Có thể khẳng định chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại diễn ra quyết liệt, đồng bộ, bài bản thu được nhiều kết quả quan trọng như hiện nay.

Một trong những bài học được rút ra để phòng, chống tham nhũng hiệu quả là việc bảo vệ an toàn cho người tố giác tham nhũng nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng.

Những con số thống kê được trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, do Bộ Chính trị tổ chức ngày 30/6/2022 phần nào cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, công cuộc chống “giặc nội xâm” cũng còn những khoảng trống, hạn chế nhất định, cần được khắc phục, giải quyết kịp thời.

Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. 

Nguyên nhân của tình trạng này, đầu tiên có thể kể đến là việc có lúc, có nơi còn chưa thực sự coi trọng ý kiến phản biện, kiến nghị, tố cáo của người dân, thể hiện từ việc tiếp nhận đến xử lý thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trên thực tế, dù đã có những quy định rõ ràng về việc tiếp nhận phản ánh của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tình trạng qua loa, đại khái, tắc trách, bàng quan, vô cảm vẫn diễn ra ở một số nơi khiến người dân không khỏi bức xúc, từ đó ảnh hưởng tới niềm tin vào các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng.

Thực tế đã cho thấy, nguy cơ tham nhũng tăng cao đáng kể ở những nơi mà người tố giác về hành vi sai phạm không được bảo vệ, hỗ trợ. Việc bảo vệ người tố giác được áp dụng cả ở khu vực tư và khu vực công đặc biệt các trường hợp liên quan đến hối lộ.

Trong thời gian qua, các công cụ quốc tế nhắm tới việc đấu tranh chống tham nhũng đã nhận thức được sự quan trọng của cơ chế bảo vệ người tố giác như một trong những yếu tố cấu thành một khuôn khổ chống tham nhũng hiệu quả.

Những yêu cầu về việc bảo vệ người tố giác đã được đưa ra trong Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, sự khuyến nghị của OECD năm 2009 của Hội đồng về việc đấu tranh chống hối lộ của nhân viên ngoại giao công trong sự chuyển đổi kinh tế quốc tế, Khuyến nghị của OECD năm 1998 về cải thiện quy tắc đạo đức trong dịch vụ công, Hội đồng dân sự Châu Âu và Công ước Luật Hình sự về tham nhũng...

Người chống tham nhũng nói chung và người tố giác các hành vi tham nhũng nói riêng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập... Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, việc bảo vệ an toàn cho người tố giác tham nhũng nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là yêu cầu bức thiết. 

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV