- Trong 25 năm qua, cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" đã bị biến tướng thành cuộc đổi chác bất minh, với khung pháp lý quá lỏng lẻo, khiến dự án BT đụng đâu sai đấy.

Hơn 3.800 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm phải xử lý mà Kiểm toán Nhà nước vừa qua công bố sau kết quả kiểm toán các dự án BT (Xây dựng- chuyển giao) vừa qua có thể chỉ là bề nổi. Sau con số này được công bố, câu chuyện về BT và các tranh luận về tồn tại của cơ chế này đã trở thành điểm nóng ở nhiều diễn đàn.

Một lo ngại mà các chuyên gia và cả lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã bày tỏ, liệu rằng cơ chế BT có phải là mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh tham nhũng, hối lộ và tiêu cực? Chúng ta cần một hành lang pháp lý như thế nào để hoàn chỉnh, khắc phục những lỗ hổng trong cơ chế BT hiện nay? 

Trước đó, kết quả kiểm toán gần đây của Kiểm toán Nhà nước đối với 21 dự án đã kiến nghị tổng giá trị tài chính phải xử lý đã lên tới con số hơn 3.800 tỷ đồng, tương đương với 12,54% tổng giá trị được kiểm toán. Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 15 dự án BT và cả 15 dự án đều có vấn đề. Trong số này, có tới 14 dự án theo hình thức chỉ định thầu.

Trước những câu hỏi thời sự trên, VietNamNet tổ chức chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Sai phạm tràn lan, bịt lỗ hổng BT như thế nào?”

Chương trình có sự tham dự của ba khách mời:

- GS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

- PGS. TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước

- Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo dõi chương trình talkshow tại 3 video sau:

Video 1:

Phần 1 Bàn tròn BT- đổi đất lấy hạ tầng

 

Video 2: 

Video 3:

Mời bạn đọc xem bản text toàn bộ chương trình dưới đây:

LỖI KÉP MẤT NGÀN TỶ

Nhà báo Phạm Huyền: Mở đầu bàn tròn, xin được nghe quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, người nghiên cứu sâu về chính sách đất đai. Thưa ông, để nói một cách ngắn gọn, ông có quan sát như thế nào về những ưu và nhược điểm đối với hình thức BT hiện nay?

GS Đặng Hùng Võ: Có thể thấy rằng, đối với nước ta, giai đoạn chưa phát triển hay thậm chí là kém phát triển, ngân sách rất hạn hẹp. Trong khi đó, muốn đất nước phát triển thì hạ tầng phải phát triển, bởi hạ tầng càng lớn mạnh thì khả năng thu lợi từ quá trình phát triển sẽ càng lớn hơn.

Thành ra, địa phương nào cũng muốn dồn dập có tiền để đầu tư hạ tầng. Nhưng như tôi nói, ngân sách lại hạn chế, phần nuôi sống toàn dân đã chật vật lắm rồi, tiền ngân sách không đủ để đầu tư cho hạ tầng, cho các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất...

Vậy phải làm sao kiếm ra tiền? Bấy giờ, người ta nói, thôi không có tiền thì chúng ta đổi bằng cái khác để mặc dù, không có tiền cũng làm được, chính là, đem đất đi đổi. Có thể thấy rằng, đó là giải pháp để đầu tư hạ tầng khá nhanh và kéo theo, làm cho nền kinh tế được lợi ích nhiều hơn. Đấy là mặt lợi rất rõ chúng ta có thể thấy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng với một hình thức BT- đổi đất lấy hạ tầng, một dạng thương mại gọi là “hàng đổi hàng” thì điều quan trọng là, hàng đổi này giá trị bao nhiêu, hàng đổi lại kia giá trị bao nhiêu? Và thường trong thương mại "hàng đổi hàng", người ta thường dựa vào ý thích của hai người đổi với nhau. Ông này thích đất ông kia thích hạ tầng, hai ông đều có cái thích cả nhưng vấn đề là thích như thế nào thì pháp luật phải quy định cái thích đó. Tuy nhiên, việc đó rất khó.

Chính vì vậy, người ta lợi dụng cái thích đó mà đổi cho nhau, miễn sao vui vẻ. Trong cái vui vẻ đó, có phần chung và phần riêng. Nhưng tiếc rằng, phần riêng xen kẽ vào đấy nhiều hơn và nó thể hiện ra rằng, có rất nhiều tiêu cực ở trong đó.

Nếu kiểm soát không lành mạnh, không chặt chẽ, không đầy đủ và việc hàng đổi hàng này cứ như vậy phát triển thì cơ chế BT sẽ dẫn đến tiêu cực rất lớn. Hay nói cách khác là trong quá trình đổi chác này, có phần nào bị đút vào túi riêng hay không hoặc ít nhất là có sơ hở, trình độ kém cũng có thể xảy ra lãng phí. Đấy chính là những nét khái quát nhất về BT.

Nhà báo Phạm Huyền: Cám ơn GS Võ. Thưa ông Trần Kỳ Sơn, BT cũng là một hình thức hợp tác công tư. Ông nhìn thấy có những vấn đề như thế nào ở đây về mặt chính sách?

Ông Trần Kỳ Sơn: Giống như GS Đặng Hùng Võ đã nêu, nhu cầu phát triển hạ tầng của đất nước thì rất lớn trong khi nguồn ngân sách của đất nước lại hạn chế, cho nên, phải thực hiện bằng các hình thức khác.

Trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách cho loại hình dự án này, chúng tôi cũng đã trình Chính phủ và đã triển khai thực hiện rất sớm, ban đầu bằng Nghị định 77 (Nghị định 77/1997/NĐ-CP về quy chế đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao áp dụng cho đầu tư trong nước), Nghị định 62 quy định về các hình thức BOT, BTO, BT đối với đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài. Đến năm 2007, Nghị định 78 ra đời vẫn là điều chỉnh mấy loại hình thức theo hợp đồng này.

Tiếp đó, khi bắt đầu phát triển, dựa vào thực tại thì chính sách liên tục được sửa chữa, lúc đó Nghị định 108 ra đời năm 2009. Sau đó đến năm 2015,  Nghị định 15 (Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công- tư) lại ra đời và đến thời điểm hiện nay thì chuẩn bị sửa Nghị định 15.

Rõ ràng về cơ chế chính sách đối với các loại hình dự án PPP (đối tác công-tư) nói chung và BT nói riêng cũng đã được hoàn thiện dần. Tôi biết rằng trong Nghị định chuẩn bị thay thế Nghị định 15 sắp tới, riêng loại hình dự án BT được đặt ra một chương riêng để có những điều chỉnh riêng cho dự án này, nó khác biệt so với dự án khác.

99% chỉ định thầu, vừa đá bóng vừa thổi còi

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng các văn bản, Nghị định về hình thức BT cũng liên tục được sửa đổi và hoàn thiện. Nhưng vì sao như lời GS Đặng Hùng Võ nói cũng như những bài báo gần đây phản ánh lại nói nhấn mạnh rằng, BT có rất nhiều lỗ hổng về mặt chính sách.

Thưa TS Lê Huy Trọng, từ các kết quả kiểm toán gần đây, ông nhìn thấy những lỗ hổng nào trong quá trình đã kiểm toán các dự án BT?

PGS.TS Lê Huy Trọng: Hiến pháp năm 2013 đã quy định, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc sử dụng tài chính công và tài sản công. Như GS Đặng Hùng Võ nói, đây là chuyện đổi đất lấy công trình, là Nhà nước mang tài sản công đổi lấy kết cấu hạ tầng nên do đó, kiểm toán các dự án đổi đất lấy công trình một trong những nhiệm vụ của kiểm toán Nhà nước phải tiến hành hàng năm.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã kiểm toán 25 dự án BT, có thể rút ra một số nét cần được dư luận tham khảo.

Thứ nhất là gần như tất cả dự án BT đều là chỉ định thầu. Có 23/25 dự án của Kiểm toán Nhà nước thực hiện và 14/15 dự án tại Hà Nội do Thanh tra Chính phủ thực hiện. Đây là một điều không minh bạch và dẫn đến việc chọn chủ đầu tư không chính xác, không đủ năng lực tài chính.

