"Mây của hiện tại là một phiên bản hoàn toàn trái ngược so với hình ảnh cô Mây váy áo thướt tha rong ruổi khắp trời Âu: Tay búp măng dài thon bây giờ đã nhăn nheo khô khốc như cành củi; làn da đen cháy nắng; các bộ váy áo bánh bèo, điệu đà được thay thế bằng những bộ quần áo lao động lem luốc...".
Đó là những chia sẻ của Mây (tên thật Kiều Thị Hồng Vân, 32 tuổi) - một cô gái từng vi vu nhiều quốc gia trên thế giới, từng có công việc và nguồn thu nhập nhiều người mơ ước nhưng lại quyết định đi theo… "tiếng gọi thiên nhiên".
Đầu năm nay, Mây quyết định rời bỏ Sài Gòn sau 14 năm gắn bó để trở về làm nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk.
Cô chủ… "khu vườn trên mây"
Trên mảnh đất 1ha ở xã Cư Klông, H.Krông Năng, Đắk Lắk, Mây giữ một nửa trồng cà phê, hồ tiêu để đảm bảo thu nhập chính. Còn lại, khoảng 5.000 mét vuông đất, Mây quy hoạch thành từng khu, trồng đủ loại trái cây, rau, củ quả, hoa…
Khu vườn của Mây mùa nào có thức ấy. Mùa thu đông, khu vườn xanh mướt súp lơ, su hào, bắp cải, cà rốt, cải thảo… Xuân hè sang, những giàn bầu, bí, dưa leo, mướp… trĩu trịt quả. Mùa mưa đến, Mây đi hái nấm, bẻ măng…
Mỗi ngày, cô đều dành toàn thời gian cho "khu vườn trên mây" của mình. Cô gái thoăn thoắt cầm cuốc đào đất, gieo hạt, tưới cây, thu hoạch… dưới cái nắng nóng bỏng rát của mảnh đất Tây Nguyên.
Tối đến, tranh thủ thời gian rảnh, Mây đăng tải hình ảnh nông sản sạch nào trứng, gà, mật ong, nào trái cây, rau củ để bán online. "Hiện lượng nông sản của gia đình vẫn không đủ bán cho khách hàng", Mây chia sẻ.
Mỗi sản phẩm của nông trại đều được Mây chăm chút kĩ càng để gửi đến khách hàng. Cô thiết kế túi xách thân thiện với môi trường - gói bằng lá chuối, chia rau củ các loại trong một bịch lớn, đủ để một gia đình ăn trong tuần rồi giao về tận nhà cho khách ở TP.HCM.
Mây cũng dành riêng một khu vực để trồng hàng chục loại hoa tươi rực rỡ sắc màu. Khi hoa nở rộ, cô khéo léo cắt hoa rồi cắm vào bình, trang trí cho ngôi nhà. Cô dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, chăm sóc và làm bạn cùng các cháu nhỏ.
Đi để trở về… với thiên nhiên
Nhìn Mây của hiện tại, nhiều người quen biết trước đây có thể thấy rất "lạ". Họ không hiểu vì lí do gì mà một cô gái đang rong ruổi khắp thế giới lại chấp nhận về quê, gắn bó với đất, cây lá, cỏ dại, vùi mình trong nắng mưa…
Chính mẹ của Mây cũng chưa tin nổi, con gái lại rời cuộc sống tiện nghi nơi phố thị cô hằng ao ước để trở về làm nông cực nhọc.
Nhưng trước ánh mắt hoài nghi của mọi người, Mây chỉ mỉm cười.
Mây chia sẻ, cô là một "cô gái nông thôn chính gốc".
"Thời thơ ấu của mình là những năm tháng mò cua bắt ốc, lên rừng lấy củi, lội ao vớt bèo, cuốc đất, làm rẫy…", Mây kể.
