Công tác chuyển đổi số được tỉnh Điện Biên quan tâm đẩy mạnh, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng như xây dựng nông thôn mới hiệu quả. 

Ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tin tỉnh Điện Biên cho biết, những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành kế hoạch về thực hiện nội dung thành phần về thông tin và truyền thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó triển khai các nhiệm vụ cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

W-20240412_161607.jpg
Tỉnh Điện Biên tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Sở Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông tại các xã vùng sâu và vùng xa, miền núi, góp phần thực hiện Tiêu chí số 8 trong xây dựng nông thôn mới. 

Với mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ, nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh giao thực hiện nội dung Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiếu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Dự án 10 Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

"Chúng tôi đã trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã” tại Quyết định số 1972/QĐ-UBND (3/12/2023). Dự kiến, dự án thực hiện đầu tư thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại 114 xã đặc biệt khó khăn và xã có thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024 – 2025”, ông Vũ Anh Dũng nói. 

Thực hiệu các tiêu chí về giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Năm 2023, Sở triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Chương trình "Sóng và máy tính cho em" có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Thông qua đó, học sinh có thể sử dụng máy tính để tra cứu bài giảng điện tử, thông tin trên mạng phục vụ cho việc học tập hay học trực tuyến, ôn luyện, tham gia các cuộc thi, tăng cường giao lưu tương tác trên mạng Internet. Phát triển kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng khai thác thông tin…

Bên cạnh đó, Chương trình còn góp phần quan trọng giúp ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên có thêm động lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Tỉnh Điện Biên cũng đặt mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá sản phẩm địa phương tới bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Anh Thào A Giàng, Chủ tịch Hợp tác xã dứa Mường Nhà, huyện Điện Biên chia sẻ, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở vùng dân tộc thiểu số giúp bà con nâng cao nhận thức và phát triển kinh tế. “Chúng tôi được địa phương mời tham dự các khóa bồi dưỡng kỹ năng, biên tập thông tin, truyền thông, quảng bá hình ảnh sản phẩm địa phương. Qua đó, chúng tôi nắm được những kỹ năng chụp ảnh sản phẩm cho đẹp, viết bài về sản phẩm để thu hút tương tác và cách quảng bá sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP trên địa bàn trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo”.

Thời gian tới, anh Giàng cho biết sẽ tìm hiểu thêm về các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso… để hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn xã Mường Nhà mở gian hàng online trên nền tảng số. Đây là giải pháp thiết thực giúp nâng cao thu nhập cho bà con, thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên đang từng bước hình thành và trong tương lai gần sẽ góp phần thay đổi cách quản lý, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.