Những người bán chim quay tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – HN) thường dùng một gói “bột tạo màu” siêu rẻ 6.000 đồng để tẩm ướp chim.

Bột “phù phép” chim non thành “chim màu”

Theo chân các lái buôn về chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm – Hà Nội), PV vào vai một khách hàng chuyên săn lùng chim non về bán lẻ tại các trường học lớn của Hà Nội.

Tại đây, không ít các “cò mồi” nhanh nhảu mời chào: “Em cứ mua nhiều về bán, bán không hết thì cho vào tủ lạnh vô tư vì có cách bảo quản chim non lâu ngày mà không bị mùi thiu”.

Thêm vào đó, những thương lái chèo kéo đều cho biết, các đầu mối lớn nhập hàng ở Ninh Hiệp phần nhiều phục vụ cho nhu cầu ở các thành phố lớn, trong đó, đa số là người bán ở Hà Nội.

Dừng chân tại một “đầu nậu” chuyên cung cấp thịt chim non lớn nhất nhì của chợ, chúng tôi được mục sở thị cách tẩm ướp để cho “ra lò” một mẻ chim non có màu vàng bắt mắt.

Khu chế biến thịt chim quay nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, nơi ẩm thấp, tường mọc rong rêu và bám khói đen sì.

{keywords}

2 can bột màu dùng để tẩm ướp chim non tại nhà chị H. (Gia Lâm, Hà Nội)

Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là các dụng cụ nồi, niêu, xoong, chảo, chậu… được bày chềnh ềnh dưới lối đi. Dụng cụ nào cũng cáu đen vì lâu ngày không được kỳ cọ.

Khi PV ngỏ ý muốn mua chim sống về tự làm, cô H. rỉ tai: "Nếu giao hàng nguyên con lúc còn sống thì sẽ không thể qua mặt được cơ quan chức năng vì chưa qua kiểm dịch.

Hơn nữa, nếu tự làm thì sẽ không có lãi vì khách hàng ưa chuộng “chim vàng ươm” ngon miệng hơn, bắt mắt hơn".

Nói rồi, cô chỉ tay về phía góc tường ẩm mốc, nơi có 2 can đựng nước đỏ như gấc đang đặt gần nhau, cô H. bật mí: "Muốn chim non có màu đẹp, bắt mắt lại có mùi thơm thì phải dùng đến “bột tạo màu”".

Thứ bột “phù phép” chim non thành “chim màu” này được cô H. tiết lộ có tên là bột hoa hiên, cô vẫn mua với giá siêu rẻ chỉ 6.000 đồng/gói. Sau khi mua bột về, chủ hộ kinh doanh có thể pha ra thành 2 can, mỗi can đổ đầy 5 lít nước cùng với bột tạo màu.

“Mỗi lần dùng đổ một chút xíu thôi đã lên màu, 2 can này dùng được quanh năm không hết” – cô H. thành thật chia sẻ.

{keywords}

Bột màu này giá siêu rẻ chỉ 6.000 đồng/gói được dùng cho cả năm chế biến.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, loại bột này không có nhãn mác hay bao bì sản phẩm, cũng như không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt, nó rất lâu bay màu.

Do tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với bột tạo màu, hai bàn tay nhem nhuốc của cô H. lúc nào cũng “vàng như nghệ” dù cô có đánh rửa, lau chùi đi chăng nữa.

Mặc dù cô H. cho hay, loại bột này rất dễ dàng mua, có đầy rẫy ở ngoài chợ, tuy nhiên, khi PV hỏi mua, tất cả các cửa hàng tạp hóa hay cửa hàng hóa thực phẩm đều lắc đầu trả lời “không bán”.

Một lái buôn sành sỏi lý giải: “Bột này mua hiếm lắm, nếu không quen lấy tại đầu mối thì không thể mua được!”.

{keywords}

Một chú chim non sau khi tẩm ướp, quay giòn, đem ra chợ bán có giá 20.000 đồng/con to, 10.000 đồng/con nhỏ.

{keywords}

Các chuyên gia về thực phẩm khuyên: Người tiêu dùng không nên ăn, mua thực phẩm ngoài vỉa hè.

Phải truy nguồn gốc từ đâu

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết:

“Sử dụng bột tạo màu để làm lên màu trong thực phẩm thì cần phải xem xét kỹ, xem chất tạo màu đó là chất gì, có nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng hay không?”.

