Một doanh nghiệp lữ hành thuộc hàng lớn nhất Việt Nam treo trong văn phòng của mình dòng chữ: “Chuyển đổi số hay là chết”. Doanh nghiệp này chưa từng sa thải nhân viên kể từ khi thành lập, nhưng do tác động của Covid-19 đã phải tinh giản 30% nhân sự. Lãnh đạo công ty đánh giá sau đại dịch, ngành du lịch sẽ trở về giai đoạn sơ khai, cơ hội chia đều cho bất kỳ ai nắm bắt cơ hội. Do đó, công ty này đã quyết tâm chuyển đổi số, xem đây là cơ hội để thay đổi và lớn mạnh hơn.
Câu chuyện trên được ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, chia sẻ trong sự kiện FPT Techday 2020 diễn ra hôm 19/11. Bỏ ra một khoản đầu tư lớn cho chuyển đổi số, doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng tăng gấp 3 doanh thu trong khi không tăng nhân sự.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT. (Ảnh: Hải Đăng) |
Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nhất sau Covid-19, do đó việc một công ty lữ hành bỏ số tiền lớn để đầu tư công nghệ giai đoạn này là việc làm dũng cảm và chứng tỏ tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo doanh nghiệp, ông Khoa đánh giá.
Tuy nhiên yêu cầu phải thay đổi trong giai đoạn mới là xu hướng có ở mọi nơi. Lấy FPT làm ví dụ, ông Khoa khẳng định doanh nghiệp này đã tích cực thay đổi trong giai đoạn Covid-19. Nhờ chuyển đổi số, FPT tăng 10% doanh thu so với năm ngoái, tự động hoá được 5,4 triệu tác vụ, giảm 55% thời gian thực hiện. Công ty cũng giúp đối tác giảm thời gian khởi tạo tài khoản ngân hàng từ 15 phút xuống còn 5 phút.
FPT đã thành lập bộ chỉ huy ngay những ngày đầu đại dịch, đảm bảo nhận được các báo cáo và ra quyết định đồng nhất, nhanh nhất có thể. Trong đó, hợp nhất các bộ phận bán hàng của nhiều công ty con thành một - hành động “đau thương” theo cách nói của ông Khoa, nhưng buộc phải làm.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp định hướng kỹ thuật số vẫn tiếp tục tăng trưởng và vượt trên doanh nghiệp truyền thống. Ông Pankaj Rathi, Tổng Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Deloitte Đông Nam Á, dẫn số liệu cho thấy 5 công ty niêm yết có giá trị thị trường lớn nhất thế giới năm nay đều là các công ty kỹ thuật số: Apple, Amazon, Microsoft, Alphabet, Alibaba.
Các công ty này tiếp tục tăng trưởng so với năm ngoái, không bị ảnh hưởng bệnh dịch. Danh sách top 5 trong 3 năm trở lại đây đều là các công ty thuần kỹ thuật số, vượt hơn các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống.
Chẳng hạn, Apple mất gần 40 năm để đạt giá trị vốn hoá 1.000 tỷ USD, nhưng chỉ cần hơn 6 tháng để đạt mốc 2.000 tỷ USD hồi tháng 8 - cao hơn bất kỳ công ty Mỹ nào, bất chấp nền kinh tế đi xuống.
Ông Pankaj Rathi, Tổng Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Deloitte Đông Nam Á. (Ảnh: Hải Đăng) |
Số liệu của Delloite cho thấy, GDP trên đầu người toàn cầu giảm mạnh trong năm nay, thấp hơn cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong nhiều năm. Tuy vậy, ông Pankaj khẳng định châu Á ít bị ảnh hưởng hơn do đối phó dịch tốt hơn. Đồng thời, những doanh nghiệp tập trung kỹ thuật số dễ vượt qua khó khăn hơn.
