Khi con gái đã lớn, nhà văn Kim Lân vẫn giữ thói quen rèn con vẽ hằng ngày. Những chàng trai đến chơi nhà Kim Lân mục đích để gặp họa sĩ Hiền đều bị nhà văn từ chối thẳng. Kim Lân dứt khoát: “Các anh về ngay cho cháu vẽ”.

Bài học của cha

Trong căn nhà chứa đầy những tranh, sách và hoài niệm về người cha đã khuất, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại: “Những năm tháng sống với thầy, nhà văn Kim Lân, là những năm tháng tươi đẹp nhất trong cuộc đời tôi”.

Niềm đam mê hội họa của bà được thừa hưởng từ người cha. Nhà văn Kim Lân là người rất yêu hội họa, từng theo cụ Nguyễn Gia Trí phụ vẽ sơn mài, nặn tượng. Ngay từ khi chị em Nguyễn Thị Hiền còn nhỏ, nhà văn Kim Lân đã cố tình bày bút, giấy, bột màu ra bàn “dụ” các con nghịch, muốn vẽ vời gì tùy thích.

buc hoa ve chan dung nha van kim lan
Chân dung nhà văn do họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ. 

“Thời ấy những đứa trẻ ngoài giờ học phải lăn lộn phụ việc cùng cha mẹ thì tôi chỉ đi vẽ tranh. Sáng tôi đi vẽ phong cảnh, chiều vẽ tĩnh vật, tối tôi vác giá ra ký họa tại ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay). Sau đó, tôi quay trở về nhà và nộp các tác phẩm đấy cho thầy tôi. Thầy xem xong sẽ nhận xét, góp ý cho con”.

Nhà văn Kim Lân cũng thường xuyên gửi con sang nhà các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nghiêm Xuân Phái… để học tập.

“Một lần, tôi đánh bạo vẽ một bức tranh theo trường phái Van Gogh. Tôi mang bức tranh đó về cho thầy xem với tâm lý hào hứng vô cùng. Tôi chờ đợi những lời khen tặng. Tuy nhiên thầy tôi chỉ im lặng và rít thuốc lào liên tục. Cứ như thế rất lâu khiến tôi sốt ruột vô cùng. Cuối cùng thầy tôi cất tiếng sau thời gian dài im lặng. Thầy nói “Hiền ạ, nghệ thuật không đơn giản như con nghĩ đâu”.

Ngừng lại một lát, thầy tôi nói tiếp: “Muốn là một nghệ sĩ chân chính trước hết con phải là chính mình. Con phải tự do và dũng cảm là chính mình. Nếu bắt chước thì con mãi mãi chỉ là cái bóng của người khác. Năm đó tôi chỉ mới 12 tuổi. Tôi đứng trong phòng khách và lặng lẽ nghe như nuốt từng lời của thầy”.

Họa sĩ Hiền cho biết, lời nhà văn Kim Lân là kim chỉ nam cho quãng đời hoạt động nghệ thuật của bà. Nhiều năm về sau, hình ảnh người cha già rít từng hơi thuốc, nhắc nhở con về sự "là chính mình” vẫn luôn in sâu trong ký ức của bà.

“Các anh về ngay cho cháu nó vẽ”

Khi còn nhỏ Kim Lân rèn dạy con rất nghiêm khắc. Thay vì đi chơi, giao du cùng bạn bè, hằng ngày bà chỉ đọc sách và vẽ tranh.

Thời kỳ nghèo khó, ăn uống thiếu thốn nhưng Kim Lân sẵn sàng mua quả táo, nải chuối, bó hoa… chỉ đề làm vật mẫu cho con gái vẽ tranh. Vẽ đến lúc vật mẫu bị hỏng, thối nhà văn lại mua mới về để con tiếp tục luyện tập.

nha van kim lan va con gai dau long

Nhà văn và con gái đầu lòng.

Khi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền lớn, nhà văn Kim Lân vẫn giữ thói quen rèn con vẽ hằng ngày. Những chàng trai đến chơi nhà Kim Lân mục đích để gặp họa sĩ Hiền đều bị nhà văn từ chối thẳng. Kim Lân dứt khoát: “Các anh về ngay cho cháu vẽ”. Việc này khiến họa sĩ Hiền không đồng tình.

Bà nói với cha: “Con ong phải đi khắp nơi hút nhụy hoa mới tạo mật ngọt. Con muốn sáng tạo nghệ thuật con phải ra ngoài quan sát, tìm tòi chất liệu từ cuộc đời. Nếu “giam cầm” con trong khung vẽ làm sao con có thể sáng tạo?”.

Nghiêm khắc với con nhưng nhà văn cũng sẵn sàng đối thoại, tiếp thu ý kiến của con. Đây là điều khá khác biệt so với quan điểm dạy con thời đó.

