"Công ty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương"
6h sáng, lẳng lặng trong màn sương sớm là bóng dáng của một người đàn ông gầy gò cùng chiếc xe đẩy đi về phía bờ biển Cửa Đại, vừa đẩy xe, ông vừa nhặt từng mảnh rác bên đường. Ông là Nguyễn Thương (sinh năm 1960, trú phường Cửa Đại, TP Hội An).
Suốt 6 năm qua, ông Thương rong ruổi mọi nẻo đường ở phố cổ Hội An để nhặt rác. Ông còn vào tận những nhà có các cụ già hay trường học để giúp dọn dẹp mà không lấy một đồng thù lao nào.
"Công ty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương", hay ông Thương "khùng", "ông già rác" là tên gọi dí dỏm của người dân Hội An dành cho ông Thương mỗi khi được hỏi thăm. "Mọi người thấy tôi nhặt rác không công mà lại có trách nhiệm với môi trường nên gọi vậy đó. Mình làm việc nhỏ mà góp phần làm sạch môi trường thì vui lắm", ông Thương cười nói.
Không chỉ ra sức cống hiến, góp một phần cùng xã hội bảo vệ môi trường, ông Thương còn nhiều lần trăn trở về việc làm sao để có thể thay đổi ý thức của nhiều người về việc xả rác, từ đó cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường lâu dài và hiệu quả hơn.
"Trong số rác bị vứt bên đường, có cả chai nhựa, lon bia, hộp giấy... nên tôi gom lại bán lấy tiền và dành dụm mua sắt về làm một chiếc xe đẩy để nhặt rác được nhiều hơn", ông Thương chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần là chiếc xe để chở rác. Chiếc xe của ông còn có thông điệp rõ ràng với hai dòng biểu ngữ "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng".
Những thông điệp như là một lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay để bảo vệ môi trường. Với hành động của ông Thương, những câu thông điệp tuyên truyền đã dần có được kết quả. Trong 6 năm qua, hình ảnh ông già lom khom nhặt rác đã trở nên quen thuộc, mọi người hiểu chuyện nên càng quý ông hơn.
"Nhiều lần đi nhặt rác, anh em vệ sinh môi trường thấy tôi thì vẫy tay chào, rồi dừng lại cho tôi đổ rác, hàng xóm cũng tự giác bỏ rác vào thùng. Đường phố dần sạch sẽ hơn. Tôi rất vui vì điều đó", ông Thương bày tỏ. "Trốn nhà" đi nhặt rác
Chúng tôi theo chân ông đi nhặt rác. Ông vừa đi vừa kể về cơ duyên đến với nghề "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" này. Ông kể, vào 6 năm về trước, khi đang làm việc thì ông bất ngờ gục ngã vì căn bệnh tai biến quái ác.
Khi tỉnh lại thì tai của ông đã không còn nghe được, tay chân bị tê liệt. Ông nằm viện gần nửa năm nhưng bệnh không có gì tiến triển, gia đình đành đưa ông về nhà để chăm sóc.
"Lúc đó, ai cũng nghĩ tôi không thể đi được nữa, nhưng tôi cố gắng luyện tập để cải thiện sức khỏe. Ban đầu đi cứ té lên té xuống, nhưng đi nhiều thì cũng khỏe người, bệnh tật nó bắt đầu thuyên giảm", ông Thương nhớ lại.
Đi lại được rồi, ông nghĩ phải làm gì đó để trả ơn cho đời. Trong những lần đi tập thể dục, ông thấy ven đường có nhiều túi nilon nên nảy ra ý tưởng nhặt rác để bảo vệ môi trường.
Cứ thế, hàng ngày, người "bạn" luôn luôn đồng hành cùng ông mỗi khi ra khỏi nhà là 2 cái bao luôn được chứa đầy rác ở những nơi mà ông đi qua.
Có những người cảm thấy rất khó hiểu khi thấy ông lang thang để nhặt rác, có người còn cáu gắt khi bị ông nhắc nhở về việc xả rác, họ coi ông là "khùng", là rảnh việc, tuổi già không lo an thân còn đi làm những chuyện "rỗi hơi".
"Họ đồn tôi bị khùng, điên, vợ con nghe vậy ngăn cản nhưng tôi đã quyết tâm rồi, khi tôi hết đau là tôi sẽ đi làm việc nghĩa để trả ơn cuộc đời, chứ tôi có khùng, điên chi đâu", ông Thương nói.
Bất chấp những lời đồn thổi đó, ông Thương vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc "khùng điên" của mình mỗi ngày. Nhưng vì sợ gia đình phát hiện, phản đối nên ông đã "trốn nhà" đi nhặt rác.
Nhớ lại khoảng thời gian chồng mình bị đồn khùng điên, nửa đêm lang thang đi nhặt rác, bà Lê Thị Bảy (vợ ông Thương) tâm sự với giọng nghẹn ngào: "Lúc biết tin tôi khóc nhiều lắm. Tôi và con ngăn cản không cho làm nữa, nhưng mà ổng nói đi làm việc nghĩa cho xã hội chứ có làm cho ai đâu, kệ họ nói sao cũng được, mình cứ làm rồi từ từ mọi người sẽ hiểu", bà Bảy chia sẻ.
Chị Nguyễn Xuân Phương (con gái của ông Thương) còn nhớ như in những lời dè bỉu không hay về ba từ hàng xóm khiến gia đình chị bị tổn thương tinh thần rất nhiều.
"Họ bảo ba tôi bị khùng khiến tôi buồn lắm. Mẹ và chị em chúng tôi ra sức ngăn cản không cho ba làm nhưng ba vẫn không chịu", chị Phương nói.
Mặc cho những lời đồn thổi không hay, vợ cùng các con ra sức ngăn cản nhưng với quyết tâm trả chữ nghĩa cho đời, ông Thương đã thuyết phục gia đình để ông hoàn thành công việc đã hứa với lòng mình. Hiểu được tâm nguyện của ông, các con đã đồng ý và yêu cầu ông thay đổi giờ "làm việc" để bảo đảm được sức khỏe hơn.
Tấm gương bảo vệ môi trường
Tuy gia cảnh khó khăn, sức khỏe giảm sút, phải mang máy trợ thính và phải tốn hàng chục triệu đồng tiền thuốc men nhưng ông Thương lại thẳng thắn từ chối đề nghị hỗ trợ từ UBND phường.
"Tôi làm vì chữ nghĩa chứ có làm vì tiền đâu. Môi trường được sạch là niềm vui của tôi. Gần 2 năm nay, tôi bị bệnh nên cũng ít đi nhặt lại, cũng thấy thiếu thiếu. Nếu sức khỏe ổn định trở lại, tôi sẽ tiếp tục công việc này đến lúc không đi được nữa mới thôi", ông Thương chia sẻ.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An - cho biết, ông Thương từng là người lính đóng quân ở đảo Cù Lao Chàm. Mặc dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông đã từ chối.
"Ông nói việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện và muốn cống hiến cho Hội An. Gần 2 năm nay, ông Thương bị bệnh nên ít thực hiện lại việc nhặt rác, việc làm của ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo và nhân rộng", ông Sỹ nói.
Theo Dân trí
Cụ ông 70 năm nấu ăn, giặt giũ cho vợ: Giá mà người chết trước là tôi
Ngày bà mất, ông mất đi ý nghĩa cuộc đời. Thương nhớ bà, nhìn lên di ảnh, ông khóc như đứa trẻ, nói: “Nhớ lắm, thương lắm nhưng bất lực bà ơi! Sao người đi không phải là tôi”.