Trong một lần phỏng vấn với CNBC hôm thứ 6 vừa qua, chuyên gia DeepFake Hao Li cho biết mọi người sẽ được chứng kiến những đoạn video kỹ thuật số giả mạo "chân thực đến hoàn hảo" trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới.
"Hiện nay bạn vẫn rất dễ để nhận biết bằng mắt hầu hết các video deepfake" - Hao Li, Phó giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Nam California nói - "Nhưng cũng có những ví dụ thực sự, thực sự thuyết phục".
Ông nói tiếp: "Sớm thôi, sẽ đến lúc không còn cách nào để chúng ta có thể thực sự phát hiện ra deepfake nữa, do đó chúng ta sẽ phải tìm các giải pháp khác".
Li từng tạo ra một video deepfake về Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một hội thảo công nghệ của MIT hồi tuần trước. Theo ông, video này có mục đích biểu diễn tình trạng hiện nay của công nghệ deepfake, vốn đang phát triển nhanh hơn so với ông nghĩ. Tại hội thảo đó, ông phát biểu rằng những video deepfake "hoàn hảo và không thể phát hiện được" vẫn còn "một vài năm nữa" mới xuất hiện.
Nhưng sau khi CNBC hỏi rõ hơn về mốc thời gian đó trong một email gửi sau cuộc phỏng vấn, Li nói rằng những phát triển mới đây, bao gồm sự xuất hiện của ứng dụng Trung Quốc cực kỳ phổ biến là Zao, đã buộc ông phải "tính toán lại" mốc thời gian mình đưa ra.
"Theo những cách nào đó, chúng ta đã biết cách làm ra nó" - ông nói trong email trả lời. "Nó chỉ cần được huấn luyện với nhiều dữ liệu hơn và hoàn thiện mà thôi".
Những bước tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo hiện cho phép các video deepfake trở nên ngày một đáng tin hơn, và cũng ngày một khó khăn hơn trong việc giải mã ra những video thực từ những video đã qua chỉnh sửa. Điều đó đã làm gióng lên những hồi chuông báo động về vấn nạn phổ biến tin tức sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ và nhiều quốc gia khác chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử chính trị trong thời gian tới.
Tham khảo: BusinessInsider