Sandy xúc động kể: “Không ngờ, có rất nhiều những cảnh ngộ tương tự đã nhắn tin để cám ơn cuốn sách nhỏ 'Cát hay là Ngọc'. Có lẽ, em đã được bù đắp phần nào khi mang lại sự an ủi nhỏ nhoi cho những thân phận khác".

Cứu một người, giúp nhiều người

Trong buổi giới thiệu cuốn tự truyện “Cát hay là Ngọc” tại Hà Nội (15/7), nhà văn Di Li chia sẻ rằng đọc “Cát hay là Ngọc” cô bị quay cuồng, chóng mặt ngay từ trang thứ hai. Di Li tự nhận trí tưởng tượng của cô cũng đầu hàng trước một câu chuyện thật thương tâm đến như thế. Cô mong muốn cuốn sách dày hơn, có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba như hiện tại.

Trả lời cho câu hỏi này, nhà văn-nhà báo Hoà Bình cho rằng nhóm tác giả không làm cuốn sách vì bất cứ mục đích nào khác ngoài việc cứu được một cuộc đời có thật và giúp được những cảnh đời khác tương tự nhưng không dám nói ra. Thế nên về độ dày của cuốn sách, cũng là yếu tố cần cân nhắc, như nhiều độc giả chia sẻ, không ai bỏ sách xuống giữa chừng, đó chính là điều tác giả mong muốn nhất. Còn về khía cạnh xuất bản, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc NXB Phụ Nữ hy vọng một câu chuyện khốc liệt, trần trụi nhưng hết sức nhân văn như “Cát hay là Ngọc” sẽ đến được với một số lớn độc giả ở nhiều miền đất nước, nhất là ấn bản có độ dày hiện tại.

{keywords}

Sandy trong trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam trước buổi giao lưu trực tiếp trên kênh “Cuộc sống thường ngày” 

Có mặt tại chương trình giao lưu, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Người Việt ai cũng nên đọc Cát hay là Ngọc. Đúng là cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng những thông điệp lớn với hiện trạng nóng bỏng về việc mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Cuốn sách đã làm thức tỉnh cộng đồng và khiến người đọc đặc biệt tôn trọng và cảm phục cô gái nhỏ nhắn này”.

“Mỗi năm hơn 2.000 vụ xâm hại trẻ em, như vậy trung bình mỗi ngày cũng có tới 6-7 vụ xảy ra ở đâu đó quanh ta – Nhà văn Di Li nói – Nhưng nếu chỉ đọc những con số thống kê lạnh lùng, hoặc các bài báo 'nóng bỏng' nhưng dễ quên đi, thì không đủ gây được ấn tượng gì trong nhận thức của người đọc. Ngày nào cũng có tin trên báo về việc cha dượng, hàng xóm, thầy giáo, xe ôm, và cả cha đẻ cũng xâm hại con gái. 

Thế nên cảm giác đầu tiên của tôi khi nhận được cuốn sách là cũng không chú ý lắm. Hơn nữa tự truyện bây giờ quá nhiều. Nhưng chỉ ngay sau khoảng hai ba trang sách đầu tiên, tôi đã đọc hết một mạch. Tôi thực sự cảm phục Sandy đã dũng cảm nói ra sự thật cay đắng. Và rất vui là cuốn sách vừa đáng tin bởi chứa đựng sự thật nhưng vừa đáng quý vì về mặt văn học rất thuyết phục”.

{keywords}

Từ trái qua: Bà Khúc Thị Hoa Phượng – GĐ NXB Phụ Nữ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), GS Nguyễn Lân Dũng và Sandy tại buổi ra mắt sách tại Hà Nội

{keywords}

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng ai cũng nên đọc “Cát hay là Ngọc”

GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết thêm, cá nhân ông rất cảm phục Sandy, nhóm tác giả và NXB Phụ Nữ, đơn vị đã đỡ đầu cho chủ đề khó nói này có thể đến với cộng đồng. GS Nguyễn Lân Dũng cũng tự học tới bốn ngoại ngữ, nhưng ông nói, để tự học với điều kiện và hoàn cảnh của Sandy thì thật sự rất đáng khâm phục. Cá nhân ông, với tất cả các nỗ lực của mình, như một người thầy, sẽ huy động những sự giúp đỡ khác nhau trong cộng đồng dành cho cô gái bé nhỏ thiếu thốn tình thương từ bé.   

