Ông Osamu Nagayama, Chủ tịch Hội đồng quản trị Toshiba. (Ảnh: Bloomberg) |
Theo Nikkei, hành động phế truất một Chủ tịch công ty của cổ đông là điều hiếm gặp tại Nhật Bản. Đây là thắng lợi đối với các nhà đầu tư vốn đã bất mãn từ khi ông Nagayama được bổ nhiệm. Nó báo hiệu sự mất lòng tin vào Ban quản trị của cổ đông. Ngoài Chủ tịch, cổ đông còn loại bỏ một thành viên trong Hội đồng kiểm toán của Toshiba.
Toshiba cam kết thực hiện nhiều thay đổi hơn. Trước đó, vào ngày 10/6, báo cáo từ cuộc điều tra độc lập được tung ra, cho thấy lãnh đạo Toshiba đã cấu kết với Bộ Thương mại Nhật Bản để gây áp lực lên lá phiếu cổ đông tại cuộc họp năm ngoái. Công ty muốn kiềm chế tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư. Báo cáo kêu gọi cải tổ mạnh mẽ Ban quản trị của một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Cuộc điều tra độc lập do 3 luật sư tiến hành, nêu chi tiết Toshiba phối hợp với quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp để ngăn cản cổ đông đưa ra đề xuất như thế nào. Trọng tâm của cuộc điều tra là cổ đông lớn nhất của Toshiba, quỹ quản lý vốn Effissimo Capital Management. Quỹ từng yêu cầu điều tra độc lập sau khi đặt câu hỏi về kết quả bỏ phiếu tại đại hội đồng cổ đông (AGM) năm 2020.
Sau khi bị thẩm tra tại cuộc họp khẩn cấp hồi tháng 3, các luật sư kết luận cuộc họp AGM năm 2020 của Toshiba “không được quản lý công bằng”. Toshiba đáp lại bằng cách loại bỏ hai giám đốc khỏi danh sách đề cử Hội đồng quản trị cho AGM năm nay, thề tái thiết và đa dạng hóa Ban quản trị để đưa thêm nhiều đại diện nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, cổ đông vẫn chỉ trích quy trình đề cử của Toshiba và danh sách các ứng cử viên Hội đồng quản trị, bao gồm ông Nagayama và Nobuyuki Kobayashi, một thành viên Hội đồng kiểm toán. Ông Kobayashi cũng bị bỏ phiếu chống cùng với ông Nagayama trong cuộc họp hôm nay.
Cổ đông 3D Investment Partners bày tỏ hi vọng cuộc họp sẽ đánh dấu kỷ nguyên mới tại Toshiba, tập trung vào tạo ra giá trị, minh bạch tới tất cả cổ đông. 3D “lạc quan về tương lai và tiềm năng của Toshiba".
Toshiba phải tìm một Chủ tịch mới thay thế ông Nagayama. Theo một quản lý quỹ giấu tên tại Tokyo, ông không cho rằng thay đổi một cách kỳ diệu cách quản trị của Toshiba.
Những năm gần đây, Toshiba gây thất vọng với các bê bối quản trị của mình, bắt đầu từ vụ gian lận kế toán năm 2015. Sau khi huy động 600 tỷ yên (5,4 tỷ USD) từ khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài năm 2017, Toshiba lại đối mặt với yêu cầu ngày một tăng từ các cổ đông, yêu cầu cải thiện khả năng quản trị. Hiện tại, khoảng một nửa cổ phiếu Toshiba nằm trong tay nhà đầu tư ngoại.
Nhật Bản áp dụng bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp từ năm 2015. Nó được cập nhật trong tháng này, bổ sung điều khoản về nhân quyền và khuyến khích thăng chức cho nhân viên nữ, nhân viên ngoại quốc.
Du Lam (Theo Nikkei)
Toshiba - 'Tượng đài' ngành công nghệ đứng bên bờ vực sụp đổ
Sau một giai đoạn dài thành công, Toshiba bắt đầu đi chệch hướng với hàng loạt sai lầm "không thể tha thứ" vào những năm đầu của thế kỷ 21.