- Trước những lo lắng, bức xúc của phụ huynh khi cho con đi mẫu giáo, PGS.TS Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương - nôi đào tạo giáo viên mầm non đã có trao đổi với VietNamNet.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


PGS.TS Nguyễn Văn Lê

Không lấy cá biệt để nói giáo dục mầm non xuống cấp...

Ông có thường xuyên theo dõi thông tin về  giáo dục mầm non trên báo chí không? Ông có thể hình dung giáo dục mầm non trong mắt phụ huynh hiện nay như thế nào?

- Tôi thường đọc các báo và theo dõi cả các diễn đàn. Qua đó có thể thấy nhiều bức xúc của phụ huynh về giáo dục mầm non. Có nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Trong thực tế, ở trường mầm non, có những trường để xảy ra tai nạn cho các cháu, có trường chăm sóc chưa tốt, thu tiền cao vượt quá quy định, cơ sở vật chất kém. Nhưng quan trọng nhất là chưa quản lý tốt hệ thống trường tư. Chương trình chưa thống nhất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, nặng về trông trẻ chứ không dạy dỗ. Nhưng theo tôi cái đó không phải là hiện tượng phổ biến, không phải để nói giáo dục mầm non xuống cấp hay yếu kém...

Theo ông, làm thế nào để giúp phụ huynh có một cái nhìn đúng đắn, toàn diện?

- Hãy mời tất cả những phụ huynh, những ai còn đứng ngoài cuộc, còn chưa có điều kiện tham gia hãy dự một vài buổi sinh hoạt của các cháu trong ngày thì sẽ nắm được cách nuôi, cách dạy các cháu như thế nào.

Phụ huynh hãy so sánh con mình khi con ở nhà và khi đi học. Nếu cháu không đi học, ở nhà có thể người giúp việc chăm sóc thật tốt, cho ăn thật ngon, đồ chơi thật đẹp. Nhưng khi con đến lớp, hòa nhập vào tình cảm xã hội, con lấy đồ chơi của cháu khác, của nhà trường đem về và không bao giờ cho người khác chơi đồ của cháu. Đó là sự thiệt thòi lớn về mặt tình cảm xã hội. Tiền đề phát triển nhân cách sẽ bị què quặt về sau này.

Ông có nghĩ những gì ông chứng kiến chỉ là một phần và có thể, ở bậc CĐ, ở một số ít trường thực hành tập hợp được những giáo viên giỏi không?

- Hiện nay ở nước ta đào tạo giáo dục mầm non ở nhiều cung bậc. Cao nhất là đào tạo Thạc sĩ giáo dục mầm non. Cả nước có 3 trường CĐ Sư phạm trung ương ở Hà Nội, Nha Trang, TP HCM. Các trường ĐH đào tạo mầm non hiện nay số lượng rất ít, mỗi năm chỉ được một lớp. Lực lượng chủ chốt của mầm non hiện nay ở CĐ.

Chưa có một tổng kết bài bản, khoa học nào nói rằng cơ sở này kém, cơ sở kia hơn. Nhưng nếu các trường tư thục lấy các cô giáo trình độ thấp ở sơ cấp hay một số trung tâm đào tạo “lang băm” thì chất lượng kém là đúng. Đó là điều có thật.

Các sở GD-ĐT phải quản lý rất chặt, phải khảo sát tổng thể để đánh giá các trường, yêu cầu các trường đáp ứng các tiêu chí mới được cấp phép hoạt động.

Đào tạo giáo viên hiện chưa đáp ứng

Vậy ông nghĩ gì về những phản ánh của phụ huynh học trò rằng cô đánh, phạt bằng những hình thức phản sư phạm?

- Những trường hợp cô đánh, phạt cháu - tôi cho rằng không bao giờ phổ biến. Vì dù sao cũng có tập thể, bao giờ người ta cũng lên án.

Tôi có nghe hiện tượng học sinh mẫu giáo phải học kiến thức không phù hợp lứa tuổi các em dưới hình thức này hay hình thức khác nhưng tôi cho rằng nó không phổ biến. Trong những trường tôi thấy được và tôi quản lý, chương trình tương đối tốt. Các lớp đưa ra theo nhu cầu của trẻ và đặc biệt là nhu cầu của phụ huynh.

Thực ra phụ huynh bây giờ rất chọn lọc. Họ cũng rất khôn. Không phải chương trình nào họ cũng đóng, cũng học, không phải cô giáo ép thế này, thế kia mà họ theo. Tất nhiên cũng có trường tổ chức hoạt động cho các cháu không khoa học.

Điều quan trọng hiện nay là các trường cần nhận các cháu khuyết tật ở mức độ nhẹ để giáo dục, giúp các cháu hòa nhập.

Về vấn đề dạy học sinh khuyết tật, các cô giáo được đào tạo trong trường như thế nào?

- Trong chương trình có một môn “Nhập môn giáo dục đặc biệt” gồm 3 đơn vị học trình bắt buộc đối với ngành gáo dục mầm non. Năm tới tôi sẽ triển khai tất cả các ngành học trong trường phải học môn này dưới hình thức môn tự chọn nhưng có tính bắt buộc.

Thời lượng học về học sinh khuyết tật như vậy có quá ít? 

- Đây không phải chuyên ngành đối với các khoa khác vì đã có khoa giáo dục đặc biệt riêng học 3 năm. Trước kia tôi từng kiến nghị với Bộ GD-ĐT phải có ít nhất một giáo viên giáo dục đặc biệt ở trường mầm non. Đây là điều quan trọng đối với trường để giải quyết vấn đề xã hội hiện nay là các cháu tự kỷ số lượng ngày một tăng.

Hiện tại, kiến nghị này của ông được Bộ GD-ĐT trả lời như thế nào?

- Thực ra đó là mong muốn của mình vậy thôi. Còn phụ thuộc vào địa phương họ có biên chế không, trường người ta có nhận không, lương trả như thế nào. Việc này không phải tầm tay của ngành giáo dục.

Việc đào tạo giáo viên cho giáo dục đặc biệt và ngay cả giáo viên mầm non bình thường thì hiện nay chúng tôi chưa đáp ứng xuể.

- Cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hường (thực hiện)