{keywords}
PGS.TS Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (ảnh: VietNamNet)

Thứ hai là việc lập, thiết kế dự án cũng như dự toán công trình đều do chủ đầu tư lập, tức là anh vừa đá bóng vừa thổi còi, từ đó dẫn đến chi phí cao, thất thoát ngân sách. Trong quy định về phần tài chính, có nói là các chủ đầu tư phải đảm bảo ít nhất là 10% hoặc 15% vốn đối ứng. Nhưng họ tự lập dự toán, tự duyệt, cho nên họ sẽ đẩy chi phí lên, nhiều khi chủ đầu tư không cần một đồng vốn nào. Như đồng chí Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương- PV) đã nói “tay không bắt giặc” chẳng hạn, đấy là một kẽ hở.

Thứ ba là vấn đề đề xuất các dự án. Các dự án BT hiện nay không được nằm trong kết hoạch trung hạn, cũng không được thông qua HĐND, do một người có thẩm quyền phê duyệt. Chính điểm đó cũng đã là sai so với Luật Đất đai và không minh bạch.

Điều thứ tư là giá thanh toán dự án BT. Qua kiểm toán, có thể xác định được là việc thanh toán BT cũng không thích hợp ở chỗ, nhà đầu tư được thanh toán, xác định giá thanh toán (giao đất- PV) ngay khi công trình hạ tầng chưa xây dựng, tức chưa xây dựng đã có giá. Trong khi đúng ra là phải khi nhà đầu tư bàn giao công trình, giá công trình bao nhiêu thì phải bù trừ rồi mới thanh toán (giao đất - PV).

Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đã xác định, giá ban đầu được xác định thanh toán cho nhà đầu tư rất thấp, nhất là đất, đến khi về sau, giá lại cao.

Hiện nay, việc điều chỉnh là cả một vấn đề. Luật Đất đai và mới nhất là Luật Quản lý và sử dụng tài sản công 2017 có hiệu lực từ  năm 2018 cũng quy định ở các Điều 44, Điều 114, Điều 117 việc Nhà nước dùng quyền, tiền sử dụng đất để thanh toán như thế nào.

Tiền chi trả cho các nhà đầu tư là theo Luật Quản lý tài sản Nhà nước 2008 cũng đã chỉ rõ là sẽ được hạch toán vào khoản ngân sách Nhà nước. Có nghĩa là khoản thanh toán đó được coi như một khoản chi của ngân sách Nhà nước, việc chi trước hay chi sau là đều liên quan đến ngân sách Nhà nước.

Vấn đề thứ năm là liên quan đến các yếu tố về phương án tài chính. Rõ ràng như tôi vừa nói, phương án tài chính theo quy định hiện hành là áp dụng chung cho hình thức PPP thôi, không nói rõ cho riêng BT theo mức độ tối thiểu là 10% hoặc 15% và lại không quy định thời điểm nộp. Do vậy, vấn đề đặt ra là nhà đầu tư nộp ngân sácg lúc nào, đấy là vấn đề.

Một điều nữa như lúc nãy tôi nói là dự toán là do chủ đầu tư lập nên bao giờ tổng mức dự toán cũng cao hơn mức thực tế. Qua kiểm toán 25 dự án thì có 15 dự án là hoàn toàn do chủ đầu tư đề xuất, chủ đầu tư lập. Đấy cũng là một kẽ hở.

Ngoài ra, khi chúng ta thanh toán tiền cho chủ đầu tư thì chúng ta thanh toán cả giá trị quyền sử dụng đất và thanh toán cả thuế giá trị gia tăng. Thuế đó nhà đầu tư lại chưa phải nộp ngay, chưa phải xuất hóa đơn nên trong thời gian thi công công trình là 7 năm, thậm chí là 10 năm, nhà đầu tư đã chiếm dụng luôn cả thuế đấy.

Như GS Đặng Hùng Võ nói, chúng ta chưa đấu giá quyền sử dụng đất mà chúng ta hay nói hiện nay là “lỗi kép”. Lỗi kép thứ nhất là công trình thì chỉ định thầu. Lỗi kém thứ hai là giá đất giao cho nhà đầu tư thì lại không đấu giá quyền sử dụng đất.

BT: Từ khai tử đến tái sinh và biến tướng

Nhà báo Phạm Huyền: Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đáng lẽ ngay từ đầu mang một ý nghĩa rất tốt đẹp, nhưng sau đó, đã nảy sinh những kẽ hở, không minh bạch.

Thưa GS Đặng Hùng Võ, ông có lo ngại gì khi có những lỗ hổng không minh bạch như vậy từ cả chính sách và cả trong khâu thực hiện thì liệu đó có phải là một cơ chế là nảy sinh những tiêu cực như tham nhũng, hối lộ,.. và cuối cùng hậu quả là những mảnh đất vàng thì rơi hết vào tay các tập đoàn tư nhân?

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ (ảnh: VietNamNet)

GS Đặng Hùng Võ: Chúng ta cũng biết rằng, cơ chế chúng ta gọi là BT, tức là xây dựng- chuyển giao, trong đó, khi chuyển giao thì Nhà nước phải trả, như Nghị định 15 hiện hành nói rằng phải trả bằng đất.

Nhưng Luật Quản lý và sử dụng tài sản công 2017 mới ban hành nói rằng, trong dự án BT, phải trả bằng công sản.

Thôi thì cái gì cũng được.

Nhưng tôi xin kể lại câu chuyện khởi đầu của BT. Cơ chế này đã được Bà Rịa Vũng Tàu đề xuất như một sáng kiến từ năm 1992. Hạ tầng mà tỉnh này có được chính là con đường bao biển ở TP Vũng Tàu rất đẹp, là một công trình nằm trong chiến lược phát triển của TP Vũng Tàu. Khi đó, đề xuất ấy được nhìn nhận như một sáng kiến và mọi người dân đều nhìn thấy là thành phố đã có một con đường rất đẹp ven vùng biển ở TP Vũng Tàu.

Tuy nhiên, sau đó, dự án BT đầu tiên đó đã có phát sinh hậu quả tiêu cực. Sau khi kiểm tra, Chủ tịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lúc đó đã bị kỷ luật vì bị phát hiện có dính líu yếu tố tư lợi, tham nhũng trong quá trình đổi đất lấy hạ tầng.

Dù vậy,  sau kinh nghiệm của Bà Rịa Vũng Tàu, có rất nhiều tỉnh đã nối đuôi nhau thực hiện đổi đất lấy hạ tầng như tỉnh Hải Dương với dự án khu đô thị mới ở thành phố Hải Dương, ở Quảng Ninh có công trình đảo Tuần Châu và rất nhiều dự án khác nữa. Dự án cuối cùng đổi đất lấy hạ tầng chính là Ecopark, được Thủ tướng ký duyệt trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành.

Và chúng ta cũng thấy quá trình thực hiện các dự án BT ấy đã diễn ra rất nhiều bất cập. Chủ yếu bất cập này là những yếu tố không minh bạch, dẫn tới những tư lợi xen kẽ trong quá trình đổi đất lấy hạ tầng.

Chính vì vậy, đến năm 2004, khi Chính phủ ban hành Nghị định 181 hướng dẫn Luật Đất đai 2003, cơ chế BT đổi đất lấy hạ tầng đã được quy định minh bạch hơn. Nghị định nêu rõ, cơ chế đổi đất lấy hạ tầng từ nay phải thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước đấu giá đất lấy tiền để xây dựng hạ tầng, tức là không có chuyện đổi đất lấy hạ tầng trực tiếp nữa,  mà phải đem đất ra đấu giá, tiền đó xây dựng hạ tầng, mọi sự rất mạch lạc. Như vậy có thể nói, Nghị đinh 181 năm 2004 chính là nghị định khai tử cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.

Tuy nhiên sau đó, đến khoảng năm 2007, người ta bắt đầu phát triển hình thức đầu tư bằng đối tác công - tư, tức là PPP, trong đó có hình thức BT. Khi đó, rất nhiều nhà đầu tư không nhắc đến cụm từ "đổi đất lấy hạ tầng" nữa mà lấy tên BT khoác lên dự án của mình và nói là từ nay tôi thực hiện BT. (BT theo Nghị định 15/2015 quy định là hình thức hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng và Nhà đầu tư được Nhà nước trả bằng quy đất- PV)

Với quy định đó, Nghị định 181 năm 2004 về hướng dẫn Luật Đất đai (Điều 62-PV) vốn đã khai tử cơ chế đổi đất lấy hạ tầng đã không có nghĩa nữa bởi từ nay, tôi làm BT.

Từ đó, hình thức BT đương nhiên được áp dụng trong các dự án kết cấu hạ tầng, mặt khác, Luật Đất đai cũng nói rằng cơ chế hợp tác công – tư thì Nhà nước sẽ chuẩn bị đất, giao đất đầy đủ,...

