- Từ góc nhìn một chủ doanh nghiệp tư nhân, đại biểu QH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng nếu có cơ chế mở, doanh nghiệp nhà nước sẽ chọn được người tài làm lãnh đạo.
Trao đổi với VietNamNet bên hành lang QH sáng nay (2/11), ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường chỉ ra những rào cản đối với lãnh đạo các DN nhà nước và khuyến nghị những vấn đề cốt lõi trong tuyển dụng người tài.
Trong việc chọn lựa lãnh đạo doanh nghiệp, các DN tư nhân có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với các DN nhà nước?
Một tập đoàn hay một công ty tư nhân, không nói về cơ cấu sở hữu mà về nguyên tắc, người cầm trịch hoặc người điều hành doanh nghiệp luôn đóng vai trò rất quan trọng. Người đó là đầu tàu, nếu anh mạnh, nhiều sáng kiến, tập hợp được nhiều trí tuệ, chất xám của cấp dưới, chắc chắn đoàn tàu sẽ chạy nhanh và tốt.
DN tư nhân có những cơ chế thoáng hơn về nhân sự. Khối DN nhà nước cần cơ chế thoáng và cởi mở hơn trong việc tuyển dụng nhân sự.
ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Khối DN nhà nước cần cơ chế thoáng và cởi mở hơn trong việc tuyển dụng nhân sự. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuyển được lãnh đạo có đủ tâm và tầm, không những DN nhà nước có thể thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, mà còn tạo động lực để các khối khác phát triển.
Nếu bà được mời xắn tay vực dậy một DN nhà nước, bà có sẵn lòng?
Nếu có cơ chế chính sách đúng đắn, có chế độ tiền lương cũng như cơ chế về mặt nhân sự mở, tất cả công dân Việt Nam thấy đủ năng lực, đủ tài trí đều có thể ứng cử.
Đó là một cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, sẽ chọn ra được người tài. Điều cơ bản nhất là càng nhiều cạnh tranh, càng mở rộng quyền tự do lựa chọn thì chắc chắn ta không thiếu nhân tài.
Để tập đoàn nhà nước tìm được người lãnh đạo giỏi, cơ chế tiền lương cần được chỉnh sửa để đảm bảo công sức, tâm huyết họ bỏ ra để phát triển tập đoàn được đền bù xứng đáng. Như thế cũng sẽ hạn chế nhiều mặt tiêu cực khác.
Theo bà, các tập đoàn, DN nhà nước hiện nay đang vấp phải sự cản trở, khó khăn, lực cản nào khiến người lãnh đạo khó phát huy hết khả năng?
Lợi thế của các DN nhà nước là nắm nguồn lực rất lớn của quốc gia về đất đai, vốn, các mối quan hệ xã hội, thủ tục hành chính. Có cảm giác các cơ quan công quyền làm việc với DN nhà nước yên tâm hơn.
Nhưng DN nhà nước sử dụng tiền của dân nên phải chịu sự ràng buộc nhất định. Nếu có cơ chế tốt để mở sức sáng tạo trong DN nhà nước, như cơ chế tiền lương cho phép họ mời, kể cả tổng giám đốc nước ngoài. Tất nhiên người đó phải hoạt động trong cơ chế, phải đảm bảo làm ra lợi nhuận…
Nhà nước phải tạo ra cơ chế để tránh trường hợp xin - cho.
Qua câu chuyện Vinashin, bà đánh giá như thế nào về cách dùng người, cách quy trách nhiệm trong doanh nghiệp nhà nước?
Vinashin chỉ là một vụ, trong nền kinh tế còn nhiều DN, nhiều thành phần khác nhau, quan trọng là tạo ra cơ chế đồng bộ và thống nhất.
Cơ chế đó phải tạo điều kiện cho những người lãnh đạo và cả bộ máy phát huy sáng tạo và được cống hiến. Đó là cái tốt nhất, chứ nếu cứ làm theo mệnh lệnh của một người, thì…
Có một câu thành ngữ rất hay: Trí tuệ của một người là tốt nhưng trí tuệ của hai người trở lên chắc chắn sẽ tốt hơn. Cơ chế này có thể áp dụng vào tập đoàn, DN nhà nước và cả DN tư nhân nữa.
Chung Hoàng - Tá Lâm