Người tiên phong đưa cây chanh leo về Vĩnh Linh

Đi men theo con đường đồi dẫn đến vùng canh tác của Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ Tây Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), là trang trại trồng cây ăn quả của anh Trần Thanh Hảo, một trong những nông dân trồng giống chanh leo Đài Loan.

Vừa thấy chúng tôi, anh Hảo mừng rỡ cho hay,“Đây không biết là đợt ra quả thứ bao nhiêu của vườn chanh leo Đài Loan này”.

Anh kể, trước kia toàn bộ khu vườn này chỉ trồng cao su. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là cơn bão vào năm 2016 đã làm cho hơn 2 ha cao su của gia đình anh gần như bị gãy đổ hoàn toàn. Điều này khiến gia đình anh trắng tay. Thế nên, những năm trước đó, cái nghèo đói vẫn đeo bám.

Song bây giờ thì khác. Mới trồng chanh leo được 2 vụ,  anh nhẩm tính cũng đã lãi hàng chục triệu đồng. Đây là điều mà trước giờ gia đình ông không dám nghĩ tới.

“Đó là khi tôi được giới thiệu về mô hình trồng cây chanh leo và lời mời vào tham quan trực tiếp mô hình này tại gia đình một người bạn ở Gia Lai. Sau khi tận mắt chứng kiến  những cây chanh leo sai trĩu quả, tôi trở về nhà tìm tòi nghiêm cứu thêm về loại cây này.

Tôi quyết định chặt hết 2 ha cao su bị gãy đổ, đầu tư hơn 140 triệu đồng trồng 1.000 gốc chanh leo. Từ đó, tôi cũng trở thành người đầu tiên đưa cây chanh leo Đài Loan vào trồng trên địa bàn huyện”, anh nhớ lại.

Ban đầu khi mới đưa cây chanh leo về trồng , biết bao người bảo anh ‘liều’. Bởi theo họ, cây chanh leo không phải là loại cây xa lạ, chỉ trồng ăn chơi, còn trồng với quy mô lớn để làm kinh tế thì chẳng có ai.

{keywords}
Vườn chanh leo của anh Hảo mỗi năm thu về 15- 17 tấn/vụ.

Chỉ sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, thu hoặc lứa quả bói đầu tiên anh thu được hơn 5 tấn quả. Từ lứa thứ 2 trở đi, vườn chanh leo cho năng suất cao hơn, từ 15- 17 tấn/vụ. Trung bình mỗi năm anh thu hoạch 2 vụ chính, mang về  số tiền 300- 400 triệu đồng.

"Từ trước tới nay tôi đã trông biết bao nhiêu loại cây rồi, nhưng  đây có lẽ là loại cây cho năng suất cao nhất tại mảnh đất cằn cỗi này", anh chia sẻ.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để xóa đói giảm nghèo 

Anh Hảo kể, cuối năm 2019, anh quyết định cải tạo toàn bộ vườn chanh leo, trồng lại cây mới và chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ an toàn. Đây cũng là trăn trở của bản thân anh, bởi vườn chanh leo cũ đang có nguồn thu ổn định giúp gia đình anh xóa đói giảm nghèo, thì nay việc  trồng mới loại cây này sẽ khiến anh gặp không ít khó khăn.

“Tuy nhiên, xu thế phát triển của nông nghiệp hiện nay là cần chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ an toàn. Sản phẩm tạo ra không chỉ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mà còn nâng cao giá trị, tăng năng suất, từ đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh giải thích.

Trên 1 ha đất còn lại từ vườn chanh leo cũ, anh Hảo cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh và mở rộng thêm 1 ha.

Trước đó, vào năm 2018 sau khi tham gia vào HTX kinh doanh và dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy, anh Hảo đã trồng thử nghiệm 0,25 ha thanh long ruột đỏ. Ngoài ra còn có thêm 0,25 ha vải đã cho thu hoạch nhiều vụ.

Không chỉ có anh Hảo mà hiện nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xóa đói giảm nghèo, mở hướng phát triển kinh tế. Tiêu biểu nhất là các mô hình trồng cây ăn quả trên đất gò đồi tại các xã Vĩnh Thủy, Trung Nam, thị trấn Bến Quan…

Việc người nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho chính gia đình họ mà còn góp phần mở ra những hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp của địa phương nới đây; góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Thúy Hạnh
Ảnh: Lương Bằng