Thế nhưng, chúng ta cũng không cảnh giác một điều là BT bản chất chính là hình thức đổi đất lấy hạ tầng trước kia, nội dung của chúng giống hệt nhau.

Và từ năm 2007 trở lại đây, đổi đất lấy hạ tầng được khoác dưới hình thức BT và coi như không ai còn nhớ đến Nghị định 181 nữa. Từ đấy chúng ta thấy rằng nó phát triển ngày càng mạnh và vừa rồi chúng ta thấy rằng đã có kiểm toán, đã có thanh tra và phát hiện hầu hết, có thể nói là 100% dự án BT nếu điều tra cái nào thì đều có khuyết điểm của cái đó.

Khung pháp luật quá lỏng lẻo, nguy cơ tham nhũng quá lớn

Nhưng ở đây, tôi cho rằng cái lớn nhất là khung pháp luật về BT của chúng ta quá lỏng, đấy là điều quan trọng nhất.

Trước đây, khi làm BT, đã có báo hiệu rằng cơ chế này rất nhiều chuyện, nhưng chúng ta lại chuẩn bị một khung pháp luật rất lỏng lẻo. Tôi nói ví dụ như Nghị định 15 là Nghị định về PPP, tức là công tư đối tác, nhưng chỉ có hai điều quy định về BT. Hơn nữa, Nghị định 15 còn cho phép nhà đầu tư hạ tầng đó có thể được nhận đất trước khi xong hạ tầng.

Tôi cho rằng đấy là quy định rất lỏng lẻ. Cụ thể như có thể nói đến dự án rất rổi tiếng của Cienco 5 ở Thanh Hà, Nhà nước giao làm đường nối giữa Pháp Vân- Cầu Giẽ với Hà Đông, Hà Nội. Đường thì mới làm, hình như khoảng 25 km, làm khoảng 4 km mà đã được giao đất, giao đất xong rồi thì nhà đầu tư này bán cho nhà đầu tư khác, coi như chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư khác.

Thế thì tôi cho rằng, nếu giao đất trước thì thà Nhà nước đem đấu giá đất rồi lấy tiền ra xây dựng hạ tầng, chứ làm gì phải mượn một nhà đầu tư đến để giao đất, sau đó ông ta lại đi bán rồi ông ta lấy tiền đó đầu tư hạ tầng?

Sự thật là có những bất cập một cách rất sơ đẳng mà Nghị định 15 lại cho rằng có thể nhận đất sau khi hoàn thành xong hạ tầng hay có thể nhận đất trong thời gian thi công hạ tầng.

Thứ hai là bản thân các dự án PPP đều dựa vào hợp đồng, đối với BT thì hợp đồng rất quan trọng, tức là trách nhiệm của từng bên khi hai bên ký với nhau.

Trong khi đó, dự án theo hình thức BOT thì lại khác, BOT là nhà đầu tư bỏ tiền ra làm hạ tầng, sau đó, được hoàn lại vốn bằng việc thu phí và việc thu phí kéo dài đến bao giờ thì sẽ do Nhà nước quản lý, cho phép, đến khi nào nhà đầu tư có lãi ở một mức độ nhất định thì phải chuyển giao cho Nhà nước và nhà đầu tư không được thu phí nữa. Phí đấy, hay nói cách khác là người sử dụng hạ tầng phải trả tiền cho chủ đầu tư.

Còn BT, để xây dựng hạ tầng, Nhà nước lấy ngay một khoản đất rất lớn trả lại cho nhà đầu tư. Như vậy, chúng ta thấy rằng hợp đồng BT đáng lẽ phải là hợp đồng được quy định rất chặt chẽ chứ không phải thả ra để bên có thẩm quyền Nhà nước ký với bên chủ đầu tư. Tôi cho rằng phải có quy đinh rất chặt chẽ với BT vì đấy là đổi một tài sản của Nhà nước lấy một hạ tầng ngay lập tức, chứ không phải của dân đóng góp nữa.

Nếu quy định không chặt chẽ, chỉ khoán cho anh có thẩm quyền ký với bên nhà đầu tư thì anh ta sẽ đưa ra rất nhiều điều khoản. Thậm chí, trong đó sẽ có chuyện, anh có thầm quyền Nhà nước cứ ký, nhà đầu tư trước đó có thể nói thầm rằng, "tôi sẽ hoàn lại cho bác đoạn này".

Chúng ta cũng đã thấy có những trường hợp đem đất của Nhà nước giao sử dụng nhưng không sử dụng, lại đi cho thuê và bao giờ họ cũng ký hợp đồng với giá thuê rất rẻ nhưng cái đưa ở “dưới gầm bàn” mới là cái giá trị thật của hợp đồng ấy.

Chúng ta cũng biết thừa là nguy cơ tham nhũng nó nằm ngay ở việc ký hợp đồng rất lớn, mà chúng ta lại không có một quy định pháp luật nào để ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng này có thể xảy ra trong hợp đồng BT.

Vấn đề đặc biệt với BT là vấn đề giá trị, trong đó, liên quan đến hạ tầng, không chỉ giá trị tài chính đầu tư mà vấn đề kiểm toán kỹ thuật rất quan trọng. Bởi vì anh đánh giá được chất lượng của hạ tầng này, anh mới tính được giá trị thật. Chứ chất lượng của công trình hạ tầng ấy thuộc loại Z chẳng hạn mà anh có thẩm quyền cứ gật đầu với nhau loại này thanh toán trả lại là loại A, thế thì hỏng!

Nhưng ai là người dám nói chất lượng này là đúng? Vậy thì phải có kiểm toán kỹ thuật, sau đó là kiểm toán tài chính nữa. Tôi cho rằng việc đó phải do kiểm toán Nhà nước làm. Chuyện thanh toán với nhau, hệ thống kế toán vận hành, tôi cho đấy là một việc bình thường. Nhưng với BT thì tôi cho rằng chúng ta phải có yêu cầu kiểm toán kỹ thuật về chất lượng và kiểm toán tài chính về giá trị, lúc đó mới xác định đúng được chất lượng và giá trị của công trình hạ tầng.

Mặt khác, đất đai đổi lấy hạ tầng là theo kiểu gì, Luật Đất đai cũng không có quy định gì về vấn đề này. Gốc của quỹ đất để đổi đó là đất nông nghiệp hay là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hay đất ở, được định giá ở dạng nào?

Có rất nhiều dự án bất cập ở vấn đề này.  Tôi ví dụ như con đường ở Tuần Châu chẳng hạn, nhà đầu tư làm con đường ra đảo và lại được đổi bằng chính quỹ đất ở trên đảo. Tôi cho rằng cơ chế đổi đó rất có lợi cho nhà đầu tư.

Việc cho nhà đầu tư làm con đường ra đảo rồi lại đổi lấy đất ở đảo là không hợp lý. Đáng lẽ, Nhà nước phải đổi đất chỗ khác cho nhà đầu tư, chứ không thể để anh làm con đường ra đảo để tạo điều kiện đất ở đảo tăng giá lên. Tương tự, rất nhiều nơi cho nhà đầu tư làm đường rồi đổi đất ở ngay hai bên đường đó.

Đấy là tất cả những yếu tố bất hợp lý buộc chúng ta phải quy định rất rõ ràng về chuyện định giá đất, loại đất nào, định giá trong trạng thái nào của mảnh đất đấy, có hạ tầng hay chưa có hạ tầng? Tất cả hiện đều không có quy định, chỉ có người có thẩm quyền của Nhà nước, người đứng đầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cứ tự mình quyết định thôi.

Có quan điểm, để tạo điều kiện phát triển thì chúng ta phải ưu ái nhà đầu tư, một câu ấy là có thể làm rất nhiều thứ phía sau, như là giá đất sẽ rất hạ, bởi chúng ta phải khuyến khích nhà đầu tư,…

Tôi cho rằng đó là những lỗ hổng rất lớn mà nếu có làm tiếp hình thức BT, chúng ta phải cần rất nhiều công sức để bịt hết những lỗ hổng này, xây dựng một hệ thống pháp luật tốt thì mới ngăn ngừa được tham nhũng.

"KHÔNG THỂ ĐỂ LỢI ÍCH TƯ NHÂN DẪN DẮT PHÁT TRIỂN"

Nhà nước ký xong, Nhà đầu tư muốn làm gì thì làm

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Trần Kỳ Sơn, khi người có thẩm quyền quyết định dự án trong khi chính sách lại nhiều lỗ hổng như vậy thì nguy cơ phát sinh tham nhũng hay làm quyền là rất lớn. Ông nghĩ như thế nào về những chia sẻ này của GS Đặng Hùng Võ và PGS.TS Lê Huy Trọng?