Nói lại chứ không “sống” lại 

Bởi tất cả các nạn nhân từng bị lạm dụng đều phải chịu đựng những cơn sang chấn tâm lý mạnh mẽ, nên khác với bề ngoài ung dung, bình thản, thân thiện mà mọi người nhìn thấy, bên trong nội tâm những cô gái như Sandy luôn là bão tố. Trong buổi ra mắt cuốn sách, điều mà BTC không mong muốn nhất đã xảy ra. Chừng khoảng giữa buổi ra mắt sách, Sandy bị quay cuồng đến mức không thể ngồi lại và đã buộc phải rời khỏi khán phòng. Chương trình bắt buộc phải tiếp tục với những chia sẻ của nhóm tác giả: nhà văn-nhà báo Hoà Bình và Cỏ, cùng các đại diện của NXB Phụ Nữ, các luật sư đến từ Đoàn Luật sư Hà Nội và chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương.

Lúc Sandy nghỉ ngơi trong cơn quay cuồng trên một phòng của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, nhóm phóng viên thời sự VTV đã ghi hình phỏng vấn hai BTV của NXB Phụ Nữ vừa chăm sóc Sandy vừa khóc như mưa. Họ chính là những người đã làm việc với bản thảo “Cát hay là Ngọc”. Còn dưới khán phòng, cũng nhiều giọt nước mắt rưng rưng trên hàng ghế độc giả. Và có cả một phóng viên đứng lên phỏng vấn mà khóc nghẹn không nói nên lời. 

{keywords}

Từ trái qua: Nhà văn Di Li dẫn chương trình, nhà văn-nhà báo Hoà Bình, Sandy và Cỏ. 

Sandy – Bích Ngọc, luôn khiêm tốn, chính em cũng chẳng biết từ một hạt cát giữa biển đời, em có thể thành ngọc được hay không, nhưng những ngày qua, em cho biết đã liên tiếp nhận được những sự sẻ chia lặng thầm từ nhiều người nhắn gửi “em thấy mình trong đó”, “em vừa giống vừa khác chị”… khiến Sandy thấy thật ấm lòng. 

“Cuộc sống luôn là vội vã và thờ ơ, nên nếu không dám sống quyết liệt, thì sẽ đánh mất đi nhiều thứ quý giá - Sandy chia sẻ - Như những đêm không ngủ quặn thắt với người mẹ Vũng Tàu đang bảo vệ con gái 6 tuổi bị xâm hại, hoặc trăn trở tìm cách liên lạc với những người bạn đã đột ngột đóng cửa facebook, để rồi sáng sớm mai, đã nhận được tin họ vừa mới qua đời. Em hiểu ra rồi, nên em nói, nói lại chứ không “sống” lại. Từ khi nói ra, em đã thấy nhiều người được an ủi, chỉ như vậy, em đã thấy mình được đền đáp phần nào”. 

{keywords}

Cho đến cuối buổi giao lưu, Sandy đã không trở lại khán phòng

Sandy mới trở về sau khoá học ngắn hạn hai tuần mà em nhận được học bổng của một học viện quốc tế ở Philipin. Chỉ là học bổng ngắn hạn nhưng em đã được học thêm biết bao kiến thức, đã dần định vị được mình là ai, và có thêm bạn bè, thầy cô với nhiều màu da, khiến em có cảm giác đã chạm được tới “giấc mơ” về “thánh đường đại học” vẫn hằng mơ ước. Sandy đang tiếp tục dạy tiếng Anh ở trung tâm Amazing Home và tiếp tục nỗ lực “săn” học bổng, với mong muốn được đi tiếp, học tiếp, được “ngấm” ánh sáng của tri thức, kiến thức, lễ giáo, và học cả bình thản, thứ tha.

Hãy dám nói ra
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (Nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đánh giá: điều đáng kể nhất của cuốn sách là dám nói ra. Nói ra là cách tốt nhất để phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em. Ngược lại, nếu tất cả đều chọn im lặng, là một cách gián tiếp để tội ác không dừng lại.
Trước câu hỏi của một bà mẹ: phụ huynh phải xử trí thế nào nếu lỡ trong nhà có trẻ em bị lạm dụng?Đại diện Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: quan trọng nhất là phải động viên các em nói ra, và thu nhập nhanh nhất mọi chứng cứ có thể. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương cung cấp thêm số điện thoại đường dây nóng bảo vệ quyền trẻ em: 18001567 (tổng đài quốc gia) đề nghị giúp đỡ!

Bài và ảnh: Minh Thành