Không thể ngồi suốt nhiều năm

Cầm Thị Anh, dân tộc Thái ở Sơn La năm nay bước sang tuổi 25 nhưng cơ thể gầy yếu, xanh xao do đeo khối u khổng lồ ở vùng xương cụt suốt 10 năm qua.

Cầm Anh kể, khi học lớp 10, em phát hiện vùng xương cụt bị đau khi ngồi học. Thời gian đầu, em vẫn chị đựng đến lớp, đến khi đau nhiều, bố mẹ mới đưa đến BV đa khoa tỉnh thăm khám.

Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm cơ, kê đơn thuốc uống trong vài tháng. Tuy nhiên cứ ngừng thuốc, Cầm Anh lại thấy đau. 7 tháng sau, em đến bệnh viện khám lại do đau nhiều, bí tiểu, bụng chướng to, khó thở kèm khối u ở vùng mông cứ to dần, lồi ra cả trước và sau.

{keywords}

Cầm Anh không giấu nổi xúc động khi kể lại hành trình nhiều đau đớn, tuyệt vọng suốt 10 năm qua

 

Đau đớn nhiều không ăn uống được cộng thêm khối u lớn nhanh, cân nặng Cầm Anh giảm rất nhanh từ 52kg xuống còn hơn 20kg.

Khi đó, các bác sĩ quyết định đặt dẫn lưu nước tiểu tạm thời cho Cầm Anh. Do nhà ở bản nghèo không có tiền, bố mẹ em quyết định bán con bò, tài sản lớn nhất của cả nhà để con gái có tiền xuống Hà Nội chạy chữa.

“Khi xuống Hà Nội, 2 bố con rẽ vào quán phở ăn trưa, nhưng cả 2 chỉ dám gọi 1 bát. Bố em nhường em ăn trước, em vì đau nên chỉ ăn được vài miếng thịt bò rồi đẩy lại bát phở cho bố”, Cầm Anh nhớ lại.

Khi đi hy vọng bao nhiêu lúc về cả 2 bố con tuyệt vọng bấy nhiêu khi bác sĩ nói em bị ung thư giai đoạn cuối, không thể làm được gì. Xác định tinh thần chờ chết, khi về nhà, gia đình đặt sẵn cho em 1 chiếc quan tài ở trong nhà chờ chết.

Dân làng xung quanh khi biết bệnh tình của em cũng tránh xa, không ai dám qua lại hỏi thăm vì sợ lây nhiễm.

Từ đây, Cầm Anh phải nghỉ học. Thương con, bố mẹ cũng tìm mọi cách chạy chữa thuốc nam, ai chỉ đâu đến đó, kiên trì vừa uống, vừa đắp trong suốt gần 2 năm. Khoảng thời gian đó, Cầm Anh thấy đỡ đau hơn, cơ thể hồi phục dần, cân nặng nhích thêm nhưng khối u vẫn tiếp tục to thêm.

{keywords}

Khối u từ xương cụt to dần, đè đẩy ra cả trước và sau

 

Sau đó, Cầm Anh tự rút sonde tiểu khiến em tiểu không tự chủ. Khối u to khiến em không thể nằm ngửa mà phải nằm nghiêng từ đó.

Có nhiều thời điểm do đau không thể chịu nổi, Cầm Anh liên tục phải dùng thuốc giảm đau.

Ban đầu, Cầm Anh vẫn có thể kiểm soát được đại tiện nhưng sau đó thì không thể. Mỗi khi ở nhà, bất cứ khi nào căng bụng, em sẽ chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh nhưng nhiều khi, chỉ ngồi bình thường phân cũng tự ra.

Cứ thế, 8-9 năm nay, Cầm Anh một mình chịu đựng đau đớn và tự ti, sống chung với khối u lớn dần ở vùng mông.

Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, khối u to nhanh khiến Cầm Anh đi lại hạn chế, không thể ngồi, toàn bộ vùng tầng sinh môn tê bì, mất cảm giác.

Tình yêu cổ tích

Tình yêu luôn đến theo cách không ngờ nhất. Cầm Anh kể, cách đây hơn 3 năm, em xuống Hà Nội bán quần áo cho chị họ. Do cửa hàng vắng khách, em hay sang quán bên cạnh ngồi chơi đã gặp anh chồng hiện tại, dân tộc Mường, quê ở Thanh Hoá, là công nhân ép cọc hay uống bia ở đó.

Cầm Anh kể, ban đầu không có ấn tượng với người đàn ông này vì hay trêu trọc em, nhưng sau khi biết anh ấy có tình cảm với mình, Cầm Anh lại tự ti không dám đón nhận.

Cầm Anh kể với anh về căn bệnh khó nói của mình, về tương lai mờ mịt phía trước. Khi biết sự thật, anh không rời bỏ cô gái bé nhỏ, trái lại càng yêu thương và muốn gắn bó với Cầm Anh. Ngày nào anh cũng mua đồ ăn, thỉnh thoảng mua quần áo cho người yêu.

Khi biết tình cảm anh dành cho mình ngày càng lớn, Cầm Anh bỏ về Sơn La để tránh gặp mặt, mong anh sẽ buông xuôi đi tìm hạnh phúc mới.

Tuy nhiên Tết Nguyên đán 2018, anh một mình lên Sơn La sau đó tự tìm được đường về bản nghèo nơi Cầm Anh sống, cách xa thành phố vài chục km.

Anh ra mắt bố mẹ vợ trong tình huống bất ngờ. Bố mẹ Cầm Anh khuyên 2 đứa không nên cưới nhau.

