Huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có số thuyền khai thác hải sản theo biện pháp giã cào nhiều nhất tỉnh. Khai thác như vậy đã ảnh hưởng trầm trọng tới nguồn lợi thủy sản gần bờ.

Nhằm khai thác thủy sản bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong tỉnh, nhiều năm nay huyện Đất Đỏ đã đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác hải sản gần bờ sang đánh bắt xa bờ hoặc nuôi trồng, khai thác theo hướng bền vững.  Tuy nhiên, huyện Đất Đỏ cũng gặp khó khăn trong công tác chuyển nghề cho ngư dân. Nhu cầu lớn nhưng nguồn lực kinh tế cho chuyển đổi nghề hạn chế nên hiệu quả chưa cao.

Theo ông Trương Văn Phát, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, theo tuyên truyền của địa phương, ngư dân hoán đổi sang tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Nhưng mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, xăng dầu đắt, vốn nhiều năng suất sản lượng thấp. Nhiều chuyến đi biển ông Phát lỗ. Nếu trước đây thuyền của gia đình ông đi biển 15 – 20 ngày thu được vài tấn thủy sản nhưng hiện nay giảm 1 nửa. Ngư trường cạn kiệt, chi phí tăng cao nên ngư dân gặp khó khăn. Trong khi đó, để chuyển đổi nghề cần có điều kiện vốn. 

khai thac gan bo.png
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh khai thác xa bờ, chuyển nghề cho ngư dân khai thác gần bờ.
Ảnh: Phương Thanh.

Nhiều ngư dân như ông Phát phải vay tiền ngân hàng, đóng tàu nhưng sản lượng giảm, chi phí cao. Vì vậy, việc chuyển đổi nghề của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ngư dân chuyển đổi trên giấy phép còn kinh phí hoán cải phương tiện chưa có.

Trong khi đó, thuyền thúng, thuyền nan máy hoạt động gần bờ bằng giã cào chi phí thấp, người dân thu hoạch thủy sản theo ngày. Vì vậy, ngư dân biết là hoạt động này ảnh hưởng đến môi trường nhưng không muốn chuyển đổi. Dù chính quyền cấm nghề giã cào bay hoạt động khai thác thủy sản trong mùa sinh trưởng của các loài hải sản; cấm đóng mới tàu cá làm nghề giã cào nhưng việc chuyển đổi nghề của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Ngày 22/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2023 – 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp như tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Các địa phương điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, xác định nghề khai thác cần cắt giảm theo lộ trình. Chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng nhiều nhiên liệu như lưới kéo, rập xếp, te xiệc.., sang nghề ít xâm hại hơn như nghề câu, lộng bẫy, chụp, vây hoặc chuyển sang lĩnh khác ngoài khai thác để cân bằng, phục hồi nguồn lợi thủy sản. 

Các địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, nhất là các bản sắc văn hóa, vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản không bền vững. 

Tỉnh cũng đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả các cơ sở hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão lũ, các cơ sở hậu cần nghề cá đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường theo quy định. 

Nghiên cứu ứng dụng chuyên giao về thiết kế, sản xuất ngu cự, các phương pháp khai thác tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số, thông tin quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá, công nghệ khai thác, tự động hóa trong khai thác, bảo quản sản phẩm. 

 Để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có lộ trình thời gian với sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề.

Phương Thanh