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ,  nhà báo Phạm Huyền và PGS.TS Lê Huy Trọng trao đổi trong bàn tròn trực tuyến về cơ chế BT (ảnh: VietNamNet)

Ông Trần Kỳ Sơn: Những ý kiến của GS Đặng Hùng Võ hay PGS.TS Lê Huy Trọng đều rất đúng, nhìn vào mặt trái của BT thì chúng ta có thể thấy rất rõ như vậy.

Năm 2010-2011, chúng tôi đã thanh tra chuyên đề về BT đối với những dự án mà đến nay, các dự án đó vẫn còn nguyên không thay đổi gì. Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi đã phát hiện ra những điều rất bất cấp trong cơ chế chính sách, đặc biệt là vai trò của cơ quan có thẩm quyền.

Chúng ta đặt ra luật là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một bên ký kết, nhưng cả một giai đoạn dài, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gần như buông lỏng quản lý trong việc triển khai thực hiện.

Khi triển khai đàm phán ký kết hợp đồng, phía Nhà nước có thành lập một tổ công tác liên ngành, triệu tập rất nhiều ngành khác nhau như Tài chính, Kế hoạch, Công thương,.. để đàm phán với nhà đầu tư. Trong giai đoạn đó, các anh ấy cũng tác động và cũng đàm phán ra một bản hợp đồng thật, nhưng hợp đồng đó chủ yếu là do nhà đầu tư chuẩn bị sẵn.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ví dụ ở tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh, ở bộ là Bộ trưởng, hoặc tỉnh giao xuống cho cấp huyện hay cấp cơ sở nào đó để đại diện ký kết hợp đồng. Sau khi ký xong, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong cả giai đoạn đó hầu như không có một vai trò nào cả. Nhà đầu tư muốn làm gì thì làm.

Ví dụ điển hình cho tình trạng này, là dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở 200.000 m3/ ngày đêm do tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đầu tư.

Tại thời điểm chúng tôi vào thanh tra, dự án đã thi công được 2 năm, chuẩn bị hoàn thành, nhưng hợp đồng với nhà nước vẫn chưa được ký kết. Khi dự án này triển khai thi công, hồ sơ dự án vẫn chưa được phê duyệt.

Đoàn thanh tra chúng tôi có hỏi, tại sao lại chưa ký kết hợp đồng, ai là người chịu trách nhiệm ở đây thì được trả lời và cho biết rằng, dự án này được giao cho Sở Tài nguyên- môi trường. Nhưng sau đó, hỏi Sở Tài nguyên- môi trường thì chúng tôi lại được trả lời rằng, tuy Sở được giao nhưng Sở không có bộ máy, không có con người quản lý việc này nên khi nào đưa văn bản, hợp đồng thì tôi ký thôi chứ gần như tôi không có trách nhiệm gì.

Trong giai đoạn ấy tôi thấy vai trò của một loạt các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không xuất hiện. Chỉ đến khi triển khai sang loại hình BOT giao thông giai đoạn 2012 – 2015 vừa rồi, Bộ Giao thông vận tải mới giao cho các ban quản lý dự án thực hiện thêm vai trò đại diện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện vai trò của Nhà nước ở các dự án này cũng cực kỳ hạn chế. Phải nói rằng đó là một lỗ hổng rất lớn trong cơ chế chính sách của chúng ta thời gian qua.

Chấm dứt ngay việc duyệt dự án theo bánh vẽ của nhà đầu tư

Nhà báo Phạm Huyền: Theo tôi được biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chắp bút sửa đổi Nghị định 15 về PPP. Theo ông, với những vấn đề mà ông Trọng cũng như ông Võ đã nêu, ta cần phải có những giải pháp căn cơ như thế nào cho vấn đề BT?

{keywords}
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ảnh: VietNamNet)

Ông Trần Kỳ Sơn: Hiện nay, tôi thấy rằng các quy định pháp luật đang được hoàn thiện dần. Ví dụ như đối với dự án BT, hiện nay, chúng ta đang trình Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý và sẽ có một số thay đổi, Nghị định sửa đổi sẽ có hẳn một chương điều chỉnh việc này. Đối với các dự án PPP, cũng sẽ điều chỉnh trong đó có liên quan đến một số loại hình hợp đồng BT.

Tôi ví dụ, thứ nhất là về vốn chủ sở hữu, trong dự thảo mới, vốn chủ sở hữu sẽ được tăng lên. Trước đây quy định tối đa chỉ là 15% thôi, những dự án lớn là 10%, nhưng tới đây yêu cầu về vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư sẽ phải tăng lên 20% với dự án đến 1.500 tỷ đồng.

Quy định quá trình góp vốn phải đưa vào ngay trong hợp đồng, nhưng không quy định nhà đầu tư phải góp toàn bộ ngay vốn vào dự án, bởi vì dự án được thực hiện trong cả quá trình, làm sao để thực hiện nguồn vốn có hiệu quả. Nhưng ở dự thảo, sẽ phải bắt buộc đưa vấn đề này đặt trong hợp đồng và có chế tài ràng buộc rõ ràng.

Thứ hai là về cơ chế chính sách, trước đây chúng ta phê duyệt đề xuất dự án, nhưng bây giờ các dự án, đặc biệt là dự án BT được xác định là dự án đầu tư công, được Nhà nước trả bằng đất, đất cũng là nguồn tài sản công của đất nước nên yêu cầu phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, tức là phải xác định chủ trương đầu tư.

Trước đây, chỉ cần một ông Chủ tịch Ủy ban là có thể ký được các loại hợp đồng. Nhưng bây giờ chủ trương đầu tư cũng gắn vào Luật Đầu tư công. Ví dụ trong dự thảo sắp tới trình Chính phủ, về thẩm quyền quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm A của BT, Chủ tịch, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND cấp tỉnh thì được quyết định chủ trương của dự án BT nhóm B, còn Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương của dự án BT nhóm C thôi. Từ đó, chủ trương đầu tư sẽ rành mạch như vậy.

Trình tự thủ tục trong dự án BT cũng có nhiều thay đổi, mà thay đổi lớn nhất ở ba điểm. Thứ nhất là trong quá trình thực hiện thì phải lập thiết kế kỹ thuật và dự toán dự án thì mới đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Trước đây, chúng ta chỉ lựa chọn dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi thôi, Nhà nước phê duyệt xong thì chúng ta có thể lựa chọn được, toàn bộ giai đoạn sau là nhà đầu tư lập. Nhưng hiện nay, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán do Nhà nước lập và sau bước đó, thì mới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cái quan trọng thứ hai với dự án BT là quản lý chất lượng, hiện nay không giao cho nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ nữa mà coi như một dự án đầu tư công. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm giám sát hoặc thuê tư vấn giám sát để chịu trách nhiệm trước mình chứ không phải chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư nữa.

Thứ ba là quyết toán dự án, hiện nay thực hiện quyết toán như đối với dự án đầu tư công.

Ngoài ra, dự án BT còn phải tuân theo những quy định chặt chẽ hơn về phương thức thanh toán, về xác định giá trị sử dụng đất,..

Tuy hiên, thheo cá nhân tôi, với hình thức BT, tôi không đồng ý với việc nhà đầu tư đề xuất dự án. Tôi cũng nói rất nhiều trong các hội thảo về xây dựng các quy định pháp luật, nguyên nhân chủ yếu của việc thất thoát của lợi ích nhóm, của việc không minh bạch là do nhà đầu tư đề xuất dự án.

Hiện nay, 100% dự án BT là do chủ đầu tư tự chủ động đề xuất dự án. Giống như GS Đặng Hùng Võ vừa nói, người ta đề xuất xây một tuyến đường trên đảo nhưng là để người ta sử dụng đất ở trên đảo đó, là dự án của người ta lấy con đường này để đối ứng, người ta đề xuất dự án là vì lợi ích của người ta.

Đề xuất dự án khu đô thị Thanh Hà cũng vậy, một con đường được vẽ ra, xây một trục phát triển kinh tế phía nam tỉnh Hà Tây rất hoành tráng, dài 41 km. Nhưng hiện nay, nhà đầu tư đã đầu tư xong khu đô thị Thanh Hà, lấy được đất rồi thì trục đường cũng dừng luôn ở đấy, được khoảng 10km, còn đoạn sau thì không biết là Hà Nội sẽ xử lý như thế nào hay cho dừng dự án đấy rồi? Tôi không hiểu là đất giao rồi thì bây giờ việc thanh toán, quyết toán của dự án đó sẽ là như thế nào.

