Trong dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) xa xôi có một cô thôn nữ người Mông làm hướng dẫn viên đã khiến bao du khách say lòng. Cô gái có cái tên Vương Thị Chờ ấy giống như một ánh lửa thổi bùng lên sự sống cho tòa dinh thự lạnh lẽo, đầy bí ẩn giữa những rặng núi đá tai mèo.
Ngày bé không hiểu vì sao nhà mình giàu!
Chúng tôi đến dinh thự nhà Vương và dường như ngay lập tức bị một cô gái hướng dẫn người Mông “thôi miên” theo những câu chuyện của vị “vua Mèo” nổi danh ở Hà Giang. Ngay từ cổng của tòa dinh thự, bằng một giọng Kinh lơ lớ pha lẫn tiếng Mông, cô gái ấy đã giới thiệu một cách tỉ mỉ xuất xứ của hàng sa mộc đứng uy nghiêm bảo vệ tòa nhà, những hoa văn kì công được vua Mèo thuê chạm khắc và những phiến đá lớn được đưa đến để xây dinh thự…
Dinh thự nhà Vương ở Sà Phìn. Ảnh: Internet |
Trong suốt buổi thuyết minh, cô gái luôn hướng ánh mắt đầy trìu mến của mình vào từng đồ vật. Khác với những hướng dẫn viên mà chúng tôi từng gặp ở nhiều khu du lịch, cô gái mà tôi đang được lắng nghe dường như không có sự ngại ngần nào. Cô sẵn sàng đưa hai tay mình lên cao như múa để giới thiệu về một hiện vật đặc biệt của tòa dinh thự rồi lại ấp tay vào lòng… Nhìn cách cô say sưa kể về vị vua Mèo, rồi lịch sử của tòa dinh thự bằng con mắt long lanh đầy sự ngưỡng mộ cùng những cử chỉ đơn giản nhưng vô cùng đặc biệt của cơ thể cô, chúng tôi tin rằng chắc cô phải có một mối quan hệ đặc biệt nào đó với dòng họ Vương quyền quý xưa kia và cả tòa dinh thự bí ẩn này.
Sau khi tham quan và nghe hết những câu chuyện sơ lược về tòa dinh thự, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng cô gái đặc biệt ấy. Cô rất cởi mở và chia sẻ về thân phận của mình: “Em là cháu nội thế hệ thứ tư của cụ Vương Chính Đức. Nhánh của ông nội em cũng là nhánh duy nhất còn có con cháu ở Hà Giang. Họ nhà Vương còn có hai nhánh khác ở Hà Nội và ở Mỹ”.
Vương Thị Chờ tâm sự, mẹ cô vốn là một cô gái Mông nhà nghèo ở Đồng Văn được bố cô lấy về làm vợ và sống trong dinh thự nhà Vương. Cả 7 anh em nhà cô đều được sinh ra và lớn lên trong tòa dinh thự ấy. Thời cô sinh ra, tuy vẫn ở trong tòa dinh thự nhưng dòng họ Vương đã không còn vị trí như trước nữa. Cô vẫn cùng đám trẻ ở Sà Phìn cùng chơi với nhau khá hòa đồng. Cô chỉ biết, các hộ gia đình họ Vương được ở trong tòa dinh thự lớn nhất vùng nhưng khi ấy với ý thức của một đứa trẻ, cô cũng không hiểu vì sao gia đình mình giàu, lại có ngôi nhà to, đẹp đến thế.
Chờ kể, khi dinh thự nhà Vương được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, các hộ gia đình họ Vương vẫn ở trong đó. Và, có khá nhiều phiền phức xảy ra khiến cuộc sống gia đình cô bị xáo trộn. Ví dụ từ chuyện nhỏ nhất, có khi gia đình đang ăn cơm hay làm việc riêng thì có khách tới tham quan… Mãi đến năm 2004, các hộ gia đình họ Vương và chính quyền địa phương mới thống nhất giao hoàn toàn dinh thự cho ngành văn hóa quản lý. Các hộ gia đình của dòng họ Vương được tạo điều kiện ra xây dựng nhà ở khu vực khác.
