Gần 5 ngày đêm quên ăn, quên ngủ, dầm mình trong nước lạnh bất chấp những con sóng, hàng trăm ngư dân quả cảm đã sát cánh cùng lực lượng tìm kiếm cứu nạn bộ đội biên phòng Quảng Nam nỗ lực tìm kiếm 5 quân nhân mất tích trong chuyến tàu kinh hoàng bị chìm hôm 13 giờ ngày 25-12...


Những ngày tang thương nơi Cửa Đại

Khó có thể nào tin được sự trùng hợp đến kỳ lạ trong những ngày tang thương nơi Cửa Đại, Hội An. Nơi thảm nạn chìm tàu nhấn chìm 35 con người đi trên chiếc tàu gỗ vượt sóng về đất liền sau chuyến công tác dài ngày ở đảo của các chiến sĩ Tiểu đoàn 70, thuộc tỉnh đội Quảng Nam.

Nhiều người dân cũng như lực lượng cứu hộ đều không thể không tin những trùng hợp ngẫu nhiên đến kinh ngạc. Nhật ký thảm nạn được ghi lại: 13 giờ ngày 25-12 tàu bị chìm. Những cánh tay chơi với giữa cơn sóng dữ, tất cả 35 con người đều phó mặc cho may rủi.

Chỉ 10 phút sau, những người câu cá và ngư dân đánh bắt trong khu vực ứng cứu cứu được 28 người và vớt được xác 2 phụ nữ. Còn lại 5 quân nhân mất tích.

Lực lượng cứu hộ nay sau đó triển khai lực lượng với hơn 100 người cùng hàng trăm ngư dân và hơn 30 phương tiện tổ chức tìm kiếm 5 quân nhân mất tích suốt 5 ngày đêm.

Vùng biển Cửa Đại suốt trong 5 ngày đêm chìm trong tang tóc.

Và quân nhân cuối cùng được tìm thấy lúc 13 giờ chiều hôm nay (29-12), trùng với thời gian con tàu bị chìm.

Hơn 20 phút sau khi đưa được chiến sĩ Đặng Ngọc Thiện, 19 tuổi, quê ở Bình Sa, Thăng Bình, Quảng Nam lên bờ, ngay tại Tổng hành dinh tìm kiếm cứu nạn, Đại tá Lê Thanh Tùng phát lệnh ngừng công tác tìm kiếm, đưa lực lượng vào bờ.

Thời gian trùng với lúc phát lệnh huy động triển khai phương án tìm kiếm. Sự trùng hợp này đã khiến Đại tá Lê Thanh Tùng cũng phải ngỡ ngàng.

Đến mãi bây giờ trong ký ức của người dân vùng Cửa Đại vẫn không thể nào quên những ngày tang thương nơi vùng biển này.

Suốt ngày đêm, mặc cho cái rét lạnh, mặc cho những con sóng bạc đầu ầm ầm đánh bào bờ tung bọt trắng xoá như những vành khăn tang, cả đất trời cũng ảm đạm chìm trong tang tóc.

Hàng nghìn người dân cùng thân nhân những người bị nạn lũ lượt kéo nhau ra bãi biển ngóng trông và cầu nguyện xác các quân nhân sớm được tìm thấy.

Ngay tại bãi biển Cửa Đại trong những ngày tang thương ấy, tôi gặp rất nhiều mẹ, nhiều chị mắt nhìn ra biển thở dài và bảo:” Trời lạnh như ri ở dưới biển làm sao chịu thấu...”

Tôi nhận ra tiếng thở dài của các chị, các mẹ là lời xót thương cho những chiến sĩ đã nằm xuống nơi vùng biển này và lo lắng cho lực lượng cứu hộ bất chấp sóng to, gió lớn vẫn dầm mình giữa biển nước mênh mông tìm kiếm nạn nhân.

Dọc theo bãi biển, vào ban đêm, những đống lửa từ những cành khô sóng đánh vào bờ được nhiều người dân gom lại đốt lên vừa sưởi ấm cho những con người chờ đợi vừa như sưởi ấm cho những linh hồn đang chìm giữa biển mù khơi.

Trong những ngày tang thương ấy, tôi đã thức trắng cùng đi dọc bãi biển theo chân những người mẹ, người cha, người anh, người chị gào khóc gọi tên con giữa tiếng rít của gió lạnh từ ngoài khơi thổi vào.

