Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu - VCIC cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, ở những quốc gia có trình độ KHCN tương tự Việt Nam, bên cạnh việc Chính phủ cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư cho KHCN phát triển, chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, tạo điều kiện phát triển lâu dài cho một số lĩnh vực, ngành hàng mũi nhọn, chủ lực của quốc gia hoặc là những công nghệ gắn với các yếu tố dân sinh, an ninh quốc phòng... thì còn lại cơ bản tập trung các điều kiện nguồn lực cho việc khai thác, tìm kiếm và chuyển giao nhanh tiến bộ KHCN của các nước tiên tiến vào điều kiện sản xuất của Việt Nam.
Điều này, có nghĩa là Chiến lược về KHCN của chúng ta sẽ chọn lựa một số điểm đột phá ưu tiên, còn lại dồn lực cho việc tìm kiếm, khai thác các nguồn lực tri thức công nghệ của nước ngoài (gồm có cả công nghệ, chuyên gia), để làm sao trên cơ sở đó thay đổi nhanh trình độ sản xuất công nghệ và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu.
Chuyển giao công nghệ của thế giới để giải bài toán của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Theo đó, trong định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi sẽ ưu tiên tập trung cho tám nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hơn một tỷ USD. Thí dụ, đồ gỗ, đến thời điểm hiện tại chúng ta đã đạt hơn 12 tỷ, và dự kiến lên khoảng 20 tỷ vào năm 2025. Hay như mặt hàng thủy sản, đang định hướng đến năm 2025 là 10 tỷ USD, nhưng theo tính toán của các chuyên gia và của chúng tôi, với tiềm năng thủy sản của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 40 - 50 tỷ USD. Nếu chúng ta ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới của quốc tế và đàm phán được phương án khả thi cả về mặt công nghệ, tài chính đi kèm… sẽ tạo đột phá về mặt tăng trưởng. Chưa kể, trên cơ sở hợp tác, chuyển giao công nghệ, các đối tác quốc tế sẽ giúp mở ra cơ hội về thị trường cho các sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam.
Đây cũng chính là bài toán mà VCIC - được hình thành từ dự án hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Ngân hàng Thế giới (WB) đang đảm nhiệm, tức là thiết kế, tạo ra một kênh để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Kênh này không chỉ dừng ở việc giới thiệu những công nghệ mới, mà còn bố trí một loạt dịch vụ đi kèm, từ thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ cho đến giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận các thông tin công nghệ một cách chi tiết, giúp DN xây dựng phương án đàm phán với đối tác nước ngoài cả về kỹ thuật và tài chính.
Một trong những yêu cầu của lĩnh vực KHCN là phải nhìn trước, đi trước công nghệ để giải quyết bài toán kinh tế - xã hội đặt ra.
Chính vì thế, trong định hướng kế hoạch của chúng tôi là tích cực tìm kiếm các công nghệ phục vụ cho ngành tái chế. Muốn phát triển công nghiệp, thì không thể không có chất thải, bởi vậy chúng ta phải giải quyết được vấn đề chất thải và biến chất thải thành tài nguyên, hạn chế những chất thải độc hại ra môi trường.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả. Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, điều đó khiến cho các DN Việt Nam đặc biệt là các DN tư nhân gặp phải những thách thức rất lớn. Họ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt và gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn trên bình diện rộng và sâu hơn ngay cả ở thị trường trong nước.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy thương mại nội khối, kết nối thị trường quốc tế để tranh thủ tối đa công nghệ và các nguồn lực bên ngoài trong bối cảnh các hệ thống giao thương quốc tế đang tái cấu trúc lại sau đại dịch Covid-19.
Văn Lợi lược ghi