Hà Nội lần nữa “nổi tiếng” cả nước bởi vụ cao ốc 8B Lê Trực xây dựng sai phép hoành tráng khi diện tích sai phạm trên 6.000m2 chiều cao sai phép tương đương với… 5 tầng!

Trước những sai phạm “động trời” như vậy, dư luận luôn đặt ra câu hỏi vì sao một công trình “to vật vã” lại có thể hiên ngang giữa thanh thiên bạch nhật?

{keywords}

Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội - Ảnh: Xuân Long

Câu trả lời, qua các bài phân tích, vẫn rất chung chung như là luật pháp không nghiêm, quản lý ngó lơ… Song cốt lõi vấn đề theo tôi là những nguyên do dưới đây.

Thứ nhất, cải cách hành chính tuy đã và đang thấm sâu vào các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có quản lý quy hoạch xây dựng và cấp phép dự án song thực tế ở nhiều địa phương vấn đề này vẫn còn là chuyện đáng bàn.

Tôi cho rằng ở góc độ chủ đầu tư, không ai muốn đối diện với những rắc rối với cơ quan chức năng như những gì đang diễn ra ở cao ốc 8B Lê Trực. Rõ hơn, không chủ đầu tư nào muốn cố tình xây dựng sai phép để cuối cùng phải bị xử phạt gây thiệt hại nặng nề cho chính mình.

Tuy không muốn song rắc rối vẫn cứ xảy ra. Theo tôi cần phải ghi nhận thực tế rằng việc (mong muốn) thay đổi thiết kế là rất phổ biến và bình thường trong hoạt động thi công xây dựng công trình, dự án với rất nhiều nguyên do.

Trong khi công trình đang thi công thường rất khó (nếu không muốn nói là không thể) dừng lại để chờ xin giấy phép điều chỉnh thì thời gian, thủ tục cho công tác này (xin điều chỉnh dự án) hoàn toàn không hề ngắn và đơn giản. Đó là nguyên do cốt lõi của việc “tiền trảm hậu tấu” của hầu hết công trình sai phép.

Vì lẽ đó, với những công trình, dự án đang xây dựng theo giấy phép cần được tạo điều kiện tối đa về thời gian, thủ tục trong trường hợp chủ đầu tư muốn thay đổi (quy mô, hình thức) dự án theo hướng có thể cam kết việc thay đổi thay vì phải dừng thi công chờ điều chỉnh thiết kế và xin giấy phép điều chỉnh vốn cần không ít thời gian và phiền toái.

Tất nhiên, việc cam kết này sẽ được nghiêm túc giám sát và xử lý kịp thời nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết (!).

Thứ hai, với những sai phạm của cao ốc 8B Lê Trực, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhanh chóng báo cáo Thủ tướng và việc làm này được cho là cần kíp.

Cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng cam kết sẽ kiên quyết xử lý sai phạm về chiều cao, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc theo đúng thiết kế và giấy phép xây dựng được cấp, đồng thời cũng cam kết sẽ xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thái độ kiên quyết như vậy của lãnh đạo TP Hà Nội được dư luận đánh giá cao, song lẽ ra phải được “thẩm thấu” thường xuyên và liên tục đến chính quyền các địa phương và tất cả cá nhân, tổ chức hữu trách trong quá trình thực thi công vụ nói chung và cao ốc trên nói riêng, đặc biệt là ngay khi sai phạm được phát hiện.

Rất tiếc điều này đã không xảy ra khi mà cao ốc này liên tiếp xảy ra hàng loạt sai phạm nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng rất cù nhầy, thể hiện qua việc ban hành đến… 27 văn bản (?!).

Cuối cùng, không rõ sau những tranh luận nảy lửa về chủ trương “nộp tiền chuộc sai phạm” của Bộ Xây dựng thì “số phận” của chủ trương này đã đến đâu, chỉ biết rằng số phận của hàng loạt công trình xây dựng sai phép trên khắp địa bàn cả nước đang “ngoắc ngoải” bởi việc xử lý chúng đang là bài toán khó của chính quyền nhiều nơi.

Rõ hơn, cùng là công trình xây dựng sai phép với cùng nội dung như sai phép nhưng phù hợp quy hoạch về hệ số sử dụng đất, khoảng lùi, chiều cao... nhưng thời gian qua việc xử lý chúng mỗi nơi mỗi kiểu.

Nơi thì kiên quyết đập, nơi phạt và xem xét cho tồn tại. Đây là một trong những nguyên do tạo nên tâm lý rủi may của nhiều chủ dự án khi cố tình xây dựng sai phạm.

Với việc xử lý không thống nhất đối với tất cả công trình và tất cả các địa phương, nhiều chủ đầu tư tin vào khả năng “ngoại giao” tốt của mình để dùng tiền “mua” được việc xử phạt. Luật pháp vô hình trung vì vậy cũng bị khinh nhờn và công trình sai phạm vì vậy vẫn cứ xảy ra (?!).

Theo Tuổi trẻ