- "Thực tế hiện nay các DNNN trả lương cao hơn quy định cho phép, nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận, nhưng lương lại cao vút. Điều này từ lâu đã gây bức xúc trong xã hội", Chủ nhiệm UB các vấn đề QH Trương Thị Mai nói.
Dự thảo luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được UB Thường vụ QH thảo luận hôm nay (15/7).
Sau khi các ĐBQH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vừa rồi, cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính - vẫn bảo lưu mô hình quản lý nguồn vốn đặc thù này: Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; HĐ thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm UB các vấn đề QH Trương Thị Mai. Ảnh: Minh Thăng |
Tuy nhiên, UB Kinh tế QH - cơ quan thẩm tra - nhận định: việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Do vậy, UB này đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc CP, hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
"Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu nói.
Chủ nhiệm HĐ Dân tộc QH Ksor Phước đồng tình để nguyên mô hình quản lý DNNN hiện nay sẽ "không có gì thay đổi và xã hội rất bức xúc".
"Cái chính là chúng ta không nắm chắc quản lý DNNN với tư cách là một đơn vị kinh tế độc lập trong kinh tế thị trường. Đây là thuế của dân nên dứt khoát nhà nước phải quản lý dù giao bộ A, bộ B quản lý thì nhà nước phải xác định ai thay tôi quản lý tất cả nguồn vốn này", ông Ksor Phước nói.
Nhưng theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, việc thành lập cơ quan quản lý ngành là "thụt lùi": Doanh nghiệp “khổ” nhất là khi muốn đầu tư gì là phải “trình, bẩm”, khi được thông qua quyết định đầu tư thì đã lỡ mất cơ hội.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu thêm về mô hình quản lý chứ không thành lập cơ quan mới, làm phát sinh bộ máy.
DNNN làm ăn kém mà lương cao
Dự thảo luật dự kiến quy tiền lương, thưởng, thù lao của cả người lao động lẫn người quản lý trong các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước theo hiệu quả công việc.
Theo đó, quỹ tiền lương của người lao động phải gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động, phù hợp với vị trí, chức danh công việc, trình độ chuyên môn kỹ thuật. Quỹ tiền lương của người quản lý doanh nghiệp, ngoài hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn phải gắn với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng người.
Chủ nhiệm UB các vấn đề QH Trương Thị Mai đề nghị lưu ý các quy định của bộ luật Lao động: Tiền lương là khoản phải trả theo thỏa thuận, chính là hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức lương theo công việc, chức danh, phụ cấp và các khoản khác…, và không thấp hơn mức lương tối thiểu.
"Thực tế hiện nay các DNNN trả lương cao hơn quy định cho phép, nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận, nhưng lương lại cao vút. Điều này từ lâu đã gây bức xúc trong xã hội", bà Mai nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn ví dụ lương khủng tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), và khẳng định lương trong các DNNN cũng phải theo bộ luật Lao động.
Chung Hoàng