Lê Hoàng Anh Thư – cô gái 23 tuổi nhỏ nhắn, nhưng lại có một trái tim đầy tự do, yêu thiên nhiên và thích chinh phục. Trong một lần đang lênh đênh trên một hòn đảo nhỏ hoang sơ ở quần đảo Thổ Chu, trên hành trình check-in cột mốc toạ độ A1 đường cơ sở biên giới biển Việt Nam, Anh Thư trò chuyện cùng một anh thơ lặn. Cô nhớ như in những gì anh nói với mình: “70% trái đất là nước. Do đó ¾ vẻ đẹp của thế giới này đều là nằm ở dưới đại dương. Em yêu thiên nhiên thì nhất định phải thử đắm mình trong lòng biển mới thấy hết điều kì diệu của đại dương và thế giới này”.
Sau cuộc trò chuyện đó, Anh Thư tìm xem những thước phim về biển cả và đại dương, đọc về những điều kì diệu dưới đáy biển. Càng tìm hiểu, cô càng cảm thấy khao khát và quyết tâm sẽ học lặn để có thể chinh phục đai dương.
Tới giữa năm 2022, khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, Anh Thư quyết định đăng ký tham gia khoá học lặn tại Nha Trang trong 3 ngày tại một trung tâm dạy lặn theo tiêu chuẩn SSI (Scuba Schools International) – đào tạo lặn bằng bình dưỡng khí uy tín hàng đầu thế giới, với các giáo viên có bằng chuẩn quốc tế.
Trước khi được lặn ở biển, Anh Thư được học lặn ở bể bơi để làm quen với nước, tập luyện hơi thở và học cách cân bằng. Cô cũng được giáo viên dạy các kỹ năng để giữ bình tĩnh dưới nước.
Khi lần đầu tiên thả mình chìm xuống dưới mặt biển, dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng Anh Thư vẫn cảm thấy sợ và lo lắng. Mặt biển nhìn rất yên bình, nhưng bên dưới là những dòng nước chảy xiết cứ cuốn cô gái nhỏ trôi đi. Anh Thử như thấy mình đang ở trong một thế giới không trọng lực dưới mặt nước. Dù đã lặn thuần thục ở bể bơi, nhưng khi lặn ở biển, cảm giác vẫn khác hoàn toàn. Thế nhưng rất nhanh, cảm giác lo sợ qua đi, thay vào đó là cảm giác choáng ngợp trước sự rộng lớn và thế giới kỳ diệu của biển cả, với vô vàn những loài sinh vật mà cô chưa bao giờ được nhìn thấy. Lòng biển thì như vô tận, còn mình thì trở nên nhỏ xíu.
Để có thể lặn, Anh Thử đã phải học cách để chìm, cách để nổi, cách để cân bằng áp lực nước dưới những độ sâu khác nhau và cách làm chủ cơ thể dưới nước. Bên cạnh đó là cách ứng phó với những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Một điều khiến Anh Thư đặc biệt thích thú, là ở dưới nước cũng có bộ ngôn ngữ giao tiếp riêng. Khi lặn, mọi người vẫn có thể gọi nhau và giao tiếp với nhau.
Sau khi học lặn xong, các học viên sẽ còn phải thi lấy bằng. Việc kiểm tra trình độ được diễn ra rất gắt gao, kỹ càng và cẩn trọng vì liên quan đến vấn đề an toàn tính mạng của mỗi người.
Anh Thư chia sẻ, khó khăn lớn nhất cô thấy việc ở học lặn chính là phải vượt qua nỗi sợ của bản thân . Ban đầu xuống nước, khi phải chìm xuống sâu từ 2-5m để học, cảm giác chênh vênh chơi vơi giữa làn nước, cơ thể cứ tự chìm tự nổi không kiểm soát được….khiến Anh Thư hoảng sợ. Có lúc cô còn sợ tới mức đòi lên bờ không học nữa. Nhưng rồi khi cố gắng hít thở, lấy bình tĩnh, mọi thứ trở nên dễ dàng và quen thuộc hơn.
Trải qua những thử thách ban đầu, khi những khó khăn đã ở lại phía sau, Anh Thư cảm nhận sự tự do và hạnh phúc tràn ngập trong tâm trí. Khi được chạm vào thiên nhiên, tự làm chủ dưới nước, chinh phục đại dương và trở thành một phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình khiến Anh Thư cảm thấy rất tuyệt vời và tự hào.
Trong một lần Anh Thư lặn xuống độ sâu tầm 10m, cô bắt gặp những chú cá Nemo – loại cá trong bộ phim “Truy tìm Nemo” nổi tiếng. Những con cá sống ở độ sâu này rất dạn người, chúng tò mò bơi xung quanh Anh Thư khiến cô vô cùng thích thú, cảm tưởng mình như nàng tiên cá vậy.
Có những lần Anh Thư lặn sâu hơn, tầm 15m. Mọi thứ bắt đầu lạ hơn. Ở dưới độ sâu này, mọi thứ bắt đầu mất màu, ánh sáng nhận từ trời cũng bị mờ đi. San hô Anh Thư nhìn thấy lúc này đều chỉ có màu xanh biển hoặc trắng nhàn nhạt. Chỉ có khi chiếu đèn flsash chuyên dụng, thợ lặn mới có thể nhìn rõ được những sắc màu. Màu sắc của sinh vật biển vô cùng đa dạng và rực rỡ. Những rạn san hô đủ màu, những loài động vật ẩn mình dưới cát… nhìn từ xa không thể đoán được.
Ở độ sâu 15m có rất nhiều cá. Anh Thư nói, khi xuống sâu như vậy, cá xem mình là bạn, cứ bơi ngang người mình. Có con còn dừng lại nhìn mình chăm chăm nữa.
Với Anh Thư, học lặn là hành trình tìm về thiên nhiên đúng nghĩa, hành trình chinh phục những vẻ đẹp ẩn mình không dễ được nhìn thấy. Lặn biển cũng là bộ môn dành cho những người bản lĩnh và thích thử thách bản thân, yêu trải nghiệm.
Bằng lặn quốc tế mà Anh Thư học có thể sử dụng ở bất cứ đâu trên thế giới, có thể lặn biển ở các quốc gia khác như Thái Lan hay Indonesia. Cô mong ước mình có thể được lặn ở những vùng có tàu đắm để khám phá thêm nhiều điều mới lạ.
Những chia sẻ kinh nghiệm của Anh Thư khi lặn:
Luôn tập trung và tin tuyệt đối vào người dạy mình, nghe theo mọi chỉ dẫn của giáo viên.
Cần phải giữ bình tĩnh. Bởi dưới đại dương, nếu không bình tĩnh sẽ không thể làm chủ được bản thân trong môi trường không trọng lực.
Không chạm và làm tổn thương bất cứ thứ gì ở đáy biển. Điều này đảm bảo sự an toàn cho các sinh vật biển và cũng cho người tham gia lặn. Dưới biển có nhiều loài san hô có độc hoặc gây ngứa, nên tốt nhất là không chạm vào.
Không sử dụng chất kích thích hay cồn trước khi lặn.
Một điều thú vị là học lặn không cần biết bơi. Rất nhiều người vẫn lặn rất tốt dù không hề biết bơi.
Thuỳ Chi
Ảnh: nhân vật cung cấp