Về đề xuất chủ trương dự án đầu tư, trước đây chúng tôi đã nói rằng quy hoạch chạy theo dự án. Sau các cuộc thanh tra chúng tôi thực hiện, chúng tôi đã có một báo cáo tới văn phòng Trung ương Đảng về dự án BT ở Hà Nội năm 2012, cho thấy, thấy nó mất mát khủng khiếp như thế để chấn chỉnh. Như vậy, trong BT, rõ ràng có một sự buông lỏng quản lý từ trước đây.

Tiếp tục hình thức BT: cần kiểm soát chặt hợp đồng

Nhà báo Phạm Huyền: Chính vì có quá nhiều vấn đề ở các dự án BT như vậy nên mặc dù chúng ta cũng đã có những hành lang pháp lý đang được sửa đổi để hoàn thiện hơn, tôi thấy rằng cũng có luồng ý kiến đưa ra: nên chấm dứt toàn bộ hình thức như thế này. Từ góc nhìn của người làm công tác kiểm toán, TS Lê Huy Trọng suy nghĩ như thế nào?

PGS.TS Lê Huy Trọng: Về thực trạng của các dự án BT cũng như các lỗ hổng pháp lý, GS Đặng Hùng Võ và anh Trần Kỳ Sơn cũng đã nói rất rõ. Ngày 27/10 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước có buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về những bất cập của BT, BOT và công tác cổ phần hóa. Kết thúc buổi làm việc đó, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động của kiểm toán đã chỉ ra những lỗ hổng pháp lý, những tồn tại để chúng ta đi đến sửa đổi.

Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ được văn phòng Chính phủ thông báo  mới đây, không có quy định dừng BT mà chỉ là cải tiến cho nó tốt hơn. Trong đó, cũng có quy định là Kiểm toán Nhà nước một là phải thực hiện theo hình thức đấu thầu như anh Sơn đã nói, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng dự án sau đó mới đấu thầu.

Thứ hai là đối với dự án của địa phương, các dự án phải đưa vào kế hoạch đầu tư công và thông qua HĐND thì mới minh bạch được.

Thứ ba, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch đầu tư là sửa đổi Nghị định 30 (Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định một số chi tiết của Luật Đấu thầu về lựa cho nhà đầu tư) cần quy định trường hợp nào là trường hợp được chỉ định thầu.

Cũng như GS Đặng Hùng Võ, tôi rất tâm huyết về vấn đề hợp đồng. Rõ ràng chúng ta có quy định giao cho Bộ Kế hoạch- đầu tư nghiên cứu và ban hành về văn bản hướng dẫn hợp đồng BT. Nhưng cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa làm được. Như vậy, hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư thì nó khác nhau hoàn toàn giữa các địa phương, giữa các bộ ban ngành. Thủ tướng đã kết luận là không dừng BT nhưng cần thực hiện đúng mục tiêu sao cho có hiệu quả trong điều kiện ngân sách có hạn.

Tôi lấy ví dụ, một số dự án chúng ta trả đất khoảng một nửa thôi, còn lại chúng ta vẫn trả bằng tiền, thậm chí bằng trái phiếu Chính phủ. Như vậy, nó không hề giảm gánh nặng cho ngân sách. Tại sao chúng ta không lấy luôn tiền, trái phiếu đó để đầu tư, cộng với tiền đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư mà chúng ta lại phải giao vòng vèo như vậy? Tôi cho rằng, chúng ta cần hướng tới một mục đích cao hơn là chúng ta phải có Luật về PPP.

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ và nhà báo Phạm Huyền (ảnh: VietNamNet)

Giờ, khi chưa có Luật về PPP, chúng ta phải sửa Nghị định 15 về đối tác công tư như anh Sơn nói. Và hiện nay rõ ràng Nghị định 15 có nhiều bất cập so với luật mới nhất là Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Quy định của BT hiện nay theo Luật này là thanh toán bằng tài sản công chứ không phải thanh toán riêng bằng đất như Nghị đinh 15.

Theo tôi cho rằng, dự án BT không dừng, nhưng chúng ta phải có biện pháp trước mắt và lâu dài để đưa nó đi đúng quỹ đạo hay mục tiêu ban đầu của BT cũng như là PPP là hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các tập đoàn hay các doanh nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Bây giờ nếu chúng ta có ngân sách dồi dào thì chúng ta không phải làm BT, cái đó cũng có những khuyến cáo chung như bài viết của GS Đặng Hùng Võ là chỉ nên dùng BT cho những địa phương khó khăn về ngân sách, còn những địa phương có ngân sách đủ rồi thì không phải dùng BT như TP Đà Nẵng không có BT nhưng vẫn rất phát triển.

Nhà báo Phạm Huyền: Cơ quan kiểm toán nhìn đâu thì cũng “nội soi” được tất cả mọi vấn đề. Nếu nói riêng về hợp đồng cho dự án BT, theo cá nhân ông, ông thấy cần có những quy đinh cụ thể nào để cho hợp đồng này chặt chẽ và không xảy ra được tình trạng nhà đầu tư bán đất đổi trác xong rồi cuối cùng lại không hoàn thành trách nhiệm của mình là xây dựng hạ tầng?

PGS.TS Lê Huy Trọng: Cơ quan kiểm toán là kiểm toán có sao thì nói vậy, với chức năng của mình là xác nhận, đánh giá và kiến nghị.

Đầu tiên chúng tôi phải xác nhận được dự án đó là đúng hay sai. Tuy nhiên như GS Đặng Hùng Võ cũng đã nói là hiện nay trong BT, chúng ta chưa kiểm toán kỹ thuật được, chủ yếu chỉ kiểm toán tài chính, đó là một vấn đề phức tạp. Bởi trong dự án thì kiểm toán kỹ thuật là công việc rất lớn, đấy là điều chúng tôi phải tiến tới để nghiên cứu nó.

Còn phần tiếp theo để trao đổi thêm ở đây, Kiểm toán Nhà nước chúng tôi cũng có kiến nghị với các bộ, với Chính phủ, Quốc hội rất nhiều văn bản liên quan đến BT để làm sao bịt được các lỗ hổng về chính sách. Trong đó, chúng tôi đã kiến nghị rất rõ với Chính phủ, với Bộ Kế hoạch Đầu tư, với Bộ Giao thông, Bộ Tài chính... cần vai trò quy định gì, chúng tôi đều có những kiến nghị hết.

Đơn giản như Bộ Tài chính, chúng tôi có kiến nghị phải xác định được lãi suấ trầnlà bao nhiêu, bây giờ, Bộ vẫn không xác định được. Hay như Bộ Kế hoạch đầu tư thì chúng tôi đề nghị sửa Nghị định 30 hay Nghị định 15,…

Mong muốn của Kiểm toán Nhà nước là làm sao thực hiện việc quản lý sử dụng tài sản công một cách hiệu quả nhất theo quy định của Hiến pháp đã giao cho Kiểm toán Nhà nước.

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cám ơn ông. Thưa GS Đặng Hùng Võ, xin ông có thể nói tiếp thêm, với những quy định chặt chẽ hơn, chẳng hạn như vấn đề chấm dứt chỉ định thầu hay các điều khoản ở hợp đồng BT, theo ông cần làm như thế nào để thực sự đảm bảo các dự án này được triển khai một cách minh bạch hiệu quả?

GS Đặng Hùng Võ: Theo tôi, đầu tiên cần xác định trong tình trạng của Việt Nam hiện nay nên áp dụng BT đến đâu, theo tôi đó là vấn đề quan trọng nhất.

Theo quan điểm của tôi, ở những nơi đã tự chủ về nguồn thu ngân sách, tức là không cần ngân sách trung ương trợ giúp thì có nghĩa là hạ tầng đã đảm bảo phát triển ở một mức độ nhất định, hay nói cách khác, hạ tầng sẽ quyết định giá đất, nên chúng ta phải so sánh giữa cơ chế đấu giá đất để xây dựng hạ tầng hay là chúng ta dùng cơ chế BT để giải quyết vấn đề hạ tầng hơn?

Ta cần tính toán đối với từng trường hợp một, nếu cái Nhà nước đem ra đấu giá để lấy tiền xây dựng hạ tầng mà có lợi hơn, thì ta làm theo cách này.

