- Năm nay tôi đã ngoài 70 tuổi, có ba người con trai và một con gái, tất cả đều đã lập gia đình. Tuy nhiên 2 người con lớn đi nước ngoài định cư, còn con gái út vẫn sống cùng tôi do chồng đi làm ăn xa. 

Tôi thương con gái vì trong khi cả hai anh đều giàu có, thành đạt nhưng không ngó ngàng gì tới cha và em, thì con gái tôi phải lăn lộn, bươn chải. Con rể tôi mồ côi, quê tận vùng miền núi xa xôi, đi làm phụ xe đường dài Bắc Nam không kiếm được nhiều tiền.....

Nay tôi muốn làm di chúc cho con gái tôi thừa kế toàn bộ nhà cửa và tài sản của tôi để lại có được không? Tôi có quyền chỉ cho con gái tôi thừa kế không? Cảm ơn luật sư tư vấn.

{keywords}
Con gái tôi sống vất vả nhất nên tôi muốn cho con thừa kế (Ảnh minh họa)

Điều 631 Bộ luật Dân sự 2005 quy định “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình” nên bạn có thể lập di chúc để lại toàn bộ di sản thừa kế cho riêng một người.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn 70 tuổi, có nhà và tài sản và có 3 người con. Tuy nhiên, không có thông tin là vợ/chồng bạn còn sống không. Nếu vợ/chồng còn sống, tài sản bao gồm nhà và tài sản là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng thì việc định đoạt (lập di chúc) phải tuân theo qui định của khoản 2 điều 223 BLDS: "Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật." Việc thỏa thuận này phải thực hiện theo trình tự, thủ tục lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.

Nếu bạn muốn để lại di chúc toàn bộ nhà đất và tài sản thì cần phải được sự đồng ý của vợ/chồng. Khoản 2 Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.

Luật Hôn nhân gia đình 2014, “Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

Quyền để lại di chúc là quyền của bà và chồng bà, không liên quan đến những người con.

Trong trường hợp tài sản và quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bạn thì theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng được quy định tại Điều 44 Luật hôn nhân và gia đình như sau:

- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Theo quy định nêu trên, quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bạn thì bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng đó, chồng và con bà không có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến tài sản.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc