quỳnh Trâm cũng đã tham gia khá nhiều các chương trình văn nghệ dành cho người khiếm thị.

Bất ngờ nổi tiếng chỉ sau một đêm, với Quỳnh Trâm vừa là niềm vui sướng nhưng cũng đồng thời là một áp lực. Tuy nhiên, trươc câu hỏi từ VietNamNet liệu cô có dự định lấn sân showbiz như nhiều thí sinh khác? Quỳnh Trâm thẳng thắn cho biết được chú ý là một niềm vui, nhưng cô đủ tỉnh táo để cho phép mình dừng lại đúng lúc. 

Tuổi nghề của một vận động viên điền kinh hầu hết chỉ kéo dài đến năm 30 tuổi. Quỳnh Trâm cho hay khi không còn hoạt động thể thao được nữa thì sẽ cố gắng dành dụm để mở một tiệm bán bánh nhỏ.

Hiện tại, cô vẫn đều đặn đi học làm bánh với hy vọng sau này khi ra nghề sẽ ổn định, có thu nhập nhằm đỡ đần bố mẹ. 

Tuấn Chiêu

Clip: Lê Long