“Khi tôi còn trẻ, theo xu hướng mới tôi cũng cắt phăng mái tóc dài và để tóc tém. Tôi cũng tự may quần áo cho mình theo phong cách tân thời. Điều này khiến thầy tôi không hài lòng.

Một buổi chiều, tôi đi chơi về đã thấy thầy tôi đứng đợi sẵn ở cửa. Nhìn gương mặt bừng bừng lửa giận của thầy tôi biết ông đã đợi tôi rất lâu. Khi tôi bước vào, thầy tôi lớn tiếng nhắc nhở tôi về đầu tóc, ăn mặc.

Tôi trả lời: “Con nghĩ con không làm gì sai. Con được quyền quyết định việc để tóc, mặc quần áo thế nào đúng với sở thích của mình bởi thầy từng dạy con “phải sáng tạo và dũng cảm là chính mình”. Nghe con phản biện, thầy tôi không nói gì. Hai cha con nhìn nhau rất lâu rồi ông lẳng lặng đi vào trong nhà. Tôi biết ông đã “đầu hàng” con gái mình”.

Theo bà Hiền, Kim Lân cũng là người rất tôn trọng các quyết định của con. Năm 1968, bà Hiền thường có nhiều hợp đồng vẽ. Số tiền thù lao cũng không hề nhỏ. “Lần đó, tôi nhận được hợp đồng có giá trị là một số tiền rất lớn so với thời bây giờ. Tuy nhiên lúc này trong đầu tôi đang có mấy ý tưởng để vẽ tranh. Muốn sáng tạo, muốn thực hiện kế hoạch riêng của mình, tôi nói với thầy tôi: "Hay là con từ chối hợp đồng này?".

Thầy tôi đồng ý và hai bố con khệ nệ ôm bộ tranh mẫu đi trả trong cái nhìn sửng sốt của nhiều người. Thầy tôi là vậy, ông không quan tâm giá trị số tiền nhận được thay vào đó ông luôn khuyến khích người nghệ sĩ luôn sống với đam mê của mình”, nữ họa sĩ kể.

Dòng chảy bất tận

Nhà văn Kim Lân làm việc ở nhà xuất bản vì vậy ông thường mượn được rất nhiều sách mang về cho các con đọc. Điều này tạo nên niềm đam mê đọc sách cho các con nhà văn từ khi còn nhỏ.

Với những quyển sách các con “chưa đủ tuổi để đọc” nhà văn thường giấu lên tủ cao. Tuy nhiên mỗi lần cha vắng nhà họa sỹ Hiền lại lén ông lấy xuống đọc ngấu nghiến.

nha van Kim Lan

Nhà văn qua đời ở tuổi 87 (Ảnh: Gia đình cung cấp).

“Thậm chí một lần thầy tôi hỏi: “Sau này thầy mất con muốn thầy viết di chúc, để lại cho cái gì?”, tôi không ngần ngại đáp: “Con muốn thầy để lại cho con tủ sách của thầy”, bà Hiền kể lại.

Thời gian nhà văn Kim Lân nằm trên giường bệnh, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chuẩn bị mở triển lãm tranh. “Đó là năm 2007, bố tôi phải nhập viện vì căn bệnh hen suyễn. Lần đó tôi bay từ TP.HCM ra Hà Nội gặp ông”. 

Bà định lấy tên cho triển lãm của mình là “Dòng chảy” và chia sẻ với thầy của mình. Nghe xong, nhà văn Kim Lân nói: “Con hãy là một dòng chảy bất tận. Nghệ thuật luôn phải tìm tòi, sáng tạo không ngừng và người nghệ sĩ không được phép dừng lại”.

Tôi nghĩ rằng mình không thể khoanh vùng ở đâu được, cứ thế chảy theo dòng chảy của mình và cuộc đời mình. Tôi cứ thế đi, làm việc, sáng tạo và hiểu rằng cha tôi nói đó chính là dòng chảy đó không có tận cùng. Đó chính là quan niệm của tôi trong sáng tạo nghệ thuật”.

Sau đó bà bay vào TP.HCM vài ngày sau thì nghe tin thầy mấy. Nhà văn Kim Lân từ trần năm 2007 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, khi ở tuổi 87.

Sinh nhật tuổi 18 của con trai ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa

Sinh nhật tuổi 18 của con trai ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa

Công việc buôn bán phát đạt, mỗi ngày xuất đi hàng trăm lượng vàng nhưng ông chủ hiệu vàng nổi tiếng Hà Nội xưa luôn rèn các con tính tự lập để có thể đứng vững trước mọi khó khăn, sóng gió của cuộc đời.

Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?

Gia đình ông chủ hiệu vàng nức tiếng Hà Nội xưa đón Tết thế nào?

“Càng về già, những người như chúng tôi lại càng sống bằng hoài niệm”- ông Phạm Ngọc Giao­ bắt đầu câu chuyện về cái Tết của gia đình mình trong những năm 40, 50……

Ngọc Trang - Vũ Lụa