Cô dâu xinh đẹp nhận của hồi môn khủng trong đám cưới
Đám cưới của Lê Thị Tường Di (19 tuổi, Long An) và chú rể Việt kiều Robin Nguyễn diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua được cộng đồng mạng quan tâm.
Mẹ cô dâu và chú rể cùng quê Long An nên quen biết nhau từ trước. Mỗi khi về Việt Nam, nhà chồng của Tường Di thường ở tại nhà của cô, đi du lịch cùng với gia đình cô. Hai gia đình thân thiết và hiểu nhau rất rõ.
“Tường Di và chồng là bạn thanh mai trúc mã, chơi với nhau rất vô tư. Trước đây có lúc 2 mẹ nói vui không khéo thành thông gia, vậy mà sau lại thành thật luôn. Tường Di và Robin rất ngoan và giản dị. Chuyện yêu đương hẹn hò của Di và chồng không có gì đặc biệt hay phô trương cả”, bà Trần Thị Ngọc Giàu (mẹ của Tường Di) nói.
Sau 2 năm bên nhau, Robin cầu hôn Tường Di. Không phải tại một bờ biển lãng mạn, cũng không phải ở nhà hàng sang trọng, chàng Việt kiều cầu hôn bạn gái trước mặt đông đủ gia đình 2 bên ngay tại nhà. Khoảnh khắc thiêng liêng của đôi trẻ diễn ra trong khung cảnh rất đỗi bình dị nhưng đủ khiến cả nhà vỡ òa hạnh phúc.
Cô dâu chú rể hạnh phúc trong đám cưới.
Chứng kiến quá trình các con cùng nhau lớn lên, hiểu rõ tính cách của con, lại biết con gái của mình luôn được yêu thương, mẹ Tường Di hoàn toàn yên tâm khi con mới 19 tuổi đã “làm dâu nhà người ta”.
Theo quan niệm của người miền Tây, trong ngày cưới của con, chị Giàu tặng con 200 triệu và 4 cây vàng.
Chị nói: “Mẹ không cho con nhiều tiền vì có bao nhiêu làm từ thiện hết rồi. Mẹ cho con 1 phần nào đó gọi là, để trao cho con tâm đức và tấm lòng yêu thương chia sẻ, để sau này con học hỏi rồi làm giống mẹ”.
Nói về số quà hồi môn khủng mà con gái nhận được từ gia đình chồng, chị Giàu cho biết: “Từ trước tới nay, tôi không đề cao vật chất. Tôi cũng không bất ngờ hay chê số tài sản gia đình chồng cho con gái là ít hay nhiều. Quan trọng nhất là con lấy chồng được vào gia đình chồng hiểu biết, yêu thương và sống có đức”.
Gia đình Tường Di ăn chay trường, nhà chồng cô cũng rất ủng hộ. Vì thế, cỗ cưới của đôi trẻ, gia đình sử dụng hoàn toàn cỗ chay đãi khách. “Trong tiệc cưới gia đình đãi khách 100% cỗ chay, hoàn toàn không có bia rượu”, chị Ngọc Giàu chia sẻ.
“Kiếm được 10 phần, tôi làm từ thiện 7-8 phần, dành cho chồng con 2-3 phần”
Được cộng đồng mạng chú ý vì món quà cưới trị giá hàng chục tỉ đồng, ít ai biết rằng, cô dâu Tường Di lại có lối sống giản dị, ăn chay trường và được người dân quanh vùng biết tới vì thường xuyên theo mẹ làm từ thiện.
Mới đầu, khi những hình ảnh về đám cưới của Tường Di được bên tổ chức sự kiện chia sẻ lên mạng xã hội thu hút sự chú ý của mọi người, chị Ngọc Giàu không vui. Nhưng sau khi nghĩ lại, chị nghĩ đó là do sự yêu mến của mọi người dành cho con gái và gia đình chị. Đó cũng là điều đáng quý của gia đình.
Chị Giàu không thích nổi tiếng, không muốn bị nói là khoe của. Chị sợ những ý kiến trái chiều đó sẽ làm cho con gái chị không vui, cản trở con đường đạo hạnh con đang theo.
Với chị Giàu, việc mang phần lớn số tiền làm ra đi từ thiện là bình thường, trong xã hội còn có nhiều người giàu có hơn chị, làm từ thiện nhiều hơn chị.
“Gia đình chúng tôi đi lên từ nghèo khó nên hiểu rất rõ nỗi khổ của những người nghèo. Tôi luôn dạy con sống biết chia sẻ yêu thương, nếu thiếu 2 cái đó cuộc sống không có ý nghĩa gì”, chị Giàu nói.
Tường Di thường chụp ảnh lưu lại những hoạt động từ thiện làm kỷ niệm. Cô quan niệm: "Một mình mình không thể nào giúp được tất cả mọi người, cần lan tỏa rộng để nhiều người biết và làm giống mình".
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cứ vào ngày 14,15 và 29, 30 hàng tháng gia đình chị Giàu lại phát 500 phần cơm chay tại ngã 3 đường gần khu công nghiệp Đức Hòa cho công nhân, người lao động, xe ôm,…
"Cả nhà huy động hết nhân lực, tự làm từ A-Z, tuy cực nhưng rất vui. Chỉ trong vòng 30 phút, 500 suất cơm chay được chia sẻ hết", chị Giàu nhớ lại.
Khi dịch bùng phát, chị Giàu và con gái chuẩn bị nhiều suất quà gồm tiền, thực phẩm... để giúp đỡ những người khó khăn. Có những lúc, chị Giàu và con gái Tường Di bán hết đồ nữ trang, vòng vàng lấy tiền làm từ thiện. Chị Giàu quan niệm: "Những vật ngoài thân nay có thể là của mình nhưng mai là của người khác, không có cũng không sao. Nhưng nếu sống không có đạo đức và thiếu sự sẻ chia thì cuộc sống không có ý nghĩa".
Khi giúp đỡ được những người nghèo khổ, tật nguyền, những người bán vé số khó khăn dù chỉ từ 50 - 100.000đ hay tiền triệu, nhìn thấy họ rạng rỡ vui vẻ, giúp họ ngày nào không phải lo lắng cơm áo gạo tiền là ngày đó chị Giàu cảm thấy hạnh phúc.
“Thay vì bỏ tiền ra mua sắm, xem phim hay ăn nhà hàng để mua vui cá nhân, tôi tặng mọi người số tiền đó để sẻ chia niềm vui cho họ, điều đó mang lại hạnh phúc cho tôi. Vì thế, bỏ tiền ra giúp mọi người tôi không tiếc. Làm được 10 phần, tôi sẽ dùng 7 -8 phần làm thiện nguyện, để lại cho gia đình chồng con 2-3 phần thôi. Ai nói tôi khùng điên tôi vẫn làm”, chị Giàu nói.
Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp