CNTT nằm trong nhóm ngành có mức học phí cao nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố mức học phí đại học đối với khóa sinh viên hệ đại học chính quy sẽ nhập học năm 2017 (khóa 62), chế độ miễn giảm học phí và chính sách học bổng mới.

Cụ thể, mức học phí cho giai đoạn 2017 - 2020 áp dụng đối với các sinh viên đại học hệ chính quy sẽ nhập học năm 2017 được ĐH Bách khoa Hà Nội quy định theo 4 nhóm ngành đào tạo chính quy đại trà cùng các chương trình đào tạo đặc biệt của trường.

Theo đó, trong 4 nhóm ngành đào tạo chính quy đại trà của ĐH Bách khoa Hà Nội, các nhóm ngành Cơ điện tử, Điện-Điều khiển-Tự động hóa, Điện tử-Viễn thông, CNTT, Kinh tế-Quản lý, Ngôn ngữ Anh có mức học phí giai đoạn 2017 - 2020 cao nhất, với các mức học phí của khóa sinh viên K62 trong 3 năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019 và 2019 - 2020 lần lượt là 320.000 đồng, 360.000 đồng và 400.000 đồng/Tín chỉ học phí.

Với các chương trình đào tạo đặc biệt của ĐH Bách khoa Hà Nội, chương trình tiên tiến CNTT Việt - Nhật có mức học phí giai đoạn 2017 - 2020 cao hơn cả, với mức học phí lần lượt 460.000 đồng/tín chỉ học phí (năm học 2017 - 2018), 500.000 đồng/Tín chỉ học phí (năm học 2018 - 2019) và 460.000 đồng/tín chỉ học phí (năm học 2019 - 2020).

ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, học phí được tính theo số Tín chỉ học phí của các học phần được sinh viên đăng ký học ở mỗi học kỳ. Đối với sinh viên học theo tiến độ bình thường, một năm học tương đương khoảng 50 Tín chỉ học phí đối với các ngành Kỹ thuật-công nghệ, khoảng 40 Tín chỉ học phí đối với các ngành Kinh tế - quản lý và Ngôn ngữ Anh. Như vậy, mức học phí đối với các ngành đào tạo đại trà đều thấp hơn mức trần do Chính phủ quy định từ 20 - 40%; mức học phí bình quân cũng nằm dưới mức dự kiến nhà trường đã công bố trong Đề án được Chính phủ phê duyệt (14,4 triệu đồng so với dự kiến 16 triệu đồng đối với năm học 2017 - 2018).

Theo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của ĐH Bách khoa Hà Nộiđã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2016, nhà trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm…

Về học phí, theo Đề án này, ĐH Bách khoa Hà nội thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo Nghị định 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy tại ĐH Bách khoa Hà Nội năm học 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2017 - 2018 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2018-2019 là 18 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trong thông báo về mức học phí đại học đối với khóa nhập học năm 2017, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, trên quan điểm coi sinh viên là chủ thể và trung tâm của mọi hoạt động, trường cam kết sử dụng nguồn thu học phí với hiệu quả cao nhất nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên. “Toàn bộ phần tăng thu học phí hàng năm sẽ được sử dụng để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, phòng học và phòng thí nghiệm, cải thiện các điều kiện và môi trường học tập cho sinh viên”, thông báo của ĐH Bách khoa Hà Nội nêu rõ.

Về chế độ miễn giảm học phí, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, trường thực hiện đầy đủ chế độ miễn, giảm học phí cho sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí đào tạo đại học đại trà của trường với mức học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập tại Trường, từ năm học 2017 - 2018, ĐH Bách khoa Hà Nội áp dụng chính sách mới: cấp Học bổng hỗ trợ học tập với 2 mức gồm Học bổng toàn phần có trị giá tương đương 100% học phí chương trình đại trà và Học bổng bán phần ở mức 50% tương ứng.

Với sinh viên khóa mới, điều kiện được xét cấp học bổng là gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các em nằm trong tốp 30% thí sinh trúng tuyển có kết quả cao nhất theo từng nhóm ngành. ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết để các em đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp học bổng ngay từ tháng 5/2017.

Ngoài ra, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng xét tặng Học bổng khuyến khích tài năng cho những sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc nhất hằng năm. Đặc biệt, các tân sinh viên K62 đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, các kỳ thi khoa học kỹ thuật, thể thao, văn hóa, văn nghệ cấp quốc gia sẽ được xét tặng Học bổng khuyến khích tài năng để động viên, khuyến khích các em phát huy năng lực học tập và tài năng cá nhân tại trường.

Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện việc xét tuyển đại học hệ chính quytheo Nhóm trường GX. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường là hơn 6.200 sinh viên cho 15 nhóm ngành, 6 chương trình tiên tiến cùng 10 chương trình đào tạo quốc tế. Trong đó, chỉ tiêu của các chương trình tiên tiến là 390 sinh viên và chỉ tiêu của các chương trình đào tạo quốc tế là 500 sinh viên. Chỉ tiêu tuyển sinh các nhóm ngành Điện tử Viễn thông (KT21), CNTT (KT22), Toán - Tin (KT23) và Điện Điện - Điều khiển và Tự động hóa (KT24) của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay lần lượt là 500, 500, 120 và 700 sinh viên.