Sự thực mà nói là có nhiều cách làm để ta phát triển hạ tầng chứ không phải là không làm BT có nghĩa là hạ tầng không phát triển được. Tôi cho rằng chúng ta phải có góc nhìn rất rành mạch ở chỗ này. Cơ chế nào để chúng ta phát triển hạ tầng, có thể đặt ra phát triển hạ tầng thế này hay thế kia, vậy có thể dùng BT hay có thể dùng cơ chế Nhà nước đấu giá đất lấy tiền để xây dựng hạ tầng?

Tôi cho rằng, những trường hợp còn lại, cả ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là những nơi có hạ tầng phát triển rất mạnh rồi mà có những trường hợp cần phát triển hạ tầng cụ thể, ví dụ như một cái cầu chẳng hạn, rất chiến lược, có nó có thể Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc chẳng hạn, trong khi đó, tính mãi rồi, đem đất ra đấu giá thì cũng không hoàn lại được vốn này mà có nhà đầu tư lại rất thích đất ở chỗ nào đấy mang tính tâm linh, tôi nói ví dụ như vậy chẳng hạn, thì trường hợp ấy ta có thể áp dụng BT.

Bởi ta tìm được một người rất thích đất mà theo góc nhìn của quản lý thì đất này giá trị thấp lắm, nhưng biết đâu nó có giá trị tâm linh cao chẳng hạn, thì trường hợp đấy đổi cũng được.

Ý tôi nói là có thể chúng ta cũng không cần hạn chế đến mức tuyệt đối là tỉnh này tỉnh kia không được dùng. Nhưng chúng ta phải hạn chế đến mức sao cho sử dụng BT hiệu quả hơn sử dụng những cách khác thì ta làm.

Thứ hai, đây cũng là lúc để chúng ta xây dựng một khung pháp luật chặt chẽ, trong đó có câu chuyện ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng. Tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Sơn là chúng ta phải bỏ cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án. Đây là một cơ chế cực kỳ nguy hiểm, việc nhà đầu tư đề xuất dự án thì ngược với nguyên lý quản lý của chúng ta, từ bắt đầu chiến lược phát triển đến quy hoạch, từ quy hoạch mới ra đến dự án chương trình, sau đó mới đem ra đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Ta đi theo chiều xuôi đó, tức là dựa và chiến lược phát triển, dựa vào kế hoạch đầu tư, … để đưa ra các chương trình dự án.

Nhưng nhà đầu tư dự án dựa vào lợi ích của người ta. Nói cách khác, nếu chúng ta dựa vào chiến lược quy hoạch phát triển có nghĩa là Nhà nước đang dẫn dắt phát triển, còn nhà đầu tư đề xuất dự án thì chúng ta hiểu đấy là lợi nhuận của nhà đầu tư đang dẫn dắt phát triển, nó nguy hiểm ở chỗ đó.

Vì thế tôi cho rằng không chỉ nên hay không nên mà tuyệt đối không được. Nếu chúng ta cho, có nghĩa là nhà quản lý đó đang có ý đồ tính toán tư lợi. Không thể để lợi ích tư nhân dẫn dắt phát triển được mà phải là chiến lược, quy hoạch của Nhà nước dẫn dắt phát triển. Tôi cho rằng chúng ta tuyệt đối không được để cho nhà đầu tư, tư nhân đề xuất dự án. Chúng ta không chấp nhận những điều đó. Nếu chúng ta chấp nhận, chúng ta lại chạy theo điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất ấy thì còn tệ hơn nhiều nữa.

Bài toán định giá đất như thế nào khi đổi hạ tầng

Quay trở lại trong các dự án phát triển có dự án BT, thì lúc này chúng ta phải đưa ra một khung pháp luật rất chặt chẽ. Thôi thì Nghị định hay Luật cũng được, cái nào mọi người cũng phải thực hiện cả. Tôi cho rằng đưa ra Luật về PPP cũng được hoặc không thì đưa ra một Nghị định về BT, cần thiết thì chúng ta có riêng một Nghị định về BT.

Trong đó, chúng ta biết rằng hiện nay nó liên quan đến rất nhiều luật, Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công,.. ít nhất là dính tới ba luật đó. Ba luật đó đưa vào phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tôi cho rằng hiện nay nó cũng có nhiều cái lệch về BT giữa hệ thống pháp luật về đầu tư công, hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công và hệ thống pháp luật về đất đai, rất nhiều yếu tố dính tới cả ba hệ thống pháp luật này.

Trong đó, về Luật Đất đai, cái cần đối với đất đai là vấn đề định giá đất thì Luật Đất đai 2013 chả nói câu nào về việc định giá đất đai để phục vụ BT cả. Ở dự án BT, chúng ta có quy định rõ về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất và đề xuất sửa cuối cùng lại là UBND. Bởi vì, chẳng cần quy định thì ai cũng biết, đó là UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giao đất cho các dự án công tư đối tác, bởi nguyên tắc của Luật Đất đai là giao đất cho UBND cấp tỉnh quản lý.

Thế nên chúng ta lặp lại điều đó ở quy định BT chả để làm gì cả. Hơn nữa, chúng ta cần Luật Đất đai quy định ở BT là vấn đề định giá, loại đất nào, ai đề xuất, ai duyệt loại đất đó để đem đổi, loại đất đó bây giờ định giá với điều kiện nào, nếu hạ tầng đã có tác động vào nó thì định giá hay khi chưa có hạ tầng thì định giá? Nếu không có hạ tầng tác động vào nó thì thôi ta không cần tính.

Cái mà tôi cho rằng, chúng ta đang cần là cần Luật Đất đai quy định rõ điều đó chứ không phải việc quy định thẩm quyền ai giao đất vì ai cũng biết UBND cấp tỉnh giao đất cho tổ chức. Ý tôi muốn đưa ra ví dụ đó không phải để phê phán Luật Đất đai 2013 mà để nói rằng hệ thống pháp luật phải đồng bộ, trong câu chuyện giải quyết vấn đề chung là đổi đất lấy hạ tầng.

Hơn nữa, chúng ta phải kết hợp với những yếu tố của Luật Phòng chống tham nhũng nữa. Đến bây giờ, nhiều nhà báo cho tôi biết là lên xin hợp đồng BT thì nơi quản lý hợp đồng này nói là hợp đồng này đóng dấu mật.

Tôi bảo là chả có Luật nào lại quy định hợp đồng BT phải đóng dấu mật cả, ai đóng dấu mật vào đấy, người đó phải chịu kỷ luật. Bởi dấu mật không phải đóng lung tung, phải đóng đúng chỗ chứ không phải chỗ nào cũng đóng, mà giờ để thông tin đến báo chí là hợp đồng này đóng dấu mật?

Trong Nghị định quy đinh về chế độ bảo mật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn không có chuyện đóng dấu mật vào các dự án BT.

Tôi cho rằng đấy là tất cả những yếu tố chúng ta phải phối hợp lại để có được một khung pháp luật rất rành mạch, hiệu quả và ngăn ngừa được tham nhũng trong khi thực hiện các dự án BT.

Ngoài ra, Tôi cho rằng lúc này rất cần đến quy định về phạm vi áp dụng BT, phải rõ vấn đề trong trường hợp nào thì làm BT chứ không phải áp dụng tràn lan. Và dứt khoát, dự án BT là phải theo quy hoạch, theo chiến lược phát triển của địa phương, địa phương đưa ra rồi, tính toán mãi rồi, dự án này phải BT thì mới thực hiện được. Anh ta phải chịu trách nhiệm báo cáo trước HĐND cấp tỉnh là tôi đảm bảo không có cách nào tốt hơn dự án BT.

Tôi cho rằng đấy là tất cả những cái chúng ta phải tính đến trong việc xây dựng khung pháp lý cho BT.

Trước mắt, chưa có khung pháp lý tốt, mà với khung pháp lý hiện nay thì tôi cho rằng nên tạm dừng, không nên ký duyệt bất cứ một dự án BT nào khi khung pháp luật chưa hoàn chỉnh.

Và tôi cũng cho rằng lúc này rất cần quan điểm độc lập của kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội xem ý kiến của Quốc hội về BT thế nào. Bởi ở đây chúng ta đang xem xét câu chuyện cơ chế này có phù hợp hay không thì chính vai quyết định là Quốc hội.

Tất nhiên là Chính phủ bao giờ cũng muốn đầu tư hạ tầng vượt bậc, cơ chế nào cũng được miễn là đầu tư. Tôi cho rằng đó cũng là nguyện vọng rất đúng. Nhưng với vai của Quốc hội là kiểm tra, giám sát, kiếm soát tất cả mọi việc thì lại phải có quan điểm riêng về câu chuyện BT. Chúng ta phải tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, ta phải tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng một dự án BT. Theo tôi, chúng ta phải tính dưới góc độ đó thì mới tìm ra cách thức siết chặt để nâng cao hiệu quả của các dự án BT.

 

BỎ NGỎ CÂU HỎI GIÁ ĐẤT

Định giá tù mù, nhà đầu tư BT lợi nhuận khủng

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng lúc này rất cần tiếng nói của các cơ quan thành viên Chính phủ nhưng là ở vai phản biện và kiến nghị chính sách. Vâng thưa ông Trần Kỳ Sơn rõ ràng  để hoàn thiện chính sách, bịt các lỗ hổng BT thì rõ ràng không phải chỉ trông chờ vào mỗi một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về việc cần phải ban hành riêng một Nghị định về cơ chế BT cũng như các vấn đề liên quan mà TS Trọng cũng đã nói như câu chuyện về chỉ định thầu, hay phạm vi áp dụng, địa phương nào, nơi nào mới được phép triển khai các dự án như vây?

Ông Trần Kỳ Sơn: Cơ chế chính sách BT hiện đang được hoàn thiện dần. Có ý kiến là bây giờ xây dựng một Nghị định riêng, cũng có ý kiến là chúng ta không nên sử dụng loại hình này nữa. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, các dự án BT vừa rồi được phát triển chủ yếu ở các thành phố lớn tập trung ở TP.HCM, TP Hà Nội, TP Bắc Ninh, TP Bình Dương, một số tỉnh phố lớn có lợi thế về hạ tầng và nhu cầu phát triển về phát triển đô thị rất là nhanh.

Thế thì, BT không thể mang lên Điện Biên để làm được. Thật sự là như thế có mang dự án lên đấy và cho ông 1.000 ha đất ở đấy để làm một cái cầu qua sông Hồng cũng chẳng nhà đầu tư nào làm vì giá trị của mảnh đất ấy người ta không bán được.

Cho nên nếu bây giờ chúng ta nhìn nhận rằng BT là không nên làm hay hạn chế thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách khách quan. Tôi thấy hiện nay ở các tỉnh nhu cầu phát triển đô thị của các tỉnh bắt đầu phát triển mạnh.

Các tỉnh lỵ đều đã lên thành phố hết rồi, bét thì cũng lên thành phố loại 3, loại 3 thì phấn đấu lên loại 2, loại 2 thì phấn đấu lên loại 1. Nhu cầu mở rộng phát triển rất là lớn trong khi thực ra ở các tỉnh, nguồn lực để đầu tư hạ tầng còn hạn chế. Chính vì vậy vừa rồi Chính phủ cũng không yêu cầu bỏ loại hình dự án này nhưng quy định pháp luật làm sao chúng ta phải chặt chẽ.

Tôi nghĩ rằng là quy định pháp luật dù chặt chẽ đến đâu nhưng nếu những người thực thi không làm đảm bảo thì vẫn tạo ra các lỗ hổng, tạo ra những cái dư luận người ta đánh giá là chưa tốt.

Tôi lấy ví dụ ở đây với BT, cái quan trọng nhất là thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất, đấy là điều kiện quan trọng nhất mà nhà đầu tư mong muốn. Ông ấy mong muốn quỹ đất được trả sẽ được định giá càng rẻ, số tiền nộp vào ngân sách ít nhất thì ông ta càng có lợi.

Bây giờ cơ chế của chúng ta làm sao phải đáp ứng được yêu cầu này. Nếu quỹ đất đó chúng ta giải phóng được mặt bằng, chúng ta mang đi đấu giá, chúng ta vẽ ra quy hoạch rồi tương lai nó sẽ có những tuyến nọ tuyến kia, hạ tầng xung quanh nó như thế nào để chúng ta đấu giá, thì quá rõ ràng, quá minh bạch, quá tốt và thu được nguồn lợi lớn.

Thế nhưng thực tế hiện nay những quỹ đất đó trừ một số vị trí đất đã được nhắm sẵn ở trong nội đô, các quỹ đất chủ yếu là được phát triển bên ngoài,  nhà đầu tư nhìn thấy tương lai phát triển nên lại xin đầu tư những con đường vào những khu vực ấy. Người ta lại xin quỹ đất ở đấy để tạo dựng ra giá trị, nhưng vấn đề chính là xác định giá trị quỹ đất tương ứng với giá trị BT nó ở mức độ nào.

Qua công tác thanh tra kiểm tra vừa rồi, tôi thấy rằng xác định giá trị quỹ đất là sự mất mát rất lớn nguồn lực của Nhà nước ở chỗ này: Định giá đất lại dựa trên các công ty thẩm định giá và thực hiện bằng các phương pháp do Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 145 sau này là Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và môi trường. Các Thông tư này hướng dẫn các phương pháp như là phương pháp so sánh, phương pháp thu thập, phương pháp thặng dư và mấy phương pháp nữa để  đưa ra một con số.

Thế nhưng cũng với tất cả các phương pháp ấy, qua các kết qua kiểm tra đối với các công ty thẩm định giá, thậm chí tôi đã phải ngồi đối diện làm việc rất nhiều về nội dung này thì thấy rằng, kết quả định giá mà chúng tôi xem xét, đánh giá so với kết quả của các công ty thẩm định giá đó là khác nhau một trời một vực.

Qua kết luận thanh tra dự án BT của Hà Nội, mức chênh lệch không phải chỉ vài nghìn tỷ đâu. Bởi chỉ cần một dự án đã lệch vài nghìn tỷ rồi. Tất cả mấy chục dự án , khoảng 61 dự án có trong danh mục BT, mức lệch là khủng khiếp lắm.

Tuy nhiên, cơ quan Nhà nước lại công nhận kết quả thẩm định giá của các công ty đó, trong khi, các công ty thẩm định giá đó lại là do nhà đầu tư ký hợp đồng. Tức là, người ta sẽ mong muốn làm sao cho kết quả định giá đáp ứng được nhu cầu của người ta.

Cho nên , tôi ví dụ như ở một khu đất rộng 192 ha (phía Tây Hà Nội) của một tập đoàn tư nhân làm dự án BT, sau khi định giá, được trừ chi phí xây dựng hạ tầng, được trừ công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước đối với 192 ha đó là 1.100 tỷ. Con số 1.100 tỷ đó lại được trừ đi phần thực hiện dự án BT hơn 700 tỷ rồi, Tập đoàn này chỉ còn nộp cho nhà nước 327 tỷ đồng.

Nhà đầu tư chỉ nộp ngân sách hơn 327 tỷ đồng để lấy 1 mảnh đất 192 ha. Ngay sau đó, giá bán đất tại thời điểm năm 2009 của chính tập đoàn đưa ra, khi họ lên sàn bán thì chỉ cần bán 20 ha là đã quá thừa đủ tất cả. Những số tiền này bao gồm cả lợi nhuận trong ấy, vấn đề còn lại khoảng 150, 160 ha còn lại thì thấy, lợi nhuận nó khủng khiếp đến mức độ nào.

Rõ ràng việc định giá của chúng ta là thất thoát rất lớn. Cho nên dù pháp luật có đặt ra có chặt chẽ đến mức độ nào nếu như con đường thực thi làm không trung thực, không tâm huyết thì nguồn lực của đất nước vẫn sẽ mất mất với sự buông lỏng quản lý như vừa rồi thì mất mát là điều không thể tránh khỏi.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Trọng, một mình Nghị định 15 nếu có sửa đổi hoàn thiện cũng không thể hạn chế được tất cả những bất cập hiện nay trong các dự án BT. 

Vậy thì từ góc độ của cơ quan Kiểm toán Nhà nước ngoài các vấn đề liên quan trực tiếp đến Nghị định 15, xin ông có thể nói rõ hơn là cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã có những kiến nghị cụ thể như thế nào về vai trò cũng như trách nhiệm của các cơ quan bộ ngành liên quan để quản lý dự án BT tốt hơn?

PGS.TS Lê Huy Trọng: Qua kết quả kiểm toán của dự án BT và BOT, kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ và có kiến nghị rất nhiều điểm.

Trong đó ví dụ, chúng tôi có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến Nghị định 30 để quy định những trường hợp đặc thù nào không thể đấu thầu được thì phải chỉ định thầu và hạn chế việc chỉ định thầu hay kiến nghị với Bộ Tài chính về xác định lãi suất trần là bao nhiêu để quy định thời gian thanh toán là bao nhiêu để cho nó hoàn thiện văn bản của pháp luật.

