Điện "không đủ" cho cơm chín
Theo phản ánh của người dân thôn Ngọc Sơn (xã Hà Sơn, Hà Trung), nhiều năm qua, họ phải sống trong cảnh khổ sở vì nguồn điện yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, điện yếu chập chờn khiến nhiều thiết bị điện trong nhà bị hư hỏng.
Ông Trần Văn Gian (SN 1961) cho biết, thực trạng điện yếu ở thôn đã diễn ra nhiều năm nay. Thời gian gần đây, nguồn điện càng trở nên yếu trầm trọng. Vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều, gia đình ông không thể cắm được nồi cơm.
“Để có cơm ăn, cứ trước khi đi làm là nhà tôi phải cắm nồi cơm từ sáng. Lắm hôm về nhà, lấy cơm ra ăn, nồi cơm bị nhão nhoẹt do điện chập chờn”, ông Gian cho biết.
Cũng theo ông Gian, thời gian qua, nhiều thiết bị điện trong gia đình ông đã bị hư hỏng. Mới đây, khi hai vợ chồng đang xem tivi, bỗng nhiên màn hình tối đen và không vào điện được nữa.
“Tôi phải mang tivi đi sửa hết 1,5 triệu đồng, về mở lên điện yếu, chập chờn, nên không dám xem nữa. Hôm nhà có khách, lấy nồi lẩu ra nấu nhưng điện vào không đủ chạy, tôi phải sang hàng xóm mượn bếp gas mini về sử dụng”, ông Gian bức xúc nói.
Còn bà Lê Thị Miên cho biết, mùa hè nắng nóng nhưng gia đình bà không dám lắp điều hòa, bởi có lắp cũng không thể dùng được.
“Mùa đông, điện cũng không đủ tải để bật bình nước nóng lạnh. Cứ buổi chiều nhà tôi phải nấu nước bằng bếp củi để tắm. Quần áo trong máy giặt phải đến nửa đêm may ra mới chạy được”, bà Miên nói.
Cách nhà bà Miên không xa là nhà bà Lê Thị Luyến (SN 1972). Những năm trước, bà Luyến thường xuyên nấu cơm bằng nồi cơm điện. Tuy nhiên, gần đây, điện quá yếu khiến nồi cơm điện của bà bị hỏng, gia đình bà phải chuyển sang nấu bằng bếp củi.
“Lắm hôm đi làm đồng về, lấy khay đá trong tủ lạnh ra uống thì đá và thức ăn bên trong đã bị chảy nước, giờ gia đình tôi không dám bỏ thức ăn trong tủ lạnh nữa”, bà Luyến cho biết.
Nhiều thiết bị hỏng do điện chập chờn
Ông Trần Đức Hợp - Trưởng thôn Ngọc Sơn - cho biết, cả thôn có 200 hộ dân, hơn một nửa phải sử dụng điện yếu. Thực trạng trên đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng yếu nhất là khoảng thời gian từ đầu năm trở lại đây.
“Điện yếu, người dân không thể sử dụng được các thiết bị trong nhà, nhiều đồ đạc bị hư hỏng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh lên xã về vấn đề này”, ông Hợp thông tin.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Phó chủ tịch UBND xã Hà Sơn, cho biết, thực trạng điện yếu không chỉ ở thôn Ngọc Sơn mà còn diễn ra ở thôn Vĩnh An, với tổng số khoảng 200 hộ dân. Việc này nhiều lần cử tri đã có ý kiến.
Theo ông Ngọ, nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng điện của người dân những năm gần đây tăng cao, trong khi đường dây quá cũ, không được nâng cấp. Hơn nữa, trạm biến áp được Công ty cổ phần Điện Thanh Hóa (đơn vị bán điện cho người dân) đặt không phù hợp, không nằm vị trí trung tâm, dẫn đến các hộ ở cuối nguồn bị yếu.
“Xã đã nhiều lần có văn bản, thậm chí là gọi điện thoại trực tiếp cho công ty mời họ về khảo sát, khắc phục. Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua, phía công ty điện vẫn chưa giải quyết được vấn đề này cho người dân”, ông Ngọ cho biết.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Xuyên - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Kinh doanh Điện Thanh Hóa (đơn vị mua điện từ EVN và bán lại cho người dân) cho biết, doanh nghiệp đã nhận được phản ánh từ phía người dân và chính quyền địa phương liên quan tới nguồn điện yếu xảy ra ở thôn Ngọc Sơn và Vĩnh An.
Ông Xuyên cho hay, về mặt công suất của trạm biến áp là không thiếu. Tuy nhiên, do trạm cách 1,3km, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày một nhiều, dẫn đến phụ tải tăng lên, đường dây bị yếu.
"Giờ cao điểm không cắm được nồi cơm như phản ánh là đúng. Việc nhiều thiết bị điện hư hỏng, chúng tôi cũng đã nắm được. Nguyên nhân là do điện chập chờn lúc yếu, lúc mạnh, làm cho rơ le của các thiết bị nhảy liên tục dẫn đến cháy, hư hỏng.
Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con nên dùng điện san sẻ, không nên dùng cục bộ vào giờ cao điểm", ông Xuyên nói. Công ty đang phối hợp với chính quyền địa phương bàn phương án xử lý.