Ngày 27/10, UBND tỉnh An Giang đã chính thức khai mạc chuỗi sự kiện chuyển đổi số năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/10, chuỗi sự kiện chuyển đổi số tỉnh An Giang năm nay là hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 và chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh.
Trong tuyên bố khai mạc chuỗi sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh, chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên. Tuy nhiên, song hành với cơ hội luôn là những thách thức.
Thách thức lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số tỉnh An Giang là vấn đề nhận thức, là lý luận về chuyển đổi số. Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cho đến người dân. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.
“Vì vậy, chuỗi sự kiện Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022 là dịp để nâng cao nhận thức của người dân trong tỉnh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh nói chung”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chuyển đổi số sẽ giúp đưa chính quyền đến gần người dân hơn; hỗ trợ chính quyền đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp hơn. Chuyển đổi số giúp xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp mà từ đó các nguồn lực về tài nguyên, con người sẽ được sử dụng tối ưu và mang lại hiệu quả cao nhất.
Chuyển đổi số sẽ giúp người dân có cơ hội phát triển như nhau bất kể thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi, vùng sâu, vùng xa. “Chuyển đổi số sẽ giúp An Giang tạo nên một hệ sinh thái số, mà ở đó ngay cả một người dân không biết gì về công nghệ số cũng có thể tham gia vào hệ sinh thái số”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhận định.
Diễn ra song song với triển lãm, trưng bày các sản phẩm, giải pháp số và mô hình ứng dụng của các doanh nghiệp ICT trong và ngoài tỉnh, chuỗi sự kiện chuyển đổi số tỉnh An Giang còn là các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, trong đó tập trung các giải pháp, công nghệ số về phát triển kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin mạng; chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, chuyển đổi số cho các cơ quan truyền thông báo chí; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục...
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến lưu ý, về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 cấp tỉnh, An Giang xếp ở vị trí thứ 42 trên cả nước, giảm thứ hạng so với năm 2020 cả về chỉ tiêu tổng thể cũng như các xếp hạng về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột của DTI 2021 An Giang đều có giá trị dưới 0,5.
Vì thế, để cải thiện thứ hạng DTI của tỉnh, thời gian tới An Giang cần làm tốt, với cách làm có sự khác biệt trong việc nâng cao nhận thức số; xây dựng thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số; đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng như phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, về chính quyền số, An Giang được đánh giá đã cơ bản làm tốt, cần tiếp tục duy trì và phát huy trong thời gian tới, cụ thể là cần khẩn trương chuyển đổi công nghệ sang IPv6, triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh.
An Giang hiện có hơn 1,9 triệu dân, 6.874 doanh nghiệp và 525.974 hộ gia đình. Để phát triển kinh tế số địa phương, mỗi hộ gia đình cần trở thành một doanh nghiệp, trong đó tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.
Về xã hội số, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia đề nghị An Giang tập trung đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng nền tảng số Việt Nam về liên lạc, bản đồ số, đi lại, mua sắm, giao hàng, học tập sức khỏe, du lịch, đọc sách, thanh toán, giải trí, họp trực tuyến...
Vân Anh