Hầu như học tập và phát triển ở môi trường trong nước, Đỗ Phương Nhi đã trau dồi và bứt phá ngoạn mục kể từ lần biểu diễn năm 2011.

Hòa nhạc Toyota năm nay mang đến một nhạc mục hấp dẫn hơn hẳn mọi năm, với các tác phẩm "ra tấm ra món". Thay vì một loạt những bài nhỏ quen thuộc, chương trình giới thiệu một tác phẩm mới khá thú vị "Âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng" (Music for Symphony Orchestra) của  Akutagawa Yasushi. Nhà soạn nhạc kiêm chỉ huy người Nhật này từng đến Xô Viết năm 1954, gặp gỡ và kết bạn với những gương mặt hàng đầu của âm nhạc cổ điển thế kỉ 20 như Shostakovich, Khachaturian, Kabalevsky. 

{keywords}
Nhà hát TP.HCM đã chào đón một chương trình hay bất ngờ.

Tác phẩm của ông mang đến một màu sắc tươi mới và rực rỡ, gây được sự ngạc nhiên lớn cho khán giả. Cấu trúc của nó khá đặc biệt với 2 chương, nhấn mạnh ưu thế của dàn dây và kèn đồng. Chương 1 nhẹ nhàng và lãng mạn, hoàn toàn đối lập với chương 2 mạnh mẽ và dứt khoát đến khó tin. Sự đối lập này cũng chính là một điểm đặc biệt trong âm nhạc của Shostakovich - người mà Yasushi vô cùng ngưỡng mộ. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã chơi tốt trong một tác phẩm lần đầu được trình diễn. 

Nhưng đó chưa phải là phần bất ngờ nhất của chương trình. Bất ngờ lớn nhất đến từ Đỗ Phương Nhi, nghệ sĩ violin 15 tuổi của Việt Nam. Hầu như học tập và phát triển ở môi trường trong nước, Đỗ Phương Nhi đã trau dồi và bứt phá ngoạn mục kể từ lần biểu diễn năm 2011 khi em chơi bản "Introduction and Rondo Capriccioso” của nhà soạn nhạc người Pháp Saint Saens. Vẫn là khả năng biểu cảm cực kì ấn tượng, nhưng tốc độ và sức mạnh của cánh tay đã thay đổi hoàn toàn. Lần này Nhi lại chọn một bài khó - Concerto cho Violin cung Rê trưởng của Tchaikovsky.

 Phương Nhi chơi chương 1 - Concerto cho Violin cung Rê trưởng của Tchaikovsky. 

Cô bé 15 tuổi đã chơi vô cùng xuất sắc, thể hiện được nhiều sắc thái của tác phẩm với tiếng đàn đẹp, chững chạc và sâu lắng. Âm nhạc lãng mạn và giàu hình ảnh của nhà soạn nhạc người Nga cũng tỏ ra thích hợp với Phương Nhi. Ở phần cuối của chương 1, Nhi trình diễn một màn độc tấu lôi cuốn cả những khán giả khó tính nhất bằng lối chơi tự tin, say đắm, phô bày khả năng dẫn dắt cũng như đối đáp với dàn nhạc.

{keywords}

Nhi chơi rất xuất sắc tác phẩm khó dành cho violin của Tchaikovsky. Khán giả sẽ còn gặp lại em với "Bài ca chim ưng" của nhạc sĩ Đàm Linh (từng được Bùi Công Duy, Lê Hoài Nam biểu diễn) trong hòa nhạc Điều còn mãi 2013 ngày 2/9 tới.

Với phần kết ấn tượng bằng Overture 1812, hòa nhạc Toyota năm nay thực sự là một buổi trình diễn có chất lượng cao và rất đáng nghe. Nhạc mục đẹp, soloist chơi biểu cảm, dàn nhạc vững và đều tay từ bộ gõ, bộ hơi đến dàn dây. Chương trình này đã đi từ những buổi hòa nhạc dành cho số đông với "góc chỉ huy" và những bản nhạc nhỏ quen thuộc tới vùng đất của nghệ thuật đỉnh cao thuần túy mà vẫn dẫn dắt được khán giả đại chúng theo cùng. Khán giả hưởng ứng chương trình vô cùng nồng nhiệt khiến chỉ huy Honna Tetsuji phải ra sân khấu đến 6 lần và chơi bis 2 bài. 

Điều đáng tiếc nhất trong buổi hòa nhạc tối 30/7 tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh là sự trống trải của những hàng ghế đầu (có lẽ dành cho khách mời) và tiếng lạch xạch của máy ảnh. 

Những tay máy TP.HCM rõ ràng là thiếu kinh nghiệm chụp concert hơn ở Hà Nội. Nếu như tại Nhà hát lớn, hiếm hoi chỉ có vài tay máy lỡ bấm những shoot đơn lẻ trong khi nghệ sĩ đang độc tấu (thông thường chỉ nên chụp ở khoảng nghỉ giữa bài, giữa chương), thì trong buổi biểu diễn tối 30/7, có ít nhất 3 nhiếp ảnh bắn hình liên tục trong khi Nhi đang chạy những nốt khó. Rất may Đỗ Phương Nhi đã đủ bản lĩnh để vượt qua sự phiền phức và làm nhiễu âm thanh này. 

{keywords}


Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire