Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Thông tư này quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ…

Chuyển tiền online từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo Thông tư 09/2023/TT-NHNN, với giao dịch trong nước, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương. Giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương cũng phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung thông tin báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn khá chi tiết.

Theo đó, về thông tin của tổ chức tài chính khởi tạo và thụ hưởng, thông tin báo cáo gồm tên giao dịch của tổ chức hoặc chi nhánh giao dịch; địa chỉ trụ sở chính (hoặc mã ngân hàng đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, mã SWIFT đối với chuyển tiền điện tử quốc tế); quốc gia nhận và chuyển tiền.
Thông tin về khách hàng là cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có); quốc tịch (theo chứng từ giao dịch).

Thông tin về khách hàng là tổ chức tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm tên giao dịch đầy đủ và viết tắt (nếu có); địa chỉ trụ sở chính; số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; quốc gia nơi đặt trụ sở chính.

Thông tin về giao dịch gồm số tài khoản (nếu có); số tiền; loại tiền; số tiền được quy đổi sang đồng Việt Nam (nếu loại tiền giao dịch là ngoại tệ); lý do, mục đích giao dịch; mã giao dịch; ngày giao dịch;…

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, riêng các giao dịch chuyển tiền điện tử không phải báo cáo gồm: giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ; giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Trước đó, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền, mức giá trị giao dịch phải báo cáo là 300 triệu đồng. 
 
 Trong khi đó, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng).
 
 Theo Ngân hàng Nhà nước, việc quy định chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia…

Ngọc Tuân