Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên mức 25% trong năm 2019 và 60% vào năm 2021.
Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động. Những con số thống kê cho thấy, trong năm 2017, tác động của chuyển đổi số giúp làm tăng năng suất lao động thêm 15%. Dự báo cũng cho thấy, tỷ lệ này sẽ tăng lên 21% vào năm 2021.
Đáng chú ý khi cùng với quá trình chuyển đổi số, 85% các công việc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị biến đổi trong vòng 3 năm tiếp theo.
Tốc độ tăng trưởng về chỉ tiêu chuyển đổi số tại Châu Âu, Châu Á - TBD và Mỹ. |
Theo nghiên cứu của công ty McKensey, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Theo ông Hoàng Việt Anh, Phó TGĐ FPT, trong số các đơn vị đã triển khai chuyển đổi số, có 32% khẳng định việc làm này đã giúp doanh nghiệp họ phát triển nhanh hơn. Điều đó cho thấy một sự thật rằng chuyển đổi số đã và đang có tác động lớn tại Việt Nam
Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp trên toàn cầu đối với quá trình chuyển đổi số. |
Câu chuyện chuyển đổi số sẽ xảy ra với tất cả các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nào làm được điều này sớm, doanh nghiệp đó sẽ giành được vị thế và lợi thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường.
Theo ông Hoàng Việt Anh, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là về vấn đề phương pháp luận. Chia sẻ kỹ hơn về điều này, Phó TGĐ FPT cho biết, FPT đã phát triển một phương pháp luận được gọi là Digital Kaizen.
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên của Digital Kaizen là luôn tập trung vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, đó là việc sử dụng các dự án số để hiểu rõ hơn khách hàng, tối ưu hóa hoạt động và chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.
Nguyên tắc thứ 2 là sự liên kết chặt chẽ giữa chiến lược kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số. Chiến lược chuyển đổi số phải hỗ trợ mạnh mẽ cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp đến, nguyên tác thứ 3 sẽ giải quyết vấn đề tiếp cận chuyển đổi số. Sau khi xây dựng được lộ trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải triển khai các sáng kiến nhằm hiện thực hóa điều này.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó TGĐ FPT |
Theo ông Hoàng Việt Anh, cả thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ, do vậy chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu hướng này.
“Doanh nghiệp nào triển khai nhanh hơn, dứt khoát hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh tối ưu. Đó cũng là những gì mà FPT đang cố gắng thực hiện khi tham gia vào chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực”, ông Hoàng Việt Anh nói.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA): “Để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể”.
Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, các tổ chức/doanh nghiệp đó có thể tự đo đếm, đánh giá tính hiệu quả để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính của từng cơ sở.
Trọng Đạt