Nhìn những bàn thờ lập vội trên những chiếc thùng phuy được vớt lên nơi con tàu bị đắm, tất cả những người chứng kiến đều rơi nước mắt.

Nỗi đau bây giờ mới kể

Suốt 5 ngày đêm, lão kình ngư Nguyễn Cường, người đầu tiên lao ra biển khi nhận được tin tàu chìm, một mình ông đã cứu đưa vào bờ hơn 10 nạn nhân và sau đó cùng với lực lượng cứu hộ tìm người.

“Tui mới ở biển cập bờ lúc 13 giờ, đang ngồi ăn cơm thì nghe tiếng la cứu người, quăng chén cơm đang ăn dở, tui lao ra biển. Hiện ra trước mắt tui là hàng chục cánh tay chới với đang ôm thùng phuy bị sóng đánh trôi dạt trên biển. Tui lội ào ra vớt từng người đưa vào bờ...” - Lão kình ngư Nguyễn Cường nhớ lại.

Còn anh Nguyễn Phúc thì nhớ lại: “Lúc đó tui đang câu cá bên bờ Cửa Đại, nghe tiếng kêu cứu tui vứt cần câu cùng lao ra biển cứu người. Lúc đó gió mạnh, trời lạnh lắm...”
Còn tổ đội thúng chai của lão kình ngư Nguyễn Văn Mười (43 tuổi, trú thôn 5, Duy Hải) ngay sau đó đã đưa hơn 10 thúng chai cùng 20 ngư dân phối hợp với tàu của lực lượng tìm kiếm bất chấp sóng dữ suốt 5 ngày đêm tìm kiếm mà không hề toan tính.
Ngay sau khi tìm được xác nạn nhân cuối cùng, ông Mười thở phào nhẹ nhõm. Nhìn gương mặt của những ngư dân tham gia cứu nạn hốc hác, mắt trũng sâu, râu mọc tua tủa sau 5 ngày đêm thức trắng, mới thấy hết tình quân dân thắm thiết đến vậy.


Ngay trên bãi biển Cửa Đại, sau khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy, Đại tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chỉ huy biên phòng Quảng Nam, người trực tiếp điều hành lực lượng tìm kiếm mới thở phào nhẹ nhỏm.
Ông bảo, ngồi ở sở chỉ huy tiền phương trên bãi biển mà ruột nóng như lửa đốt. Phần thì lo anh em trên các tàu tìm kiếm giữa sóng to gió lớn, phần thì lo làm sao sớm tìm kiếm được đồng đội. Điện thoại, máy bộ đàm trên tay ông những ngày tang thương ấy cứ rung lên bần bật.

Còn tại tổng hành dinh Trung tâm tìm kiếm cứu nạn, đại tá Lê Thanh Tùng, chỉ huy trưởng cùng lực lượng tác chiến căn mắt trên tấm bản đồ, và điện thoại cứ rung lên bần bật, đứng ngồi không yên.

Đại tá Tùng kể, suốt 5 ngày đêm ông không ngủ được. Mệt quá nằm xuống là điện thoại lại rung, rồi phải nghĩ cách triển khai công tác tìm kiếm hiệu quả và nhanh nhất có thể trong điều kiện thời tiết phức tạp giữa biển mù khơi. Cuối cùng, ông quyết định vận động ngư dân tham gia cứu nạn và tìm kiếm.

Đúng như quyết định giữa thời khắc khó khăn này, toàn bộ 5 quân nhân mất tích đều do bà con ngư dân tìm thấy và đưa xác vào bờ sau 5 ngày đêm.

Đại tá Tùng kể:”Trong những lúc khó khăn như vậy, chúng tôi chỉ biết dựa vào dân mới có thể giải quyết được những khó khăn. Ngay thảm nạn chìm đò sáng 21-11 tại Tam Hải, Núi Thành cũng nhờ dân mới kịp thời cứu hơn 40 người bị nạn...”

Chỉ mới hơn 1 tháng, người dân Quảng Nam lại bàng hoàng chứng kiến thêm một thảm nạn chìm tàu gây bao tang tóc. Nước mắt lại đổ và vành khăn tang trắng trên những mái đầu người cha, người mẹ, người chồng.


Vũ Trung