Ngày 5/3, Bộ Y tế có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó xin ý kiến về vấn đề tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày. Bộ Y tế nhấn mạnh, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân, vì đây chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày là đề xuất hợp lý.

PGS phân tích, Bộ Y tế vẫn đang duy trì bản tin công bố số nhiễm mỗi ngày, nhưng con số này không thể đúng với thực tế dịch bệnh hiện nay. Theo đó, dịch đã lây lan mạnh trong cộng đồng, rất nhiều người dương tính SARS-CoV-2 nhưng không khai báo hoặc không thể khai báo, chưa kể đến những trường hợp không biết bản thân là F0 hay F1.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương báo cáo số nhiễm hàng ngày bị chậm. Minh chứng là trong các bản tin của Bộ Y tế, vẫn thấy có những tỉnh xin bổ sung thêm hàng chục nghìn ca của nhiều ngày trước đó dồn lại. Như vậy, con số thống kê đang không chính xác.

“Giai đoạn trước, chúng ta truy vết, thống kê được F0 ở những nơi nào, nhưng bây giờ thì không thể. Bởi vậy, việc thông báo số nhiễm theo các bản tin hàng ngày như hiện nay không còn nhiều giá trị, không còn ý nghĩa”, PGS Nga nhận định.

Ông cho rằng Bộ Y tế đề xuất dừng công bố hàng ngày không có nghĩa là bỏ hẳn việc thống kê ca bệnh. Thực tế, ngành y tế vẫn theo dõi trên hệ thống, lấy những thông tin đó để đánh giá về mặt chuyên môn, dịch tễ học, dự báo, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, thay vì duy trì các bản tin mỗi ngày như hiện nay, Bộ Y tế có thể thông tin tình hình dịch bệnh định kỳ, có thể hàng tuần để nhân dân nắm bắt.

Nên công khai các tin tức về: số ca bệnh phải nhập viện, số ca diễn tiến nặng, số tử vong, tình hình tại các bệnh viện có quá tải hay không, dịch đang phức tạp tại địa phương nào, hướng dẫn những vấn đề nhân dân cần lưu ý trong phòng chống dịch,…

{keywords}
Biểu đồ theo dõi số ca Covid-19 trong ngày của Bộ Y tế, cập nhật tới ngày 7/3

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, số nhiễm vẫn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát Covid-19. Cụ thể, chỉ số này giúp đánh giá quy mô, cấp độ và dự báo chiều hướng, mức độ phát triển của dịch bệnh để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Bên cạnh đó, Covid-19 đang lây nhiễm, vẫn có F0 chuyển biến nặng, ca tử vong. Khi ca nhiễm nhiều, số bệnh nhân chuyển nặng sẽ tăng lên, trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế.

Tuy nhiên, PGS Phu cũng đồng tình với quan điểm dừng công bố số ca nhiễm hàng ngày bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, hiện số mắc cộng đồng cao, việc công bố ca nhiễm và con số thống kê chỉ tương đối, khó chính xác. Thực tế, có nhiều trường hợp bị nhiễm nhưng không khai báo, hoặc một số nơi y tế quá tải, F0 khó liên hệ được cơ sở y tế để khai báo. 

Thứ hai, có sự cách biệt đáng kể giữa số nhiễm và số nhập viện, tử vong. "Chúng ta không thể đưa dịch bệnh trở về "zero Covid-19 mà chỉ nên tập trung vào công bố số lượng bệnh nhân nhập viện, tử vong", PGS Phu nói.

Thứ ba, PGS Phu cho rằng dừng công bố số ca nhiễm nhưng các nhà quản lý có thể vẫn thống kê hàng ngày, hoặc áp dụng phương pháp giám sát dịch bệnh khác (ví dụ giám sát điểm, hoặc báo cáo số liệu của từng địa phương, sau đó đưa ra số lượng dự báo nhằm nắm được lúc nào và tại đâu nào dịch bệnh lên cao điểm để cảnh báo người dân). Nói cách khác, các cơ quan y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm, từ đó mới đánh giá được xu thế của dịch và có biện pháp xử trí.

“Việc cảnh báo đến người dân có thể bằng nhiều cách, như đưa ra các biện pháp hạn chế hay nới lỏng, chứ không nhất thiết dựa vào công bố số ca nhiễm hàng ngày. Có thể công bố hàng tuần, hoặc mức độ trầm trọng của việc phát sinh những ca nhiễm mới", ông nói.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc dừng “đếm ca” chưa thể coi là một trong những bước tiến để xem Covid-19 là bệnh đặc hữu (bệnh lưu hành).

Ông phân tích, với các bệnh truyền nhiễm, để có thể đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt là vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…

Thực tế hiện nay, nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, tử vong và trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Trong khi đó, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin phòng Covid-19 ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro, y tế chỉ là một phần trong đó. Một số quốc gia có thể vì áp lực kinh tế nên tiến hành “nới lỏng” và mở cửa. Tuy nhiên, các quốc gia khác đặt vấn đề phòng chống dịch bệnh lên cao hơn thì vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ. Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường”, ông Phu nhận định.

Quỳnh Anh

Bộ Y tế xin tạm dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày

Bộ Y tế xin tạm dừng thông báo số ca Covid-19 hàng ngày

Theo Bộ Y tế, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân do số nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch.