Chuyển đổi số trong XDNTM góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, thôn/làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn ở các xã vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội để địa phương phát triển bền vững. Muốn xây dựng xã NTM thông minh thì trước hết phải xây dựng các thôn/làng NTM thông minh.

W-Ảnh màn hình 2024 09 15 lúc 14.36.12.png
Ảnh minh hoạ

Đối với người dân: Chuyển đổi số giúp bình đẳng hơn về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức. Người dân được chính quyền thấu hiểu và phục vụ tốt hơn nhờ vào dữ liệu và công nghệ số, tham gia các hoạt động học tập, kinh doanh, giải trí, tư vấn, chăm sóc sức khỏe... mà không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý.

Đối với doanh nghiệp: Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số là giảm chi phí vận hành, tiếp cận và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, phản ứng nhạy bén với sự thay đổi của thị trường, tăng năng suất lao động và tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số dẫn đến sự xuất hiện những mô hình kinh doanh mới, những thị trường mới mà trong đó sự linh hoạt và sáng tạo mới là yếu tố quyết định thành công.

Đối với chính quyền: Chuyển đổi số giúp hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn. Chính quyền hoạt động trên môi trường số để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn.

Đối với xã hội: Chuyển đổi số tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân thông qua hệ thống giáo dục thông minh, y tế thông minh.

Mô hình “làng thông minh” ở Việt Nam đang có những tín hiệu khởi động cho giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)... Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công...

Rồi đây, các làng thông minh tuy ở vùng nông thôn nhưng sẽ không thua kém đô thị về sức sản xuất,  năng suất lao động, tính cạnh tranh, an sinh và hưởng các dịch vụ xã hội, góp phần tạo ra không gian đáng sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nếu được đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ kết nối. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu... cùng phát triển.