Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi quan điểm đầu tư cho KHCN như một dịch vụ công thì sẽ không có tác động lớn tới việc thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Cấp phát kinh phí không theo kiểu truyền thống

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia (NATIF) cho biết, điểm chung của các quỹ đổi mới công nghệ hiện nay được thực hiện theo các cơ chế là nhà nước cấp và thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng như là các viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân.

Cơ chế thực hiện đối với các đề tài, dự án được cấp vốn sẽ được điều chuyển sang các năm tiếp theo mà không cần tuân theo quy định kế hoạch năm tài chính.

Khi ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực khoa học và công nghệ còn khiêm tốn thì các quỹ nói trên được kỳ vọng là tạo ra một cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học và doanh nghiệp được tiếp cận một trách trực tiếp và kịp thời nguồn đầu tư của nhà nước và các nguồn tài trợ khác, được hưởng thu nhập tương xứng với kết quả sáng tạo và tiến độ thực hiện hoạt động khoa học của mình.

{keywords}
Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia (NATIF)

Sự thành công được thừa nhận rộng rãi của Quỹ Phát triển  khoa học và công nghệ Quốc gia Nafosted thời gian qua đã chứng minh ưu thế trong cơ chế vận hành của quỹ so với phương thức cấp phát kinh phí theo kiểu kế hoạch truyền thống. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ Khoa học và công nghệ thành lập thêm Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia NATIF.

Ngoài ra, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” là dự án đầu tiên về Khoa học và Công nghệ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cũng có cơ chế hỗ trợ dang quỹ.

Có hiệu lực từ tháng 10/2013 nhưng đến tháng 8/2014, FIRST mới mở đợt kêu gọi đầu tiên. Từ năm 2015 tới nay, quỹ đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, đã có tiếp nhận là 284 đề xuất nguyện vọng của các doanh nghiệp, trong đó có 170 phiếu đề xuất chính thức đã gửi lên quỹ, hiện quỹ đã ký hợp đồng với 14 nhiệm vụ.

Viện nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa -VIELINA thuộc Bộ Công thương là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ của FIRST để thực hiện dự án về nâng cao năng lực về thiết kế chế tạo các hệ thống điện tử tích hợp dùng cho ngành năng lượng, ngành khai thác khoảng sản hầm lò.

Những thiết bị thuộc hệ thống điều khiển giám sát tập trung này có tên là thiết bị chuyển mạch mạng vòng, có nhiệm vụ đảm nhiệm trục truyền thông chính của hệ thống đang chuẩn bị được Viện bàn giao cho Công ty than Uông Bí.

Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được sản xuất bằng nguồn kinh phí do FIRST tài trợ theo thỏa thuận ban đầu mức tối đa gần 3 triệu 200 nghìn đô.

Từ cơ chế đến tư duy

Mặc dù cơ chế quỹ tạo ra sự thông thoáng nhất định, tuy nhiên, sau 3 năm, tới nay Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia mới hỗ trợ được 14 nhiệm vụ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con số quá ít so với nhu cầu về vốn để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ của cá nhân và doanh nghiệp cần trong thực tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bình cho rằng, về phía doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đối với quỹ không chỉ là các cơ chế văn bản và chính sách. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp thì việc viết các dự án đăng ký tham gia dự án KHCN là một việc thực sự  khá khó khăn.

Hơn nữa, đối với doanh nghiệp Quỹ chỉ hỗ trợ là tối đa là 30% tổng số vốn trong dự án KHCN, 70% vốn còn lại của doanh nghiệp, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ nên việc đối ứng 70% thực sự khó khăn với doanh nghiệp.     

{keywords}
Cơ chế quỹ được cho là "lối thoát" cho hỗ trợ nghiên cứu khoa học

           Không chỉ khó khăn trong việc thực hiện chức năng hỗ trợ vốn mà chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn của Quỹ cũng gần như chưa thể triển khai mà trong đó nguyên nhân chủ yếu là do bị ràng buộc bởi các văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngân sách.

Không chỉ Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia NATIF ngay cả các dự án như FIRST được kỳ vọng sẽ thay đổi phương thức cấp phát kinh phí so với cách thức truyền thống cũng chưa phát huy được vai trò của mình.

Sau 5 năm thành lập FIRST mới hỗ trợ được 10 tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ công lập, triển khai được 17 đề xuất mời chuyên gia giỏi nước ngoài cho một số đơn vị nghiên cứu trong nước, con số này cũng được cho là chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế hiện nay.                            

Lý giải nguyên nhân trên, ông Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án FIRST cho rằng, khó khăn lớn nhất của Dự án First trong thời gian vừa qua đó là sự hài hòa các quy định quản lý tài chính, quản lý đấu thầu giữa chuẩn mực của Ngân hàng thế giới, những quy định trong nước quản lý dòng vốn của World bank cho Việt Nam, và những quy định về việc đầu tư cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.       

Việc có thêm kinh phí để nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học là điều rất cần thiết đối với các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

Tuy nhiên, không phải tổ chức khoa học nào cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ này. Bởi ngoài những khó khăn đến từ quá trình xét duyệt, thương thảo các đề xuất tài trợ hay các thủ tục tài chính... thì một trong những khó khăn lớn nhưng lại đến từ chính các đơn vị thụ hưởng.

Thực tế cho thấy, để phát huy vai trò của Quỹ cần phải có quy chế hoạt động rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao, và điều đầu tiên là phải có bộ máy đủ mạnh có năng lực và trình độ về hoạt động tài chính và hiểu rõ đặc trưng của hoạt động khoa học và công nghệ.

Đối với các đơn vị thụ hưởng cũng cần có những chuẩn bị về năng lực tài chính, trình độ nhận thức, đổi mới và quản trị công nghệ, có như vậy khả năng tiếp cận nguồn hỗ trợ từ các quỹ mới khả thi.

 Mai Hà