Đêm 1/9 (rạng sáng 2/9, theo giờ Hà Nội), thị trường chuyển nhượng mùa hè 2023 ở châu Âu kết thúc đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử bóng đá: 6 giải vô địch mạnh nhất chi tiêu vượt mức 6,2 tỷ euro để đầu tư cầu thủ mới.
Theo dữ liệu của Transfermarkt, đây là con số cao nhất trong lịch sử. Trên toàn thế giới, chi phí mà các CLB dùng để mua sắm nhiều hơn 7,6 tỷ euro, cũng là một kỷ lục.
Chỉ 3 năm sau khi đại dịch đẩy bóng đá châu Âu đến bờ vực sụp đổ, các giải đấu lớn đã tăng tốc chi tiêu.
La Liga đi ngược thế giới
Ở Anh, Đức, Ý và Pháp, những kỷ lục mới được ghi nhận. Trong 5 giải đấu lớn, chỉ có Tây Ban Nha chi tiêu hạn chế nhất vì đa phần các CLB chưa vượt qua được khó khăn về tài chính.
Lần đầu tiên kể từ 2013, La Liga chỉ xếp thứ 6 ở lục địa già về cấp độ đầu tư, với hơn 400 triệu euro được các chi trong suốt mùa hè.
Đứng trên La Liga là các giải đấu lớn khác của bóng đá châu Âu, cùng với Saudi Pro League - nơi chỉ kết thúc chuyển nhượng vào 20/9.
Năm 2019, trong thị trường cuối cùng trước khi đại dịch bùng phát, các CLB Tây Ban Nha giải ngân 1,54 tỷ euro (bao gồm cả hạng nhì).
Ngày ấy, khi chưa bị phát hiện các bê bối và khoản nợ hơn 1,3 tỷ euro, Barcelona chi tổng cộng 298,5. Nổi bật là Antoine Griezmann (120 triệu euro; đã trở lại Atletico) và Frenkie de Jong (86 triệu euro).
Sau 4 năm sau, con số này không đạt tới 1/3. Năm nay, chỉ có Real Madrid là chi mạnh tay, với kỷ lục trong lịch sử CLB dành cho Jude Bellingham (103 triệu euro, cùng điều khoản trả sau 20 triệu euro).
Năm ngoái, Barca thực hiện rất nhiều đòn bẩy kinh tế để có thể thực hiện các vụ mua sắm tổng trị giá 158 triệu euro. Phiên chợ này, chỉ 3,4 triệu chảy ra từ ngân sách gã khổng lồ xứ Catalunya.
Số tiền này được dành cho người cũ Oriol Romeu từ Girona để thay Sergio Busquets. Còn lại đều là hợp đồng tự do (Ilkay Gundogan, Inigo Martinez), hoặc mượn (Joao Felix, Joao Cancelo).
La Liga lý giải tình trạng này chủ yếu do 2 yếu tố. "Phần lớn các CLB đang ở thời điểm đầu tư khác so với trước đại dịch. Đầu tư vào tài sản gắn với tính lâu dài đang được ưu tiên, cải tạo các SVĐ, trung tâm thể thao. Ngoài ra, chúng tôi có cơ chế kiểm soát kinh tế, trong đó tính bền vững tài chính chiếm ưu thế. Các đội đã áp đặt một số quy tắc theo giá trị cơ bản là đầu tư và chi tiêu những gì họ có khả năng tạo ra cho mình".
Đồng thời, phía La Liga cũng cáo buộc các giải đấu khác như Premier League là "bóp méo thị trường và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của các đội về lâu dài". Sự "bóp méo" này đã dẫn đến một mùa hè kỷ lục.
Kỷ lục ở 4 giải đấu lớn khác
Premier League, Bundesliga và Ligue 1 đều phá kỷ lục chi tiêu trong lịch sử các giải đấu mùa hè năm nay.
Ngược lại, Serie A đạt được thu nhập cao nhất trong lịch sử giải đấu. Tuy nhiên, giải bóng đá Italy vẫn chưa phục hồi sau đợt suy giảm chung mà thị trường phải hứng chịu vào năm 2020.
Mùa hè này, Serie A - giải đấu có 3 CLB vào tứ kết Champions League mùa trước - đã giải ngân con số thấp thứ hai trong thập kỷ qua: hơn 845 triệu euro euro.
Hơn 2,7 tỷ euro được các CLB Premier League giải ngân. Mức phí này chiếm gần một nửa số tiền đầu tư vào chuyển nhượng của 5 giải đấu lớn ở châu Âu.
Trong số 7 đội chi nhiều nhất, 5 đại diện đến từ bóng đá Anh: Chelsea, Man City, Arsenal, MU và Tottenham. Hai đội khác là Al-Hilal từ Saudi Arabia và PSG của Pháp.
Chỉ riêng Chelsea chi nhiều hơn 20 CLB ở giải Tây Ban Nha. Đội bóng của tỷ phú Todd Boehly đầu tư 464,1 triệu euro để chiêu binh.
Một kỷ lục khác trong mùa hè này là lần đầu tiên các đội trả ít nhất 100 triệu euro cho 4 cầu thủ khác nhau trên cùng một thị trường: Declan Rice (116,6), Moises Caicedo (116), Jude Bellingham (103) và Harry Kane (100).
Việc Real Madrid ký hợp đồng với Bellingham từ Dortmund, trong bối cảnh vẫn dành ngân sách cho việc cải tạo sân Santiago Bernabeu, chiếm 25% chi tiêu của La Liga.
Real Madrid cũng là đại diện La Liga duy nhất thực hiện một bản hợp đồng vượt quá 25 triệu euro. Riêng Bilbao không tiêu một xu nào.
Đổi lại, bóng đá Tây Ban Nha thu 556,5 triệu euro từ bán cầu thủ, đạt lợi nhuận 116,65 triệu euro. "Sau đại dịch, thị trường mua bán cầu thủ sụt giảm, doanh số bán hàng giảm. Do đó hoạt động mua bán cũng giảm trong một hệ thống bền vững như của chúng tôi", La Liga giải thích.
La Liga đánh giá cao về tính bền vững kinh tế, nhưng những gì diễn ra rất đáng lo ngại. Sự quan tâm đến giải đấu, bao gồm truyền hình trực tiếp các trận đấu, có nguy cơ giảm đáng kể.