Các công ty công nghệ đều gặp thuận lợi khi thói quen người dùng chuyển sang online. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp dù rất truyền thống nhưng đã tích cực thay đổi để thích nghi. Chẳng hạn hãng bán lẻ lâu đời như Walmart cũng buộc phải thay đổi, nhận đơn hàng online, đóng hàng và giao cho khách ở bên ngoài siêu thị để tránh lây lan virus.
Khảo sát của Delloite với các CEO công ty quy mô toàn cầu cho thấy, 70% trong số họ quan sát các hành vi của khách hàng để thay đổi theo, 45% các CEO tìm kiếm cơ hội kinh doanh sáng tạo trong giai đoạn bình thường mới.
Trong giai đoạn này, theo ông Pankaj, các doanh nghiệp đều đang hướng tới cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu suất, nâng cao dịch vụ, tối ưu chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Trước Covid-19, doanh nghiệp có thể chỉ chú trọng cắt giảm chi phí hoặc nâng cao hiệu suất làm việc, nhưng hiện nay khi khó khăn nhiều hơn, doanh nghiệp buộc phải làm tốt tất cả mọi yếu tố để sống sót và duy trì hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, Apple mới đây đã thay chip Intel trong máy Macbook bằng chip do họ thiết kế. Điều này nhằm bảo đảm vừa nâng cao hiệu suất (do linh kiện đồng bộ) vừa giúp tối ưu giá bán. Đó là chưa kể Apple có thể tiết kiệm chi phí sau hành động này.
Hoặc ví dụ khác, một hãng máy in lớn của Nhật Bản đang làm việc với các đối tác toàn cầu để nâng cao chất lượng dịch vụ. Sau thời gian dài tập trung chất lượng sản phẩm, công ty này nhìn thấy nhu cầu ngày càng cao của người dùng muốn hưởng chế độ chăm sóc tốt hơn.
Cùng quan điểm về đòi hỏi khách hàng ngày càng cao, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - khẳng định khách hàng hiện nay ngày một khó tính hơn.
“Họ muốn bước ra đường có ngay xe tới đón. Muốn một chạm trên smartphone thì tô phở được chuyển đến”, người sáng lập FPT nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. (Ảnh: Hải Đăng) |
Ông Bình cũng cho rằng khách hàng hiện nay không còn trung thành với thương hiệu, họ không nhẫn nại, không biết chờ đợi. Những người trẻ ít quan tâm chất lượng mà quan tâm trải nghiệm. Họ cần trải nghiệm tốt trong cả quá trình sử dụng sản phẩm. Nếu không có trải nghiệm tốt, khách hàng sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp để tìm doanh nghiệp mới tốt hơn.
Trong giai đoạn Covid-19, Chủ tịch FPT cho rằng, doanh nghiệp càng phải đối phó với những khó khăn lớn hơn. Chẳng hạn, người dùng mong muốn mọi thứ nhanh hơn, với giá rẻ hơn, nhưng doanh nghiệp lại không được “chạm” vào họ - vì yêu cầu giãn cách do dịch bệnh.
Với những khó khăn như vậy, chuyển đổi số là tất yếu. “Nếu mình không chuyển đổi số thì doanh nghiệp khác sẽ làm. Giá cả họ thấp hơn, chi phí rẻ hơn, tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Khi đó mình mới chuyển đổi thì đã muộn”, ông Bình nêu quan điểm.
“Trước đây doanh nghiệp chỉ chú trọng tiết kiệm chi phí hoặc gia tăng hiệu suất. Hiện nay doanh nghiệp buộc phải thực hiện nhiều thứ cùng lúc. Chuyển đổi số có thể giúp họ đạt được điều đó”, ông Pankaj khẳng định.
Hải Đăng
Phát triển doanh nghiệp Make in Vietnam để giảm phụ thuộc FDI
Mặc dù ngành Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đóng góp lớn vào nền kinh tế số nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, do đó cần phát triển mạnh nhóm doanh nghiệp Make in Vietnam.