Theo PGS. TS Thịnh, thông thường, nếu bột hoa hiên mà lái buôn dùng có nguồn gốc tự nhiên thì chẳng có vấn đề gì, cũng giống như ta ăn củ nghệ, củ gừng vậy.

Tuy nhiên, “họ cứ gọi là bột hoa hiên nhưng thực chất lại là bột hóa học thì phải truy nguồn gốc từ đâu, là cái gì?! Nếu đúng là bột hóa học thì rất độc. Bởi đã là bột màu thì phải ghi tên, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Ông Thịnh cũng nhấn mạnh, với các sản phẩm không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, các cơ quan quản lý có quyền xử lý theo luật.

Cục Quản lý thị trường của Bộ Công thương cần có cơ chế xử phạt bằng cách tịch thu sản phẩm hoặc xử phạt vi phạm hành chính.

“Đứng về góc độ người tiêu dùng, khi sử dụng bột hoa hiên không rõ xuất xứ, nguồn gốc, họ thường có chung tâm lý lo ngại. Đây cũng là một nỗi lo luôn thường trực ở người tiêu dùng” – ông Thịnh nói.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho rằng, nếu không rõ nhãn mác, nguồn gốc, các hộ kinh doanh có thể sẽ trà trộn, người dùng không thể phân biệt được.

“Vấn đề cơ bản nó có đúng là bột tự nhiên hay không. Nếu khẳng định, chứng minh được bột đó là tự nhiên thì rất tốt, nhưng nó lại không có nhãn mác nên mình cần xem xét: Liệu đây có đúng là bột hoa hiên hay nó lại là một chất khác?” - bà Lâm băn khoăn.

Vị chuyên gia về dinh dưỡng này cũng khuyên nhủ người tiêu dùng không nên ăn hay mua đồ ăn ở các quán vỉa hè vì không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm như ô nhiễm vi sinh vật hay bát đũa rửa không sạch hoặc nguồn thực phẩm không tươi ngon.

{keywords}

Những chảo dầu chế biến chim đều đen quánh vì được chiên đi, chiên lại đã có mùi khét lẹt.

{keywords}

Những mâm chim quay được bày bán ngay cạnh thùng rác thải hôi thối, gây mất mỹ quan và vệ sinh an toàn thực phẩm.

{keywords}

Bán chim quay đang mang đến cho dân kinh doanh một món lời kếch xù bởi họ có thể lãi từ 10 - 15.000 đồng/con.

Trong buổi giao lưu trực tuyến “Người Việt ăn gì để không chết vì ung thư” do Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức, BS Nguyễn Thị Thế Thanh, BS chuyên khoa II, PGĐ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai đã tư vấn rằng:

“Những thực phẩm có phẩm màu như chất tạo màu trong kẹo, bánh, thực phẩm ăn nhanh, thịt quay, trà chanh, trà sữa chân trâu cũng rất nguy hại cho sức khỏe.

Nên tránh những thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán vì dầu mỡ chiên rán nhiều lần đã bị oxy hóa cũng là một trong nguyên nhân gây ung thư rất lớn”.

Theo các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng thực phẩm chứa phẩm màu tổng hợp lâu dài có những nguy hại cho sức khỏe, như gây mầm bệnh u não, ung thư bàng quang, dị ứng, hen suyễn...

Trên tờ Lao động, bác sĩ Nguyễn Tiến Hoà, Sở Y tế Hà Nội, cho biết:

Việc sử dụng phẩm màu không có trong danh mục cho phép và sử dụng không đúng liều lượng có thể gây hậu quả tức thời như các trường hợp ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong.

Phẩm màu nhân tạo ít gây ngộ độc cấp tính mà gây độc do tích luỹ từ các liều lượng rất nhỏ. Nguyên nhân ngộ độc phẩm màu chiếm 15%.

Tỷ lệ này mới chỉ phản ánh được con số bị ngộ độc cấp tính, còn số người bị nhiễm độc phẩm màu mạn tính thì khó có thể thống kê hết được.

Các thử nghiệm đã chứng minh, một số phẩm màu tổng hợp là chất gây ung thư và đột biến gene.

Một nghiên cứu mới đây của Sở Y tế cho thấy, mặc dù không thích, nhưng vẫn có 63,2% người tiêu dùng ăn thức ăn nhuộm màu do bất đắc dĩ.

52,6% cảm thấy quen thuộc với màu sắc đó và 20,3% người tiêu dùng mua phẩm màu ở chợ về chế biến thức ăn.

(Theo Trí Thức Trẻ)