Tìm hiểu sâu hơn về điểm di tích “Thiên tạo” với những cái chết bất thường, những mẫu chuyện chắp nhặt gợi tính ly kỳ trên chỉ bắt đầu được người dân đồn thổi khi chùa có nhiều người đến cúng vái lễ lạt, nhất là từ khi chùa được phục dựng dựng lại vào năm 2009...
Ẩn mình trong những tán cây, dưới chân núi Nga uốn lượn hình rồng như đang phun châu nhả ngọc ra biển đông là ngôi đền linh thiêng, kể về câu chuyện báo hiếu của người con trai với mẹ già. Cây đa đã hàng trăm năm tuổi vươn cành rộng lớn như đang bao bọc lấy ngôi chùa, với thế vững chãi.
Chuyện ly kỳ ám ảnh dân thường
Những lời đồn thổi và những chuyện kỳ bí xung quanh ngôi đền, khiến cả những người bạo gan nhất cũng phải rùng mình khiếp sợ, không dám mạo phạm đến “thần thánh” nơi đây nữa mà nhắc đến như một điều linh thiêng.
Lập bát hương thờ đền chùa “Thiên tạo”. |
Khu di tích được phủ lên mình một màu xanh của cây đa, với những cành cây to dài và vươn rộng ra như những cánh tay bao phủ lấy toàn bộ điểm tích “Thiên Tạo” xưa về bức tượng hình người mẹ bồng con. Cũng từ chuyện đồn thổi về sự linh thiêng của ngôi chùa trên mà người dân hễ đến những ngày rằm, ngày lễ đều lũ lượt dắt nhau lên làm lễ lạt cầu khấn, nhất là các học sinh vào kỳ thi cử.
Chuyện lạ làm ái ngại cả chính quyền địa phương, như lời ông Hoàng Văn Chính (cán bộ văn hóa xã) kể từ lúc những chuyện linh thiêng về vùng đất trên được người dân truyền tai nhau kể lại thì không còn ai dám đến xâm hại cảnh quan và đập phá cảnh chùa nữa.
Ở địa phương này, chùa Mẹ sỹ là một trong ba điểm linh thiêng tạo thành hình tam giác, ví như: hòn đá ông voi cách đấy tầm 20m về phía tây, cao hơn một chút là hòn đá ông bếp.
Ông Chính cho biết thêm, những người có ý mạo phạm đến điểm di tích thiên tạo trên đều bị trừng phạt bằng những cái chết lạ. Có người lấy đá ở khu vực trên về xây nhà, làm ăn không được yên ổn hoặc về xây chuồng lợn thì lợn thường bị ốm, bị bệnh, không chăn nuôi được, gia đình dễ gặp chuyện chẳng lành.
Trước đây, cách khu chùa mẹ sỹ tầm 40m, chúng tôi phát hiện có rất nhiều đồ cổ được chon cất, đó là những bát đĩa, bình vôi được xác định có từ thời Lý, Trần. Thấy lạ, người dân trong vùng đã đào bới phát hiện đến hàng trăm bình đựng vôi ở khu vực này, sau đó đã dập đất lại và lập miếu thờ.
“Chuyện xảy ra ở đây cứ như thật đấy chứ không hề ngẫu nhiên, linh thiêng thật đấy…”, ông Chính với vẻ mặt thất thần cho biết. “Cũng từ đó, không còn ai dám mạo phạm, thậm chí là chặt cành bẻ nhánh mà còn chăm nom công phu đến kỳ lạ. Họ mang cây cọc ra chống cành cây to đang vươn ra bề thế”.
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Chúng tôi cảm thấy như bị thuyết phục khi những lời của ông Chính khẳng định qua các câu chuyện về những cái chết chưa rõ nguyên nhân kia. Quả thực, câu chuyện về những cái chết được thêu dệt qua câu chuyện của ông Kiệt và ông Chính đã làm ý chí của chúng tôi bị lung lay.
Lập bát hương thờ “vong cây đa”. |
Tuy nhiên với quyết tâm tìm hiểu sự thật đến cùng, ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã lần tìm đến những gia đình có người chết trước đó mà “sát thủ” được cho là cây đa ở chùa Mẹ sỹ gây ra.
“Đây cũng là câu chuyện trên bàn chè nước theo kiểu đồn thổi, qua câu chuyện mà người dân trao đổi với nhau. Trên thực tế, cũng chưa ai có thể chứng minh được rằng những người chết trước đó là do cây đa gây ra…”, ông Đỗ Trọng Huy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết.
Khi được hỏi đã có ai vì thờ cúng và lễ lạt ở đây mà được học hành đỗ đạt chưa?, thì ông Kiệt bảo rằng: “Tuy không hẳn là sẽ đỗ đạt, nhưng nơi đây giúp các cháu có lòng hướng thiện, bớt đi tính nóng nảy và nguy hiểm khi đi ra xã hội. Tôi cũng muốn giữ gìn điểm di tích này nên trông nom mỗi ngày”.
Theo một số người dân địa phương, trước đây cũng chẳng ai để ý đến chuyện linh thiêng hay chuyện thần cây đa, ma cây gạo. Chuyện những ai có hành động mạo phạm đến “thần” nên bị xử nặng, cũng chỉ dừng lại ở tin đồn.
(Theo PLVN)