Hôm 11/7, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nintendo Satoru Iwata qua đời do chứng bệnh hiếm gặp liên quan tới ống dẫn mật. Sự ra đi đột ngột của ông ở tuổi 55 đã gây sốc làng game nói riêng và giới công nghệ nói chung.
Ông được xem là “tượng đài” của ngành công nghiệp game và cũng là một trong những người viết nên lịch sử ngành game thế giới.
Con người của những bước đi táo bạo
Ông Iwata là Chủ tịch Nintendo đầu tiên không thuộc gia đình nhà sáng lập Yamauchi. Người tiền nhiệm của ông, Hiroshi Yamauchi, nổi tiếng vì không bao giờ chơi game video. Tuy nhiên, ông Iwata là một game thủ. Ông khởi nghiệp là lập trình viên game tại HAL Laboratary trước khi trở thành Chủ tịch Nintendo. Chỉ mất 2 năm để ông đạt tới chức vụ cao nhất tại Nintendo.
Nhưng khi ấy, ông phải tiếp quản một Nintendo đang khó khăn. Bị Sony qua mặt và đối diện với Microsoft mới mẻ, gã khổng lồ một thời của ngành game đột nhiên gặp phải hai đối thủ sừng sỏ. Ông nhanh chóng nhận ra Nintendo không thể nào giành thắng lợi nếu đối đầu trực diện. Microsoft và Sony luôn đủ khả năng chi nhiều hơn để sản xuất các game console mạnh mẽ hơn và bảo đảm nhiều game độc quyền hơn.
Vì vậy, ông Iwata đã thay đổi cuộc chiến. Thay vì đấu tranh vì một nhóm game thủ hạng nặng, công ty nhắm đến thị trường rộng lớn hơn: "mọi người khác". Mục tiêu của Nintendo là mở rộng định nghĩa “game thủ”. Ván bài của ông bày ra với Nintendo DS và Wii đặc biệt thành công nhưng vào thời điểm đó, không nhiều người dự đoán được điều này.
Nintendo DS đối đầu với Sony PlayStation Portable (PSP) năm 2004. Thiết bị của Sony tinh tế và mạnh hơn hẳn, trong khi của Nintendo chỉ là một khối nhựa xấu xí. Sony quảng bá PSP còn hơn cả thiết bị chơi game mà còn là hệ thống giải trí có thể chơi nhạc và xem phim, còn DS chỉ chơi được game.
Dù vậy, DS sở hữu một thứ mà PSP không có: Màn hình thứ hai cũng là màn hình cảm ứng. Trước khi Apple biến màn hình cảm ứng thành tiêu chuẩn cho smartphone và tablet, Nintendo đã biết được cảm ứng giúp giao diện mượt mà và hấp dẫn hơn với những người không phải game thủ thuần túy hơn là bộ điều khiển (controller). Các tựa game như “Brain Age” và “Nintendogs” khiến ngay cả người chưa từng chơi game cũng thấy say mê.
Ông Iwata và Nintendo tiếp tục lặp mẹo này với Wii. Một lần nữa, Nintendo gặp đối thủ mạnh hơn: Microsoft Xbox 360 và PlayStation 3 đều có đồ họa sắc nét, dịch vụ chơi game trực tuyến mở rộng, nhiều tựa game “hot” như “Grand Theft Auto” và “Call of Duty”. Còn Wii? Wii có cái tên ngộ nghĩnh và controller kỳ lạ. Song Wii lại mở ra cách chơi game hoàn toàn mới, trải nghiệm mới mẻ không ai bắt kịp.
Cách tiếp cận tự nhiên và thân thiện của Wii phù hợp với Nintendo và ông Iwata. Ông bắt đầu loạt chương trình trên YouTube có tên “Nintendo Direct”, kênh cung cấp tin tức trực tiếp tới game thủ. Ông còn xuất hiện trong loạt bài phỏng vấn “Iwata Asks”, nơi ông đích thân phỏng vấn các lập trình viên về game mới nhất của họ. Chương trình đặc biệt được ưa chuộng trong cộng đồng người hâm mộ vì họ luôn háo hức với bí mật và câu chuyện “thâm cung bí sử” trong quá trình phát triển game “tủ”.
Giai đoạn khó khăn
Tuy nhiên, các bước đi táo bạo của ông Iwata không phải lúc nào cũng hiệu quả. Wii tận hưởng thành công nhanh chóng nhưng cũng sớm chững lại. Sản phẩm kế nhiệm Wii U “yểu mệnh” ngay từ khi mới bắt đầu. Sự ra đời của nó làm nhiều người nhầm tưởng đây là phụ kiện của Wii chứ không phải thiết bị hoàn toàn mới. Điều khiển màn hình cảm ứng trên Wii U cũng không gây ấn tượng cho những ai đang dùng iPad.
Sự trỗi dậy của game mobile cũng bắt đầu đưa đến các câu hỏi liệu thiết bị chơi game cầm tay của Nintendo có thực sự cần thiết. Tháng 3 năm nay, Nintendo thông báo quan hệ hợp tác với nhà sản xuất game di động DeNA. Dường như cuối cùng công ty cũng phải chịu thua áp lực để mang game của mình lên smartphone, tablet. Song như mọi lần, kế hoạch của ông Iwata có chút khác biệt.
Ông dẫn lý do game di động và game trên console rất khác biệt: thứ hoạt động trên cái này không nhất thiết phải có mặt trên cái khác. Vì vậy, Nintendo sẽ không mang các tựa game sẵn có lên di động mà tạo ra game mới tinh với hệ thống nhân vật phong phú.
Nhưng có lẽ ván bài tham vọng nhất của ông Iwata chính là nền tảng “chất lượng cuộc sống” mà ít người biết tới. Cuối năm 2014, ông vạch ra các gạch đầu dòng cho nền tảng mới, giúp người dùng theo dõi sức khỏe của họ. Thiết bị đầu tiên sẽ là máy theo dõi giấc ngủ để đặt bên giường và gửi dữ liệu đến điện thoại.
Chúng ta phải chờ thời gian trả lời câu hỏi liệu hướng đi mới có giúp gì cho Nintendo. Có một hàng dài các nhà phân tích nghi ngờ động thái bất thường của công ty có thể gặt hái thành công. Dù vậy, lịch sử đã chứng minh bạn không thể loại bỏ Nintendo ra khỏi cuộc chơi. Đó chính là di sản quý giá nhất Satoru Iwata để lại.