Những người phụ nữ trong 27 gia đình ấy phần nhiều là các nữ cựu chiến binh, thanh niên xung phong, những người phụ nữ tật nguyền, lỡ thì... không có được may mắn lứa đôi như những chị em khác đã dũng cảm trở thành bà mẹ đơn thân, 'kiếm' đứa con để yêu thương.
Kỳ 1: Nhà báo Mỹ 'góp nhặt' nỗi đau chiến tranh Việt Nam
Kỳ 2: Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ?
Có một 'bến không chồng'Khi chúng tôi hỏi đường về thôn Văn Xá Thượng (xã Hương Văn, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cách TP Huế chừng 40km, cậu lái xe taxi - có thể coi là cộng tác viên đắc lực của tôi và Marissa Roth trong những ngày ở Huế - cứ liên tục dùng cụm từ 'bến không chồng' khi hỏi đường đi Văn Xá Thượng.
Hơn một lần, tôi nhắc nhở Cường - tên cậu ta - đừng dùng cụm từ đó, có vẻ không tế nhị lắm, nhưng Cường cười hiền bảo "chị cứ yên tâm, ở đây người ta biết rồi, gọi như thế không sao đâu".
Mang tâm trạng thấp thỏm không yên, về cách hỏi đường, cách tìm đến nhân vật, và cách đặt ra một vấn đề tế nhị như vậy, tôi căng thẳng tưởng muốn bỏ cuộc đi về, không hình dung người ta sẽ phản ứng với mình thế nào khi tìm đến hỏi han một câu chuyện như vậy.
Nhưng thật ngạc nhiên, trái với hình dung của tôi, ngay từ đầu thôn, khi chúng tôi đề cập: muốn tìm những cựu nữ thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì, phải làm mẹ độc thân, người làng nói 'nhiều lắm" và chỉ ngay cho chúng tôi một gia đình gần đó.
Cô Dương Thị Rơi là một trong số 27 'hộ đơn thân' ở thôn Văn Xá Thượng. Đó là cách chính quyền và người dân địa phương gọi những người phụ nữ không chồng mà có con.
Những người phụ nữ trong 27 gia đình ấy là các nữ cựu chiến binh, thanh niên xung phong, những người phụ nữ tật nguyền, lỡ thì... không có được may mắn lứa đôi như những chị em khác đã dũng cảm trở thành bà mẹ đơn thân, 'kiếm' đứa con để yêu thương.
Mẹ chồng Dương Thị Rơi hạnh phúc khoe con dâu, Ảnh Hoàng Hường |
Trái với tâm trạng hồi hộp lo ngại của chúng tôi, cô Rơi niềm nở chào đón khách với sự tất cả sự cởi mở, chân thành. Thấy khách lạ đến nhà, những người hàng xóm của cô Rơi cũng sang chào hỏi, niềm nở. Tôi để ý từ nhà nọ sang nhà kia chỉ có 1 - 2 bụi cây lúp xúp như đánh dấu, chẳng cần hàng rào 'biên giới'. Cảm nghĩ nhanh của tôi là mối quan hệ làng xóm ở đây khá gần gũi, mật thiết kiểu 'tắt lửa tối đèn có nhau'.
Trong ánh mắt ngời niềm hạnh phúc, cô Rơi quay sang giới thiệu cô con dâu 'vừa cưới về' cho cậu trong con trai đầu. Vợ chồng con trai thứ hai của cô đã kịp có cháu nội cho bà bồng.
Có lẽ như đoán được mục đích của mấy vị khách lạ, không đợi chúng tôi hỏi, cô hào hứng vào đề luôn: "ngày xưa tôi không liều mạng "kiếm" con, giờ làm gì có chuyện mẹ con, bà cháu tíu tít thế này. Nhiều chị em đồng đội của tôi không may mắn như vậy, giờ sống cô quạnh, thương lắm".
'Tôi chẳng ước mong gì hơn'
Cũng như bao thanh niên trẻ cùng thời, trong những năm chiến tranh ác liệt, cô thanh nữ Dương Thị Rơi cũng gác lại những giấc mơ dở dang để cầm súng đánh giặc. Năm 1967, đội du kích địa phương được thành lập, chị Rơi tham gia chiến đấu trong suốt dải Thừa Thiên - Huế - Bình Trị Thiên. Các đội du kích liên tiếp được thành lập, các thành viên cũng liên tiếp được tuyển thêm, đồng nghĩa với việc rất nhiều người thanh niên nam nữ ngã xuống.
Bao nhiêu nụ cười chiến công, cũng từng ấy nước mắt khóc đồng đội, cứ thế cô thôn nữ Dương Thị Rơi chiến đấu trong những vùng ác liệt gian khổ nhất dọc chảo lửa Thừa Thiên - Quảng Trị.
Đầu năm 1968, cô Rơi được tăng cường lên A So - A Lưới, cách thành Huế chừng 200km, được coi là 'cái rốn' hứng hầu hết bom và chất độc da cam của quân đội Mỹ rải xuống khu vực Thừa Thiên - Huế - Bình Trị Thiên.
