Hàng chục nghìn dân thường vẫn đang tiếp tục tháo chạy khỏi Ramadi, thành phố vừa rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), trong tâm trạng sợ hãi và hoảng loạn.

TIN BÀI KHÁC:

BBC đã trò chuyện với một số người may mắn chạy thoát, nhưng vẫn còn người thân bị kẹt lại.

Mohamed, 19 tuổi, cho biết anh vô cùng bất ngờ khi IS tràn tới và nhanh chóng chiếm được thành phố vào tuần trước. Vào tối thứ Sáu, mọi thứ vẫn bình thường khi anh đi ngủ nhưng khi Mohamed thức dậy vào sáng hôm sau thì "quân lính chính phủ đã bỏ chốt và IS hiện diện ở đó".

{keywords}
Dân chúng Ramadi đi lánh nạn IS. (Ảnh: AP)

Mohamed là một thành viên bộ tộc địa phương, nhưng anh không phải là một gương mặt nổi trội, vì "nhiều lãnh đạo bộ tộc không chạy thoát được đã bị giết chết" ngay khi IS tiến vào thành phố.

Một số nhân chứng khác kể rằng, IS còn tràn vào nhà của cảnh sát và những người ủng hộ chính phủ. Chỉ sau khi các thành viên bộ tộc bị giết chết hết, IS mới thông báo từ một nhà thờ ở trung tâm Ramadi rằng, tổ chức này đã chiếm trọn thành phố.

"Giờ đây, tất cả các bộ tộc đều đã chết. Họ bị giết, bị tàn sát. Duy nhất còn lại là các chiến binh Shiite và tôi không nghĩ họ sẽ làm gì giúp cho Ramadi", Mohamed nói.

Mohamed thoát được bằng cách đem giấu vũ khí và quần áo, rồi di chuyển lẫn trong dòng người di tản. Anh có nhiều anh chị em vẫn kẹt lại trong thành phố. Tối Chủ nhật (17/5), họ gọi điện cho Mohamed kể rằng thành phố bị bao vây tứ phía và họ sắp chết. Sau đó không có tin tức gì nữa.

{keywords}
Dòng người vội vã tháo chạy khỏi Ramadi. (Ảnh: Reuters)

Cũng như Mohamed, Ahmed đã bỏ lại một số thành viên gia đình, khi tháo chạy khỏi Ramadi cùng vợ và hai con cuối tuần trước. Người đàn ông này cho biết, anh thường xuyên liên lạc với người chú còn kẹt lại, vì ông không còn nơi nào để đi.

"Bất kỳ ai chống lại IS đều bị giết bỏ và chú tôi kể xác người nằm la liệt trên đường phố. IS cũng đã giương cờ trên một số tòa nhà", Ahmed kể lại.

Ahmed cho rằng, Ramadi thất thủ là do thất bại của các lực lượng vũ trang Iraq, chứ không phải là một chiến thắng của IS. Theo anh, quân đội Iraq chứng tỏ là một đội quân yếu kém và thiếu trung thành.

Ahmed miêu tả cuộc sống dưới gọng kìm IS là "mờ mịt", và anh không thể "sống trong bầu không khí ám đầy tử khí, sự sợ hãi, khiếp đảm và tàn sát".

"Tôi không bao giờ cảm thấy an toàn khi sống với loại người chống lại nhân sinh và nhân bản. Chúng giết người vì những lý do đơn giản nhất".

{keywords}
Các tổ chức nhân đạo đang đối phó với lượng người tị nạn Iraq tăng chóng mặt. (Ảnh: AP)

Ahmed đã hòa vào dòng chảy tị nạn lên tới hàng nghìn người ở Khaldiyah, phía đông Ramadi.

Còn Mohamed quyết định lên đường tới Baghdad, nơi anh hy vọng một số người thân của mình bị thương vì IS tấn công có thể được chữa trị. Nam thanh niên này mô tả IS xông tới như bầy kiến "chui lên từ lòng đất".

"Tôi nghĩ chắc hẳn họ phải đào bới lòng đất và chui lên ở một địa điểm khác. Chúng tôi quá bất ngờ khi thấy họ ở khắp mọi nơi".

Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 25.000 người đã tháo chạy khỏi Ramadi trong những ngày qua, và nhiều người phải qua đêm ở ngoài trời.

Đường phố Ramadi hiện nay rất hoang vắng, nhưng một số cửa hiệu bị IS bắt phải mở cửa trong khi các chiến binh IS lùng sục khắp nơi truy tìm người ủng hộ chính phủ. Chúng còn ném thi thể các nạn nhân xuống sông Euphrates.

Thanh Hảo