Bất ngờ trở thành hướng dẫn viên
Chờ vốn được học hết lớp 12 và cũng như bao cô gái Mông bình thường khác, cô lấy chồng sinh con và bốn mùa quanh quẩn với bắp ngô, củ sắn trên nương. Cô hài lòng với cuộc sống bình dị của mình vì xung quanh cô, bao cô gái Mông cũng vậy.
Năm 2007, tỉnh Hà Giang mở một lớp tập huấn ở địa phương để đào tạo các hướng dẫn viên cho các khu du lịch trong tỉnh. Cô được mời tham dự để trở về làm hướng dẫn viên tại chính di tích nhà Vương. Khi ấy, cô còn nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng cô cũng muốn tìm đến một cơ hội thay đổi cuộc đời mình. Hơn nữa, cô cho biết, lớn lên trong tòa dinh thự ấy nên cả tuổi thơ cô đã gắn liền với nó, cô yêu nó như chính cuộc đời mình. Cô vẫn mong muốn được làm một điều gì đó có ích gắn liền với tòa nhà tuổi thơ. Và, Chờ quyết định tham gia vào lớp tập huấn.
Cô Vương Thị Chờ, cháu nội thế hệ thứ tư của vua Mèo Vương Chính Đức |
Chờ kể, lớp tập huấn chỉ kéo dài có 3 tháng. Tuy nhiên, trong những ngày ngắn ngủi ấy, cô đã được tiếp xúc với nhiều kiến thức mới. Lúc ấy cô mới thực sự hiểu về các giá trị của một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cũng từ lớp học này, cô mới bắt đầu nghiên cứu các tài liệu liên quan đến chính tòa dinh thự của gia tộc mình mà bấy lâu nay cô chỉ lờ mờ nhận biết qua những câu chuyện đứt đoạn của các thành viên trong gia đình.
Chờ tâm sự: Lúc mới làm hướng dẫn, em ngại lắm. Người Mông vốn ít giao tiếp mà lúc ấy em lại chưa thạo tiếng Kinh. Cũng mất đến 2-3 năm học tiếng Kinh cho rõ. Nhưng càng làm thì càng tìm hiểu thêm các kiến thức, càng biết nhiều về các câu chuyện của dòng họ nhà mình và nơi mình đã sinh ra, lớn lên, gắn bó nên em ham mê lắm.
Chờ trở thành hướng dẫn viên trong tòa nhà gắn với tuổi thơ của mình từ năm 2008. Cô cho biết, khi các hộ gia đình họ Vương bàn giao lại tòa dinh thự cho cơ quan văn hóa quản lý, ai cũng tiếc nuối. Bản thân cô vẫn nhìn về tòa nhà như mình vừa đánh mất một phần quý giá của ký ức. Thế nhưng càng về sau, cô càng hiểu rằng, nếu để các gia đình tiếp tục quản lý thì không thể có điều kiện bảo tồn cho tòa dinh thự mãi nguy nga như cũ. Và trong mắt Chờ bây giờ, tòa dinh thự của tuổi thơ vẫn giữ nguyên được vẻ cao sang, quyền quý giữa những hàng sa mộc ở thung lũng Sà Phìn.
Vua Mèo Vương Chính Đức là một vị thủ lĩnh của người dân tộc Mông ở vùng Đồng Văn, Hà Giang. Dinh thự vua Mèo được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120m2 tại thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, bao gồm những tòa nhà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác. Dinh thự được vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ từ Trung Hoa sang xây dựng. Các thợ giỏi nhất vùng được huy động để xây dựng liên tục, ròng rã trong 9 năm trời và tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc hoa xòe thời bấy giờ (1919-1928). Dinh thự được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. |
Hoàng Phương
(Theo Báo Gia đình & Xã hội Xuân Ất Mùi)