Tiến cùng thời đại

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Thời gian gần đây, bên cạnh nỗ lực “chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi” những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tại, Đảng và Nhà nước đã tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”. Trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế.

"Cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia", ông Thiên nói.

Một trong những lựa chọn đó, theo ông Trần Đình Thiên, là việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26. Đây là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam - đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.

Năng lượng tái tạo đang được ưu tiên. Ảnh: Lương Bằng.

"Về thực chất, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, nói chung là mới mẻ ở Việt Nam", ông Thiên đánh giá. "Nếu triển khai được cách làm đó, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường (đề cao trách nhiệm cá nhân), sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy".

Định hướng mới mẻ này đang được triển khai rõ nhất trên hai tuyến quan trọng của nền kinh tế - phát triển năng lượng tái tạo và chuyển đổi số.

Theo ông Trần Đình Thiên, cách tiếp cận Quy hoạch điện VIII, với ưu tiên mang tính bước ngoặt (không ngờ) vào phát triển năng lượng tái tạo, định hướng vào công nghệ điện hydrogen mở ra những khả năng và triển vọng to lớn để cải thiện năng lực của Việt Nam - không chỉ là năng lực giải quyết tình trạng thiếu điện tiêu dùng của đất nước mà còn là tạo vị thế mới và mạnh cho Việt Nam trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Đó là chưa kể những lợi ích to lớn khác phái sinh từ đó, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu - đang là những mục tiêu cấp bách hàng đầu của toàn thế giới.

Năng lượng xanh, hạ tầng xanh

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn cả Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan. Một trong những yêu cầu của chuyển đổi xanh là Việt Nam phải giảm cường độ sử dụng năng lượng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng điện.

Nếu không giảm được cường độ sử dụng điện, hay chỉ giảm ít, thì nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tăng 7%/năm từ 2024 đến 2030. Theo kịch bản này, tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.500 kWh, bằng mức tiêu thụ hiện nay ở Anh. Trung Quốc tiêu thụ gần 6.000 kWh trên đầu người, nhưng có GDP bình quân đầu người gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam.

Ở kịch bản tăng trưởng lạc quan, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 7.000 USD vào năm 2030 (theo giá năm 2022), tức là chỉ xấp xỉ một nửa GDP bình quân đầu người hiện tại của Trung Quốc. Mức tiêu thụ điện 4.500 kWh/người vào 2030 là quá lớn. Việt Nam cần phải tăng hiệu quả sử dụng điện và giảm độ co giãn từ mức trên 1 xuống thấp hơn 1. Khi đó, tăng trưởng nhu cầu điện trong tương lai sẽ là 5-6%/năm cho đến 2030.

Ngoài đầu tư năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị các cơ sở hạ tầng kinh tế khác cũng cần được khuyến khích đầu tư theo hướng chuyển đổi xanh, hay cụ thể hơn là theo hướng trung tính về carbon (cabon-neutral). Các cơ sở hạ tầng hiện tại cũng cần được khuyến khích triển khai các biện pháp phi carbon hóa (decarbonization).

Trong những cơ sở hạ tầng kinh tế, cảng biển là quan trọng nhất. Đối với một nền kinh tế mở như Việt Nam, cảng biển đóng vài trò quan trọng. Các cảng biển hiện hữu, đặc biệt là các cảng đóng vai trò cửa ngõ quốc tế (Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu) phải duy trì lợi thế cạnh tranh. Nhà nước (đặc biệt là Nhà nước ở cấp địa phương) cũng muốn phát triển nhiều cảng biển mới.

Cảng biển, cả hiện hữu và quy hoạch mới, thường được phát triển trong các khu kinh tế, khu công nghiệp với sự tập trung của nhiều hoạt động kinh tế thâm dụng năng lượng như nhà máy điện, thép và hóa chất. Do đó, phát thải CO2 từ các khu vực cảng biển thường chiếm một tỷ trọng đáng kể.

"Trọng tâm tạo chuyển đổi xanh về cơ sở hạ tầng tiếp theo là các cơ sở hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Chuyển đổi xanh đã được xác định là một nội hàm của mô hình đô thị thông minh.

Quốc hội cần tiếp tục tạo cơ chế đặc thù, nhưng là theo hướng “sandbox” về đổi mới công nghệ để các chính quyền địa phương có thể chủ động xây dựng thành phố mình thành đô thị thông minh - bền vững với sự tham gia chủ động của người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Xuân Thành gợi ý.

Lương Bằng