Bố Cầm Anh chỉ nói với anh một câu: “Cậu cứ suy nghĩ cho kĩ, giờ cưới nó không khác gì lấy một khúc gỗ. Nó bệnh tật như vậy, tương lai phía trước sẽ thế nào”. Sau tất cả, anh vẫn kiên nhẫn thuyết phục, quỳ xuống xin bố mẹ Cầm Anh cho cưới cô làm vợ.

{keywords}

Hình ảnh khối u trên phim chụp 

 

Khi nhận được cái gật đầu của bố mẹ Cầm Anh, anh lại bị gia đình mình phải đối kịch liệt. Trải qua bao khó khăn, cuối năm 2019, cặp đôi mới chính thức nên duyên vợ chồng.

Từ ngày cưới, anh không cho Cầm Anh làm bất cứ việc gì nặng nhọc. Một mình anh bươn chải kiếm tiền lo đưa vợ đi khám, chữa trị. Thấy vợ bán hàng bị mệt, anh đưa Cầm Anh về quê ở Sơn La nghỉ ngơi. Buổi tối, thấy vợ còn sáng đèn Facebook, anh luôn bắt vợ tắt máy ngủ sớm, đến khi nào chuyển chế độ máy bay anh không gọi được nữa mới thôi.

Mới đây, Cầm Anh được chồng đưa đến BV đa khoa tỉnh Thanh Hoá khám bệnh. Khi thấy căn bệnh của em, vị bác sĩ giới thiệu ra BV Trung ương Quân đội 108 vì nơi đây từng phẫu thuật một ca tương tự. Đã tưởng bước trên con ngõ cụt, chỉ chờ ngày chết, Cầm Anh bỗng thấy mọi hy vọng lại trỗi dậy như ngày đầu đến bệnh viện.

Ca mổ đặc biệt truyền 22 lít máu

Ngày 5/5 vừa qua, Cầm Anh nhập viện BV Trung ương Quân đội 108. Nhìn bệnh án, các bác sĩ xác định đây là ca vô cùng đặc biệt, đã hội chẩn rất nhiều lần, chụp chiếu rất kĩ để tìm phương án mổ phù hợp, từ trước hay sau, mổ sao để mất máu ít nhất.

TS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống cho biết, khối u phát triển từ đầu xương cụt của Cầm Anh rất lớn, kích thước lên tới 21x21x15 cm, đè đẩy tử cung, buồng trứng, trực tràng, bàng quang ra trước, phát triển ra sau và xuống tầng sinh môn. Khối u đè ép vào niệu quản bên phải khiến thận phải teo nhỏ và chèn ép các mạch máu lớn, các dây thần kinh cùng cụt.

Nếu phẫu thuật thì sẽ gặp rất nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng, thậm chí có thể tử vong do mất máu khó kiểm soát cũng như dễ xảy ra biến chứng ngừng tim, rối loạn đông máu.

{keywords}

Ekip bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật suốt 11 tiếng cho bệnh nhân

 

Sau phẫu thuật, có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng vết mổ do vết mổ rất rộng và dài cả phía trước bụng và vùng mông, và nguy cơ suy mòn suy kiệt, tắc ruột.

Cầm Anh được bác sĩ thông báo trước những nguy cơ có thể gặp phải và em đồng ý phẫu thuật.

“Em đã từng nghĩ sẽ phải sống với khối u đến khi chết, sống được đến bây giờ cũng là may mắn lắm rồi nên nếu ca mổ không thành công, em mong muốn được hiến tạng. Em nghĩ rồi, để lại được cái gì cho người khác thì quý cái đó, các bộ phận em không biết nhưng mắt em vẫn còn nhìn rõ thì có thể cho người khác. Chồng em cũng tôn trọng quyết định của em”, Cầm Anh chia sẻ.

Sau 2 lần hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sĩ quyết định cắt bỏ khối u bằng cả đường mổ trước và sau. Bệnh viện huy động những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất của bệnh viện thuộc nhiều chuyên ngành như phẫu thuật cột sống, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, sản khoa, khoa gây mê hồi sức…

Ngày 15/6, 30 y bác sĩ nhiều chuyên khoa bắt đầu ca mổ đặc biệt kéo dài suốt 11 tiếng. Thì thứ nhất, các bác sĩ đi từ mặt trước bụng, bộc lộ khối u nằm trong ổ bụng, bảo vệ các mạch máu lớn và các tạng xung quanh khối u và đục cắt u thành nhiều mảnh.

Sau đó đặt bệnh nhân nằm sấp để mổ thì thứ 2 đi từ vùng mông 2 bên, tiếp tục cắt các phần u còn lại.

“Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi phải lật sấp – ngửa bệnh nhân tới 3 lần. Bệnh nhân chảy rất nhiều máu, phải truyền tổng cộng 22 lít máu và chế phẩm máu”, TS Hậu thông tin.

Các phẫu thuật viên cũng buộc phải cắt một phần đại tràng, làm hậu môn nhân tạo, sắp xếp lại các quai ruột và xoay vạt cơ mông hai bên để che phủ ổ khuyết hồng phần mềm sau cắt u.

Sau mổ, kíp mổ đã cắt được trọn vẹn toàn bộ khối u, phần xương cùng còn lại vẫn đảm bảo độ vững của khớp cùng chậu. Bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để theo dõi và chăm sóc trong 1 tuần.

Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân ổn định, đang tập vật lý trị liệu mỗi ngày để tập ngồi dậy, đi lại.

Thúy Hạnh

Đám cưới cổ tích ở bệnh viện

Đám cưới cổ tích ở bệnh viện

Đám cưới cổ tích diễn ra ngay tại hội trường bệnh viện với sự chứng kiến của tất cả bệnh nhân và y, bác sĩ.