Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Giám đốc BVĐK huyện Tuyên Hóa Lâm Tuấn Phương cho biết: “Nhờ thực hiện chuyển đổi số (CĐS) nên bệnh viện đã làm tốt công tác KCB cho nhân dân nhanh chóng, hiệu quả, như: KCB bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VneID; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu khám sức khỏe lái xe lên hệ thống của Bộ Giao thông vận tải trong việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử để phục vụ dịch vụ công trực tuyến; thanh toán viện phí và các dịch vụ y tế khác không dùng tiền mặt”...
Năm 2021, bệnh viện thực hiện đấu thầu thuốc và các thiết bị y tế phục vụ cho KCB trên cổng dịch vụ công quốc gia. Phó trưởng Phòng Kế hoạch, BVĐK huyện Tuyên Hóa Hoàng Công Bằng cho hay: “Việc đấu thầu thuốc và các thiết bị y tế trên cổng dịch vụ công quốc gia là một bước tiến rất quan trọng đối với đơn vị. Qua đó, các gói đấu giá được công khai, minh bạch, độ chính xác cao, giảm được nhiều thủ tục hành chính, lưu trữ thông tin cũng như tìm kiếm thuận tiện hơn trước rất nhiều”.
Đơn vị cũng đã thực hiện đón, tiếp nhận bệnh nhân bằng thẻ CCCD gắn chíp trên ứng dụng VneID. Theo đó, các giấy tờ tùy thân và bảo hiểm y tế (BHYT) … được kiểm tra nhanh chóng, độ chính xác cao, giảm thời gian chờ đợi, mang lại sự hài lòng cho người đến KCB. Việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân từ lúc vào, ra viện, lịch sử điều trị được lưu trữ trên hệ thống công nghệ thông tin nên rất tiện lợi cho việc quản lý, tìm kiếm, truy xuất khi cần thiết.
Trước đây, muốn khám bệnh tại BVĐK huyện Tuyên Hóa, bệnh nhân phải lấy số thứ tự bằng thủ công nhưng từ khi thực hiện CĐS, bệnh nhân đã được bấm số điện tử, có màn hình chờ khám theo các phòng, khoa nên rất tiện theo dõi. Bà Trần Thị Kiều Oanh, ở thị trấn Đồng Lê chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi KCB, tôi mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải xếp hàng từ sớm đến trưa mới khám được. Nhưng hiện nay, tôi chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại là các thủ tục được giải quyết nhanh gọn từ khâu đăng ký KCB, phân về các phòng khám chuyên khoa, thanh toán viện phí... rất nhanh gọn, thuận tiện”.
Nhờ đẩy mạnh công tác CĐS, các loại giấy tờ, như: Giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, chứng tử đã được liên thông. Tính đến nay đã có trên 530 giấy khám sức khỏe lái xe do bệnh viện khám, cấp đã được ký số và liên thông lên Cổng giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội. Nhiều giấy chứng sinh phục vụ nhóm dịch vụ công trực tuyến, như: Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và dữ liệu giấy báo tử được thực hiện hiệu quả.
Đơn vị cũng đã triển khai thành công thanh toán không dùng tiền mặt khi đăng ký tài khoản ngân hàng, có thông tin, bảng biểu hướng dẫn người dân khi đi KCB có thể chuyển khoản thanh toán bằng tay hoặc quét mã QR Code khi làm thủ tục tạm ứng hoặc thanh toán khi ra viện.
Để hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong, chuyển tuyến, BVĐK huyện Tuyên Hóa cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại để KCB, như: Chụp CT-Scanner giúp chẩn đoán chính xác kịp thời liên quan đến chấn thương, tai biến. Ngoài ra, các máy móc hiện đại cũng được đầu tư, trang bị nhằm thực hiện việc nội soi tiêu hóa, chữa trị răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng; máy chụp X-quang, siêu âm tim mạch… Nhờ đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại vào KCB nên tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm 45% và nhiều chi phí khác.
Tuy nhiên, việc CĐS tại BVĐK huyện Tuyên Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trên cổng dịch vụ công còn thấp; việc KCB bằng CCCD gắn chíp gặp một số khó khăn do đa số bệnh nhân đi khám là người cao tuổi vẫn giữ thói quen KCB bằng thẻ BHYT; tỷ lệ người già đăng ký, kích hoạt, ứng dụng VNeID không cao; một số CCCD chưa đồng bộ được dữ liệu thẻ BHYT…
“Để thực hiện hiệu quả công tác CĐS, thời gian tới, BVĐK huyện Tuyên Hóa sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác KCB; tiến tới triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục; đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ và triển khai thực hiện các dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của tỉnh cũng như quốc gia; phối hợp với các công ty cung cấp phần mềm KCB để bổ sung các chức năng liên quan cũng như bảo đảm liên thông dữ liệu phục vụ công tác CĐS và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung theo quy định”, Giám đốc BVĐK huyện Tuyên Hóa Lâm Tuấn Phương cho biết thêm.
BVĐK huyện Tuyên Hóa có 4 phòng chức năng, 13 khoa chuyên môn và 1 phòng khám đa khoa khu vực thuộc xã Thanh Hóa với 158 cán bộ, nhân viên. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện KCB cho hơn 180 bệnh nhân nội trú và khoảng 160 bệnh nhân ngoại trú. Nhờ ứng dụng hiệu quả CĐS nên các bệnh nhân cơ bản được khám, điều trị tốt, hài lòng với các dịch vụ của bệnh viện. |
Theo Việt Hà (Báo Quảng Bình)