Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội ở tỉnh Vĩnh Phúc. Sau hơn 3 năm xuất hiện, đại dịch Covid -19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nhưng cũng tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng hơn. 

Đặc biệt, lĩnh vực thương mại, dịch vụ ghi nhận quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành bán lẻ. Đó là sự chuyển đổi cách thức vận hành, bán hàng từ phương thức truyền thống sang môi trường công nghệ số. Trong đó, từ khâu quản lý, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng đều ứng dụng công nghệ. Nhờ đó, đối tượng khách hàng không bị hạn chế, thị trường tiêu thụ hàng hoá được mở rộng. 

Nhiều trung tâm thương mại lớn ở Vĩnh Phúc đã ứng dụng kênh bán hàng online qua app. Ảnh: VietNamNet.

6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt trên 30.500 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ.

Theo thống kê, Vĩnh Phúc hiện có 81 chợ, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại cùng mạng lưới cửa hàng tự chọn phát triển rộng khắp các huyện, thành phố. Sự kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay thì việc thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại đối với các doanh nghiệp. Nhiều trung tâm thương mại lớn ở Vĩnh Phúc đã đưa vào ứng dụng kênh bán hàng online qua app. 

Đến nay, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tương đối phát triển, nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến. 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt. 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng. 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử.

Hiện tại, có 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Vĩnh Phúc phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 41.000 tỷ đồng với tăng trưởng bình quân 10,8%/năm, đưa tỉnh nằm trong top 15 cả nước về chỉ số thương mại điện tử.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất truyền thống, hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp số trên địa bàn, phấn đấu doanh thu thương mại điện tử chiếm tỷ lệ 10% tổng doanh thu các doanh nghiệp toàn tỉnh.

Quỳnh Nga