Đối với Bộ Giao thông cũng kiến nghị cái trạm đường hay là những cái điều kiện để thực hiện. Với BOT cũng có kiến nghị là không BOT trên những tuyến đường độc đạo đã có đường cũ chẳng hạn đấy cũng là 1 cái thực tế mà chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.

Cũng như GS Đặng Hùng Võ đã nói là người ta làm một cái cầu ra nhưng mục tiêu người ta lại là lấy đất như vậy mình xác định giá  chỗ ấy mới là vấn đề. Vì lúc đảo không có ai ở đấy thì giá chỉ 100.000 đồng/m2  nhưng khi có cầu ra, đường ra thì nó lại khác mà ta thanh toán với họ với giá 100.000 đồng/m2 là bất hợp lý.

Ngay như khu đô thị mà tôi đang ở thì lúc đầu trả giá cho dân có 12triệu/ sào, sau đấy đấu tranh lên đến 36 triệu đồng/sao.  Như vậy có 100.000/m2 trong khi hiện nay đất tôi ở là 48triêu đồng/m2  trong khu Vườn Tùng. Rõ ràng đấy là vấn đề kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

Do vậy, có thể thấy, vấn đề lớn thứ nhất là phải thực hiện đấu thầu. Đấy là điều tiên quyết tránh cái lỗ hổng kép, vừa là giữa việc chủ đầu tư không phải đấu thầu và sử dụng đất cũng không phải đấu giá.

Vấn đề lớn thứ hai, chúng tôi đã kiến nghị đến Viện kiểm toán nhà nước, dự án BT phải  nằm trong kế hoạch đầu tư công, phải được thông qua HĐND và sáng rõ, ai là người chịu trách nhiệm.

Thứ 3, chúng tôi đã đưa ra hàng loạt các kiến nghị khác với Chính phủ, Quốc hội với vai trò là một kênh độc lập và các kiến nghị này nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm toán các dự án BT. Ví dụ tới 2018 chúng tôi sẽ thực hiện một số dự án BT như dự án thoát nước của TP.HCM ( dự án của tập đoàn Trung Nam) .

Không quyết toán được, giá đất BT lại bỏ ngỏ

Nhà báo Phạm Huyền: Ở dự án BOT chẳng hạn thì nhà đầu tư xây đường sau đó được phép thu phí và rõ ràng cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được dễ dàng phần lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể gặt hái được.

Vậy đối với dự án BT theo ông làm thế nào để có thể giám sát mức lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư không để tình trạng nhà đầu tư thu lợi từ nguồn lực tài sản công đất đai trở nên siêu lợi nhuận một cách vô lý như vậy?

PGS.TS Lê Huy Trọng: Đối với dự án BOT, sau xây dựng xong, người ta thu phí cho nên người dân đấu tranh trực tiếp rất nhiều. Nhưng đối với dự án BT, người dân coi đó là việc của nhà nước nên không quan tâm nhiều.

Vì vậy có những lỗ hổng như là GS Đặng Hùng Võ và anh Sơn nói, các nhà chủ đầu tư đề xuất các dự án, vẽ ra dự toán... nên lợi nhuận ra sao là do họ tự vẽ ra.  Trong khi đó, do chưa thể kiểm toán kỹ thuật, chúng ta cũng chưa thể tính chính xác lợi nhuận nhà đầu tư bao nhiêu.

Tôi nói ví dụ như Kiểm toán Nhà nước kiểm toán khu Bảo tàng Hà Nội thì cũng chỉ dưa trên xuất toán, chúng tôi cũng có thể tính được giá trị của nó là bao nhiêu nhưng là chỉ phần tài chính thôi, và về mặt kỹ thuật thì chưa.  Thực ra là có một vấn đề nan giải ở quản lý, giám sát các dự án BT hiện nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy thưa ông Trần Kỳ Sơn, chế tài nào để các nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm hơn khi họ tham gia vào một dự án BT như vậy?

Ông Trần Kỳ Sơn: Nhà đầu tư thì luôn luôn mong muốn có lợi nhuận, người ta làm cái gì thì cũng phải đảm bảo cái lợi nhuận của người ta trên hết. Thế thì trách nhiệm của Nhà nước là làm sao cho nó hài hòa lợi ích 3 bên, của nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích của xã hội.

Ở đây, Nhà nước có nguồn lực đất đai bởi BT chỉ được thanh toán bằng đất cho nên đất. Vậy thì Nhà nước phải đưa ra tất cả các yêu cầu, quy định kiểm soát mà chúng ta đã bàn, đơn cử như kiểm soát đơn giá sử dụng đất.

Không nhà đầu tư này đầu tư vào mảnh đất này thì cũng có nhà đầu tư khác đầu tư vào mảnh đất đó, miễn mảnh đất đó nằm ở trong quy hoạch phát triển, đúng với định hướng phát triển của địa phương. Chúng ta làm sao phải xác định được giá trị của mảnh đất cho phù hợp với giá thị trường.

Chúng ta đều mong muốn rằng ở dự án BT đó, mảnh đất được đấu giá  một cách công khai minh bạch. Tuy nhiên,  rõ ràng là trong cái điều kiện hiện nay, việc giải phóng mặt bằng cũng chưa thuận lợi. Khi hạ tầng chưa có, chúng ta đưa ra đấu giá ngay thì cũng không thu được hiệu quả lớn. Thế nhưng, để nhà đầu tư đầu tư hạ tầng xong, mới đấu giá đất để trả cho nhà đầu tư thì sẽ như thế nào? Đấy cũng là một câu chuyện mà chúng ta cần phải xác định rõ.

Tuy nhiên, hiện còn một điểm mà tôi rất phản đối về việc giao đất. Trước đây, với Thông tư 166 của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính đối với dự BT thì nhìn chung, dự án phải hoàn thành xong, bàn giao thì nhà đầu tư mới được thanh toán bằng tiền tại thời điểm đó hoặc thanh toán bằng quỹ đất tương ứng.

Nhưng bây giờ, lại có những dự án từ năm  2015 trở đi được điều chỉnh rằng, nhà đầu tư được giao ngay đất trong quá trình kí kết xong hợp đồng, được giao ngay trong quá trình thực hiện. Thế thì, làm vậy sẽ nảy sinh câu chuyện bất cập.

Ví dụ như trục đường vào khu đô thị dự án Xuân Phương của Tasco, thực tế đã được giao đất và bán đất xong xuôi từ lâu rồi nhưng ì ạch mãi đến vừa rồi mới khánh thành.

Còn một loạt các dự án BT khác vẫn còn dở dang trong khi đất thì Nhà nước đã giao rồi. Tôi cũng muốn đề nghị Kiểm toán xem xét, bây giờ nếu dự án không làm nữa thì quỹ đất đó được xác định lại là như thế nào?

Theo thông tin tôi nắm được, các dự án BT hầu hết hiện nay vẫn chưa có dự án nào quyết toán. Dự án BT không quyết toán thì chúng ta làm thế nào xác định giá trị đất là tương xứng hay không tương xứng? Đây là một khó khăn lớn.

Những điểm sơ hở đó, chúng ta cần xem xét điều chỉnh ở trong quy định cho BT sắp tới sao cho nó chặt chẽ hơn, từ việc đối với đất đai chúng ta quy định như thế nào, với tài chính quy định như thế nào, hay với phần xây dựng các dự án thì chúng ta quy định như thế nào? Việc sửa cơ chế chính sách vừa chặt chẽ, vừa phải đáp ứng đươc mục tiêu hài hòa giữa xã hội, giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Nhà báo Phạm Huyền: Các dự án BT tới đây có thực hiện một cách minh bạch được hay không có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của các cơ quan ban ngành trong việc hoàn thiện chính sách một cách chặt chẽ, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thực hiện của từng cá nhân những người đứng đầu và đặc biệt không thể thiếu vai trò của các thanh tra và kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn 3 vị khách mời và xin hẹn gặp lại tại chương trình Bàn tròn trực tuyến sau! 

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Xuân Quý, Thuý Hồng

Email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn

XEM THÊM:

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT.

Thái Bình đấu giá các khu đất đối ứng dự án BT

Thái Bình đấu giá các khu đất đối ứng dự án BT

Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ tổ chức đấu giá đất đối ứng của các dự án BT.

Thái Bình xem lại các dự án BT

Thái Bình xem lại các dự án BT

UBND tỉnh Thái Bình ban hành công văn về việc xem xét lại việc thực hiện các dự án BT, trong đó có dự án xây Trung tâm hội nghị.