Tiêm đủ vắc xin vẫn là F0 gây lây nhiễm trong cộng đồng
PGS TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TP. HCM cho rằng, trong giai đoạn này khách bay nội địa cần phải xét nghiệm Covid-19. Đặc biệt, khi hành khách đi từ vùng dịch nguy cơ cao đến nơi có nguy cơ thấp hơn.
Theo PGS TS Đỗ Văn Dũng, thời điểm này cần tập trung phát triển du lịch nội địa song song với mở cửa du lịch quốc tế. Du lịch nội địa tạo ra sinh khí và tâm lý yên tâm ‘sống chung với Covid-19’, cũng như tạo điều kiện cho những người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước vẫn được về quê ở các tỉnh thành.
Tuy nhiên, F0 đang tăng nhanh ở nhiều địa phương, biến chủng Omicron đang lây lan nhanh trên thế giới nên Việt Nam phải tăng cường kiểm soát dịch từ chính những người nước ngoài nhập cảnh, người Việt Nam từ nước ngoài về và ngay cả trên các chuyến bay nội địa.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng biện pháp đặt lên hàng đầu là kiểm soát người đi từ vùng có dịch, đặc biệt là người ở vùng dịch nguy cơ cao và rất cao.
Để đảm bảo an toàn chống dịch thì ý thức chống dịch của người dân vẫn là trên hết, đặc biệt là tuân thủ 5K. Theo PGS Phu, người dân không được chủ quan đã tiêm vắc xin rồi mà lơ là phòng dịch.
“Thực tế hiện nay, nhiều người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi nhưng do chủ quan không thực hiện nghiêm 5 K, lơ là trong việc xét nghiệm khi có dấu hiệu dương tính vẫn vô tư tiếp xúc đông người nên số F0 trong cộng đồng tăng rất nhanh”.
Ngày 8/12, Bộ Y tế công bố cả nước có 14.595 ca mắc Covid-19, trong đó gần 60% ca nhiễm trong cộng đồng.
Cần xét nghiệm Covid-19 với tất cả khách bay nội địa
F0 tăng nhanh, đặc biệt là F0 trong cộng đồng ngày càng nhiều sẽ gây quá tải ngành y tế. Nhiều người dân lo ‘mất Tết’ nếu F0 vẫn tăng, còn giới chuyên gia kinh tế thì lo ngại có thể sẽ phải hạn chế vận chuyển hành khách công cộng.
Nguy cơ lớn hơn sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch và phục hồi kinh tế. Bởi khách du lịch nước ngoài e ngại bay đến nơi có nhiều ca nhiễm. Ở cấp quốc gia, một số nước có thể sẽ cân nhắc trong việc mở bay quốc tế với Việt Nam để tránh nguy cơ khách du lịch mang theo virus đến đất nước họ.
Trước tình hình người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh, vấn đề đặt ra là có cần thiết thực hiện thêm xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay hay không?
TP.HCM khẩn cấp thiết lập thêm trạm y tế lưu động |
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, tốt nhất là phải có thêm xét nghiệm âm tính.
Theo ông, trong quá trình di chuyển, kể cả trên xe bus ra tàu bay hoặc di chuyển trong ống lồng hay khách ngồi trên tàu bay không mang khẩu trang… Do dó, dù đã được tiêm vắc xin đủ liều, vẫn nên thực hiện thêm xét nghiệm, test nhanh hay PCR đều có thể chấp nhận được. Nhất là khi, chi phí xét nghiệm hiện không quá cao như trước đây.
Hiện tại, Bộ Y tế đã có quy định về chi phí xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR virus SARS-CoV-2. Theo đó, test nhanh tối đa 109.700 đồng/test, xét nghiệm PCR tối đa 518.400 đồng/mẫu đơn. Trong khi, nếu xảy ra lây nhiễm Covid-19 trên tàu bay, việc xử lý sẽ phức tạp và rất tốn kém.
PGS TS Đỗ Văn Dũng đồng tình, trong giai đoạn này, cần phải xét nghiệm khách trước khi lên tàu bay nội địa. Ai có kết quả âm tính mới được bay, vì nếu mắc bệnh, đi cùng chuyến bay có thể lây cho nhiều người khác. "Nhất là nếu đi từ khu vực dịch tễ nguy cơ cao, hành khách nên bắt buộc xét nghiệm", ông chia sẻ.
Dĩ nhiên, làm chặt chẽ, khoa học như vậy có thể các hãng bay sẽ bị thiệt vì khách bị tăng chi phí, có thể làm bó hẹp thị trường hàng không. Tuy nhiên, nếu để ca nhiễm lây lan ở các tỉnh thành khác, công tác truy vết rất tốn kém và mất công sức.
Đây cũng là cách hữu hiệu để khách bay bảo vệ sức khỏe của chính mình, của cộng đồng và thiết thực cùng Chính phủ kiểm soát, kiềm chế dịch đang diễn biến phức tạp.
Ông lấy ví dụ, ở Mỹ, dù không bắt buộc nhưng ngành y tế vẫn khuyên nên xét nghiệm trước khi bay nội địa (còn bay quốc tế là chắc chắn bắt buộc)
Ngay cả Singapore, quốc gia có tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin rất cao, luôn chủ trương sống chung với Covid-19. Mới đây, chính phủ nước này cho biết sẽ thí điểm cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi được tham gia nhiều hoạt động hơn, ví dụ như hoạt động thể thao, hội nghị, triển lãm …với điều kiện bổ sung là kết quả xét nghiệm âm tính test nhanh kháng nguyên. Nếu thành công, quy trình này sẽ được mở rộng ra với nhiều hoạt động khác.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường quản lý, giám sát di chuyển bằng công nghệ, tăng tốc tiêm vắc xin, nghiêm túc thực hiện 5K và không lơ là trong việc xét nghiệm, chúng ta sẽ góp phần kiểm soát được dịch, được đi lại, mưu sinh, sinh hoạt… an toàn.
Giao Linh
Làm cách nào để tránh lây nhiễm Covid-19 khi đi máy bay?
Khi những chuyến bay đang dần được nối lại nhưng dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt đi đâu là cách để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong hành trình?