Theo lời tả của cô nhiều lúc nhìn chất độc da cam rải xuống mù mịt, tưởng sẽ chẳng ai sống sót nổi. Mỗi lần thấy máy bay, các anh chị lại tìm chỗ trú ẩn, bịt khăn ướt lên mặt nhưng không thấm tháp gì với sức hủy diệt của loại hóa chất chết người ấy.
(Anh Nguyễn Hồng Sơn, bố của 2 đứa con bị ảnh hưởng chất độc da cam tôi đã đề cập tại bài Sao người Việt Nam không ghét người Mỹ tả: ngay cả khi nấp dưới hầm sâu, chất độc rải xuống vẫn xộc vào hầm khiến những người trong hầm đổ máu tai, máu mũi, hốc mắt... và ngất lịm. Lúc đó tất cả đều tập trung cho chiến đấu, khi ngất tỉnh lại chiến đấu tiếp, bám trụ trận địa. Nhiều người sống sót vẫn nghĩ rằng họ thật may mắn, chỉ sau khi sinh ra những đứa con tật nguyền họ mới biết chất độc đó đã ngấm sâu vào cơ thể họ).
Chính trong thời gian này, bên mắt trái của cô Rơi bị hỏng vì loại chất độc đó. Sức khỏe cô sụt giảm, mang theo bao tổn thương khi trở lại cuộc sống bình thường.
Hòa bình lập lại, năm 1975, cô thanh nữ ngày nào giờ 25 tuổi, mang trong mình nhiều thương tật, đã qua tuổi lập gia đình của một cô gái nông thôn.
Những ngày đó, không chồng mà có con là một điều kinh khủng, không chỉ từ quan niệm khắt khe lâu đời trong truyền thống, đặc biệt các vùng nông thôn Việt Nam, mà với một cựu du kích, thanh niên xung phong, đảng viên, điều đó càng đặc biệt nghiêm trọng.
Nhưng ngày qua, khao khát được làm mẹ như những người phụ nữ bình thường càng mãnh liệt, cô Rơi dũng cảm tìm đến một người đàn ông nói lên nguyện vọng cháy bỏng xin một đứa con.
Người làng, đồng đội cũ có người cảm thông, có người lườm nguýt. Cô cắn răng nuôi con một mình, và đứa con tiếp theo ra đời sau đó vài năm "vẫn cùng một cha", nhưng cô từ chối nói tên người ấy.
Cô không hề làm phiền đến cuộc sống của người ấy, một mình trải qua những sóng gió thị phi, và cả gánh nặng kinh tế để nuôi hai con. Cô làm đủ thứ việc, từ đồng áng đến thuê mướn. Cô nói may mắn hạnh phúc vô cùng vì bản thân bị nhiễm chất độc da cam hỏng mắt, nhưng hai đứa con cô hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhiều đồng đội cũ của cô người chấp nhận mất đảng viên, chịu nhiều áp lực cũng để "kiếm" đứa con, nhưng có người sinh con bệnh tật, có người không vượt qua được những trở ngại, dày vò.
Thực tế đã có biết bao nước mắt rơi trong gia đình 27 người mẹ đơn thân ấy. Những bà vợ đa nghi trong làng luôn để những ánh mắt, lời nói cay độc tới họ. Những gã đàn ông trăng hoa luôn tìm cách tiếp cận họ "kiếm thêm" một chỗ vui chơi, khiến những giọt nước mắt tủi thân rơi, và họ phải sống co mình lại.
Cô cười tươi nói với chúng tôi về Luật quy định về quyền làm mẹ đơn thân của người phụ nữ như thế nào. "Các con tôi thương mẹ, hiểu mẹ lắm, tôi quá mãn nguyện. Đời tôi chẳng còn mong gì hơn"
Tôi hiểu, để có được niềm vui và sự mãn nguyện chân thành ấy, cô phải vượt qua nhiều gian nan lắm, và giờ cô được đền bù xứng đáng. Phần thưởng dành cho người phụ nữ dũng càm và hy sinh.
Nhìn cách cô nắm chặt tay cô con dâu, giữ khư khư bên mình, cô con cũng áp đầu vào vai mẹ đầy trìu mến, vô cùng cảm động. Marissa Roth loay hoay tìm góc chụp khoảnh khắc hạnh phúc ấy, nhưng mắt cũng đỏ hoe.
Sống trong xã hội có văn hóa hôn nhân tự do, nhưng bằng sự tinh tế của phụ nữ, của một nhà báo lâu năm; hẳn Marissa cảm nhận ánh mắt ngời hạnh phúc và cái nắm tay thật chặt kia nói lên những điều gì.
Còn tôi, được hít thở bầu không khí yên bình này, là nhờ những con người phải hy sinh cả những niềm hạnh phúc giản dị nhất như cô.
Tôi xin khắc ghi điều đó.
Hoàng Hường