"Đã có những năm tháng mình thề sống thề chết sẽ không bao giờ quay lại làm nông dân. Mình từng sợ cuộc sống vất vả. Mình rời quê đến Sài Gòn, lao vào học tập và làm việc, ngày này qua ngày khác…"
Thế nhưng, khi có trong tay công việc ổn định, thu nhập cao, có nhà riêng, xe riêng, có cơ hội đi du lịch khắp nơi trên thế giới - một cuộc sống mà nhiều người mơ ước, Mây lại cảm thấy "không còn là chính mình" - cô không tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc.
Mây nhớ núi, nhớ rừng, nhớ tuổi thơ cùng ba mẹ cuốc đất, trồng cây. Cô thèm trở về với thiên nhiên.
"Sau một năm thiên tai bão lũ kinh hoàng, kèm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khắp toàn cầu, mình lại muốn quay về với tự nhiên, tạo ra một nơi có không khí trong lành nhất cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè và cho tất cả những ai muốn ghé thăm", Mây nói.
Mây dành thời gian trở về quê thường xuyên hơn để tìm hiểu về trồng trọt, nông nghiệp tại quê nhà. Cô tính toán và chuẩn bị nguồn tài chính đủ để đầu tư ban đầu cho nông trại.
"Tổng số vốn Mây đầu tư cho việc về quê làm trang trại của mình (tính cả tiền mua đất) khoảng 2 tỉ đồng. Ngoài ra mình cũng duy trì một công việc từ xa để có nguồn thu nhập đảm bảo cho cuộc sống trong thời gian đầu làm trang trại", Mây cho biết.
"Nếu chỉ bất chợt nổi hứng rồi lao về quê thì mình dễ thất bại và… chết đói lắm. Cuộc sống ở nông thôn khác xa thành phố, và làm nông nghiệp vô cùng vất vả, nhiều thách thức", cô giải thích.
Rũ bỏ hình ảnh cô gái thành công nơi phố thị, Mây trở về cầm cuốc, tự tạo nên khu vườn theo mong muốn của mình. Đặc biệt là mọi thứ sẽ thuần tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nào.
Mây mày mò đọc sách, học hỏi kinh nghiệm để tự chế dung dịch diệt sâu bệnh từ các nguyên liệu có sẵn trong nông trại. Cô học cách ủ phân vi sinh, làm phân hữu cơ từ rác… Bằng những trải nghiệm đã có khi đến thăm nhiều nông trại trên khắp thế giới, Mây thuyết phục cha mẹ thực hiện kỹ thuật làm đất sạch, cách trồng cây có đề kháng tốt…
"Trước khi mình về, mẹ mình ghét cỏ lắm, mẹ coi cỏ như kẻ thù nên trong vườn không một cọng cỏ. Nhưng mình thì nghĩ cỏ cũng có lợi, có loại thì giúp đuổi côn trùng, có loại sẽ giữ ẩm cho đất.
Sương động lại trên cỏ mỗi đêm cũng sẽ giúp "tưới tự động" cho rau xanh bên dưới. Tất nhiên mình không để cỏ um tùm quá là được", Mây nói.
Cô gái cũng thay đổi cách làm việc của cả gia đình. Mỗi tối, Mây sẽ lên kế hoạch công việc cho ngày mai, rồi phân chia cho cả nhà. Nhờ đó, không cần thuê thêm nhân công, gia đình Mây vẫn chăm sóc tốt cho nông trại.
Những lúc thu xếp được công việc, Mây đi làm thiện nghiệp, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương. Cô gái trẻ cũng không ngần ngại chia sẻ kĩ thuật làm nông nghiệp sạch tới bà con làng xóm.
Cô gái 32 tuổi chia sẻ, trước mắt cô sẽ tập trung làm trang trại sạch. Sau này, cô sẽ làm du lịch, mở cửa đón khách thăm quan nhưng là du lịch trải nghiệm thân thiện và gần gũi nhất với thiên nhiên.
(Theo Dân Trí)